Từ khoá được tìm nhiều nhất trong thời gian này liên quan ‘cây nêu ngày Tết', trong đó, câu hỏi ‘tại sao có tục dựng cây nêu ngày Tết' hay ‘cây nêu ngày Tết được hạ vào thời điểm nào' được người dân Hà Nội và TP.HCM tìm kiếm nhiều nhất.
Chủ đề ‘bánh chưng' cũng đang dần tạo ra xu hướng tìm kiếm nổi bật với từ khoá ‘bánh chưng làm từ gạo gì', có thể tiếp tục tăng trong những ngày cuối tháng 1-2019. Ngoài ra, ‘phong tục ngày tết', ‘câu đối tết Kỷ Hợi' và ‘bài thơ tết đang vào nhà' là những tìm kiếm nổi bật liên quan, đẩy các từ khoá liên quan ‘phong thuỷ' hay ‘bói quẻ năm mới' của năm 2019.
‘Còn bao nhiêu ngày nữa là tết âm', ‘lịch nghỉ tết âm 2019' hay ‘lịch nghỉ tết 2019 của học sinh Hà Nội’... vào nhóm được tìm kiếm nổi bật theo xu hướng người dân tra cứu thời gian để lên lịch cho các chuyến du xuân.
So với Tết Mậu Tuất 2018 nghỉ 7 ngày, thời gian nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 lên đến 9 ngày do cộng cả ngày Thứ 7 và Chủ nhật (từ ngày 2-2 đến 10-2). Thời gian nghỉ Tết kéo dài nên nhiều người chọn lựa du lịch cùng người thân và bạn bè.
Hai địa điểm du lịch trong kế hoạch du xuân ‘ăn Tết xa' Kỷ Hợi 2019 lần lượt gồm Nhật Bản và Đài Loan, trong đó, dẫn đầu lượng tìm kiếm là người dân tại TP.HCM, kế đến là Hà Nội.
Trong xu hướng tìm kiếm giải trí ngày Tết, một bất ngờ nhỏ thú vị khi các ứng dụng tạo hay chế ảnh Tết rất được quan tâm. Cụ thể, từ khoá ‘app ghép ảnh tết', ‘ghép ảnh tết 2019', ‘ảnh tết chế', ‘ảnh chế tết 2019' và đặc biệt không thể thiếu những nội dung ‘hài tết năm 2019'.
Đối với YouTube, các playlist nhạc Xuân chiếm lĩnh toàn bộ nội dung liên quan từ khoá ‘Tết', các nhà sáng tạo nội dung đã đón đầu với những clip âm nhạc liên quan nhạc Xuân 2019.
Ngoài du lịch, thị trường dịch vụ còn có thể đón đầu xu hướng tìm kiếm nổi bật khi lượng tìm kiếm ‘vệ sinh máy lạnh' đứng trong Tốp đầu, đặc biệt là khu vực quận 2 và quận 7 (TP.HCM), hoặc những món ‘quà tết ý nghĩa', ‘khay đựng mứt tết cao cấp' để trưng trong phòng khách, ‘làm thiệp tết' hay dịch vụ làm ‘nail tết 2019'.