Trong báo cáo mới phát hành, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết trong tháng 3-2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 14.300 tỉ đồng, tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3-2022.
Xây dựng và hàng tiêu dùng là hai nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỉ đồng, chiếm 35% tổng giá trị mua lại và 3.400 tỉ đồng, chiếm 24% tổng giá trị mua lại.
Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Giảng viên kinh tế - Đại học RMIT Việt Nam cho biết các công ty có thể mua lại trái phiếu của họ trước khi đáo hạn để cải thiện bảng cân đối kế toán và xếp hạng tín dụng.
Bằng cách giảm nợ tồn đọng, các tập đoàn có thể cải thiện tỉ lệ tài chính của họ, chẳng hạn tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và khả năng chi trả lãi suất, vốn được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ.
Điều này có thể dẫn đến xếp hạng tín dụng cao hơn, làm giảm chi phí vốn của công ty và cải thiện khả năng huy động thêm nợ hoặc vốn cổ phần trong tương lai.
Ngoài ra, việc mua lại trái phiếu trước khi đáo hạn có thể chứng minh cho các nhà đầu tư rằng công ty cam kết quản lý mức nợ và cải thiện hiệu quả tài chính. Điều này có thể nâng cao danh tiếng của công ty và thu hút các nhà đầu tư mới vào cổ phiếu hoặc trái phiếu của công ty.