Vào năm 2016, hàng chục ngàn học sinh trung học tại Algeria đã phải thi lại sau khi đề thi chi tiết bị phát tán trên mạng xã hội. Để hạn chế gian lận trong thi cử, chính quyền Algeria đã tạm thời chặn Facebook và Twitter trên toàn quốc. Hãng thông tấn nhà nước Algeria dẫn lời một quan chức thừa nhận: “Việc chặn các mạng xã hội có liên quan trực tiếp đến kì thi tú tài trên cả nước vào ngày 19-6”.
Bên cạnh đó, kết nối Internet, 3G cũng bị hạn chế trong thời gian diễn ra cuộc thi. Không lâu sau, nhà chức trách và cảnh sát Algeria đã bắt giữ hàng chục người, bao gồm các cán bộ trong ngành giáo dục và những nhà in đề thi sau khi một phần đề thi trung học 2016 bị phát tán trên mạng xã hội. Tuy nhiên, động thái này không hoàn toàn giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Do đó, mới đây chính phủ Algeria đã chặn toàn bộ kết nối Internet trên toàn quốc trong vòng hai tiếng. Bộ trưởng giáo dục Nouria Benghabrit cho biết: “Các thiết bị có thể truy cập internet, đơn cử như điện thoại di động và máy tính bảng đã bị cấm sử dụng tại hơn 2.000 trung tâm thi, máy dò kim loại được thiết lập tại lối vào trung tâm.
Ngoài ra, các thiết bị làm nhiễu điện thoại di động và camera giám sát cũng được thiết lập tại các địa điểm in bài thi. “Các dịch vụ Internet đã bị cắt giảm theo chỉ thị của chính phủ, nhằm đảm bảo kì thi tốt nghiệp trung học diễn ra trơn tru,”nhà điều hành Algerie Telecom cho biết.
Ali Kahlane, chủ tịch hiệp hội viễn thông AOTA cho biết các nhà mạng được yêu cầu phải tuân thủ chỉ định của chính phủ.
Loạn với thiết bị gian lận trong phòng thi
Sự phát triển của công nghệ đã khiến cho các mánh khóe gian lận trong thi cử ngày càng tinh vi hơn, có thể qua mắt được mọi giám thị, nhất là tại các kì thi trong trường đại học.
Cứ vào mỗi mùa thi cuối cấp hay đại học, chỉ cần dạo sơ một vòng trên mạng xã hội hay các trang web rao vặt là ta sẽ thấy có vô số các thiết bị gian lận được chào bán với đủ thể loại, từ tai nghe siêu nhỏ cho đến bút camera hay đồng hồ cảm ứng. Nhiều sinh viên giờ đây đã không còn tìm đến những trang sách để trang bị cho mình những hành trang thực sự, họ đã biến việc học và thi giờ chỉ còn là sự đối phó.
Tai nghe siêu nhỏ không dây có kích thước chỉ bằng hột đậu xanh và sử dụng kết nối không dây, khiến người khác rất khó nhận biết cũng như phát hiện. Khi nhét vào tai, bạn có thể nghe được âm thanh do người khác gọi đến cũng như truyền thông tin ra bên ngoài. Giá bán cho một tai nghe thường dao động trong khoảng từ 1 - 2 triệu đồng, còn thuê thì chỉ mất 200.000 đồng cho một buổi thi.
Để phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị này, giám thị cần hết sức chú ý và quan sát hành vi của thí sinh. Thường thì thiết bị này sẽ được nhét vào tai phải, nguyên nhân là do chúng ta thường có xu hướng nghiêng đầu bên trái khi viết bằng tay phải, do đó nếu nhét vào tai trái thì sẽ rất dễ rớt ra ngoài. Đặc biệt, thí sinh muốn truyền thông tin ra bên ngoài thì phải đọc đề, do đó giám thị chỉ cần quan sát là có thể biết được.
Bút camera có giá khoảng 400.000 đồng, một khi có trong tay bộ tai nghe siêu nhỏ và một chiếc bút camera thì mọi giám thị đều có thể bị qua mặt. Sản phẩm này được trang bị các thành phần tương tự như một chiếc máy quay siêu nhỏ, dễ dàng sử dụng mà không bị phát hiện. Có thiết kế giống như các cây bút thông thường, hỗ trợ ghi âm, chụp ảnh và quay phim mọi thứ theo thời gian thực. Ngoài ra có nhiều sản phẩm còn hỗ trợ thí sinh nhét tài liệu, phao thi vào bên trong ruột bút, dễ dàng lấy ra khi cần sử dụng. Nếu giám thị không để ý hoặc không cầm lên xem thì rất khó để phát hiện
Đồng hồ thông minh/cảm ứng có kiểu dáng tương tự như một chiếc đồng hồ thông thường, nhưng nó có thể cho phép người dùng chuyển các file tài liệu, hình ảnh vào chỉ với vài thao tác đơn giản. Giá của các thiết bị này thường sẽ dao động trong khoảng từ 1,3 - 2 triệu đồng. Để phát hiện, các giám thị cần lưu ý đến các thí sinh đeo đồng hồ, đặc điểm dễ nhận dạng nhất là các thiết bị này đều có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
“Loại đồng hồ này được thiết kế đặc biệt dùng để gian lận trong thi cử. Sản phẩm đã được lập trình sẵn một phần mềm, cho phép người dùng ngấm ngầm xem tài liệu ngay từ cổ tay. Đặc biệt, nó còn có một nút bấm khẩn cấp, giúp thay đổi màn hình hiển thị sang mặt đồng hồ thông thường trong nháy mắt.” theo thông tin từ người bán.
Đây thực sự là một cơn ác mộng đối với những người làm công tác quản lý. Thực tế mà nói, những chiếc đồng hồ này chỉ mới là một phần nhỏ, bởi lẽ còn rất nhiều sản phẩm hỗ trợ gian lận thi cử được bán tràn lan trên thị trường.
Nhìn chung, nếu quá phụ thuộc vào các thiết bị này thì kiến thức chúng ta sẽ bị rỗng, sự gian lận có thể chỉ che đậy được trong chốc lát, nhưng sẽ không thể nào tồn tại được lâu dài. Nếu không bị phát hiện thì sẽ được điểm cao, ngược lại thì bị đình chỉ học tập hoặc cấm thi. Đồng thời đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho các sinh viên/học sinh đang có ý định gian dối với thầy cô và chính bản thân mình.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết.