Apple đang yêu cầu các nhà cung ứng sản phẩm như Foxconn, Pegatron lên phương án, đánh giá tác động, chi phí của việc tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng.
Yêu cầu này đã được đưa ra khi tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo một nguồn tin thân cận, Apple cảm thấy lo lắng khi phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Mặc dù chi phí nhân công thấp hơn, nhưng việc tập trung sản xuất tại một quốc gia có thể gây ra nhiều bất lợi.
Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới, không chỉ riêng Apple mà còn rất nhiều công ty khác cũng đặt nhà máy hoặc hợp tác với các nhà sản xuất tại đây.
Theo một nghiên cứu mới đây, khoảng 5 triệu nhân công tại Trung Quốc phụ thuộc vào sự hiện diện của Apple, không rõ sẽ có bao nhiêu người bị ảnh hưởng khi công ty cắt giảm 15-30% khối lượng sản xuất.
Theo một số nguồn tin, các nhà cung ứng lớn gồm Foxconn, Pegatron, Wistron, Quanta Computer, Compal Electronics,… đều được yêu cầu thảo luận về kế hoạch sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc.
Trước đó, Wistron và Foxconn đã bắt đầu xây dựng dây chuyền lắp ráp và sản xuất iphone tại Ấn Độ, tuy nhiên khối lượng vẫn còn rất nhỏ. Hơn 90% sản phẩm của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc.
Các quốc gia đang được xem xét đặt dây chuyển sản xuất bao gồm Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Trong đó Ấn Độ và Việt Nam vẫn là hai địa điểm được yêu thích của các nhà sản xuất điện thoại thông minh, một nguồn tin cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng động thái của công ty là hợp lý và cần thiết. Jeff Pu, nhà phân tích kỳ cựu tại GF Securities cho biết Apple cần phải bắt đầu kế hoạch B và xem xét đến việc xây dựng các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc, ngay cả khi phải mất nhiều thời gian để thay đổi.