Kỹ sư trẻ mang công nghệ cao làm lợi cho nông dân

(PLO)- Nhờ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của một kỹ sư trẻ mà nhiều nông dân được tăng thu nhập…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với niềm đam mê về nông nghiệp và cây trồng từ khi còn nhỏ, anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu (34 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP.HCM) đã quyết định bước chân vào Trường ĐH Nông Lâm với ngành cảnh quan và kỹ thuật hoa viên. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) từ năm 2012.

Video: Kỹ sư trẻ mang công nghệ cao làm lợi cho nông dân.

Từ đó đến nay, anh đã có nhiều sáng kiến về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Giúp nông dân tăng thu nhập vượt bậc

Tưởng chừng quỹ đất bị nhiễm phèn chỉ có thể bỏ hoang, thế nhưng nhờ vào một sáng kiến của anh Lưu, các hộ nông dân tại huyện Cần Giờ đã có thể canh tác và gia tăng thu nhập.

Anh Lưu tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho bà con nông dân tại các xã ở huyện Hóc Môn
Anh Lưu tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho bà con nông dân tại các xã ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: TL

Theo đó với sáng kiến “Xây dựng quy trình trồng dưa lưới trên giá thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn tại huyện Cần Giờ” được áp dụng vào thực tiễn. Hiệu quả mang lại rõ rệt với năng suất 3,5 tấn/1.000 m2. Mức độ làm lợi bằng tiền gần 128 triệu đồng/1.000 m2/năm.

Ngoài ra, nhờ vào sáng kiến “Sử dụng dung dịch tảo và khoáng trong quy trình gieo ươm các giống cà tím, ớt, rau ăn lá, bầu, bí và khổ qua trong nhà màng” của anh Lưu, nhiều hộ nông dân đã không quá lo lắng về tỉ lệ nảy mầm của hạt giống và khả năng phát triển của cây trồng.

Đến nay, anh Lưu đã có 15 sáng kiến góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của TP. Đồng thời, anh còn tập huấn, giới thiệu các phương pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có mô hình nhà màng triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặt tại Nhà thiếu nhi huyện Củ Chi, cũng là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà anh Lưu chuyển giao.

p12-bai-cong-nghe-cao-h2-5300.jpg
Kỹ sư Lưu hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rau thủy canh, khổ qua, cà chua ứng dụng
công nghệ cao. Ảnh: TL

Về hiệu quả mang lại, anh Hà Thanh Sang, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Củ Chi, cho biết: “Mô hình chuyển giao trên đã thu hút được hơn 30.000 lượt người tham quan, tìm hiểu trong hơn một năm qua. Đồng thời, các lớp tập huấn về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất thu hút được 328 đoàn viên, thanh niên tham gia”.

Làm lợi nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến

Chị Huỳnh Như, một trong những thanh niên tham gia lớp tập huấn, đào tạo về nông nghiệp công nghệ cao, cho biết khi tham gia các lớp học, chị được cung cấp đầy đủ các kiến thức về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là trồng nấm. Từ việc nuôi cấy, làm sao để có độ ẩm phù hợp hay cách tăng giá trị làm lợi nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến…

Mong rằng hoạt động của công dân trẻ, hoạt động của Đoàn, hội, đội trong thời gian tới sẽ bám sát với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của TP để chúng ta thiết kế các phong trào, hoạt động của mình làm sao cho thiết thực và đáp ứng được nhu cầu, năng lực, khả năng cống hiến của các bạn trẻ.

(Trích phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại lễ tuyên dương danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023 vào sáng 1-1)

Trong năm 2023, anh Lưu đã tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ cao; đưa ra giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp ứng dụng hay còn gọi chung là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp công nghệ cao, đạt cấp quốc gia. Mô hình này mang tên “Quy trình sản xuất cây hương thảo trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt”. Mô hình đã được chuyển giao cho ba đơn vị ở các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Hậu Giang và một hộ nông dân trồng lan ở huyện Củ Chi. Với những sáng kiến sau khi được các đơn vị trên ứng dụng đã làm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, với mức lợi nhuận 500-600 triệu đồng/năm.

“Khi được người dân ủng hộ và đánh giá cao về công tác chuyển giao kỹ thuật mới, công nghệ mới, công nghệ cao vào nông nghiệp. Bản thân tôi cảm thấy rất là vui và phấn khởi” - anh Lưu cho hay.

Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cho biết anh Lưu làm rất tốt công tác chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Từ đó, mang lại những thành quả tích cực, đáp ứng được nhu cầu đang rất cần thiết của người dân. Đặc biệt là hướng dẫn người dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Anh Lưu là một chiến sĩ thầm lặng. Sở dĩ tôi nói thầm lặng là vì anh rất điềm đạm, hiền hòa. Mặc dù nhìn bên ngoài anh không sôi nổi nhưng bên trong thì luôn âm thầm nghiên cứu chuyên môn giúp bà con nông dân tăng thu nhập” - bà Khánh đánh giá.

Đồng hành cùng thanh niên trong sản xuất nông nghiệp

Ngoài hỗ trợ bà con nông dân về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, anh Lưu còn tập huấn, giới thiệu các phương pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao cho thanh niên huyện Củ Chi; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xanh, hoa kiểng, hướng dẫn thực hành trồng rau mầm cho thanh niên Khối Dân - Chính - Đảng TP; tập huấn, hướng dẫn cho người dân sản xuất rau ăn lá ứng dụng công nghệ cao tại xã Chánh An, huyện Mang Thít, Vĩnh Long; hướng dẫn, giới thiệu cho người dân kỹ thuật trồng rau thủy canh, trồng khổ qua, trồng cà chua ứng dụng công nghệ cao; tập huấn kỹ thuật sản xuất dưa lưới, dưa leo, cà chua ứng dụng công nghệ cao cho bà con nông dân tại các xã ở huyện Hóc Môn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm