Giới bóng đá Việt Nam nhiều người đến nay vẫn còn nhớ như in những trận đấu trong ngày kỷ niệm Quốc khánh. Điều mà dù bóng lăn ở Hà Nội hay TP.HCM họ cũng có những cảm xúc rất đặc biệt.
Trận cầu lịch sử và kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đến giờ cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải vẫn còn nhớ như in trận đấu giữa đội bóng Thể Công - đội bóng của QĐND Việt Nam và đội tuyển Cuba trên sân Hàng Đẫy. Ông Hải kể lại từng khoảnh khắc và không giấu được những cảm xúc tuôn trào nơi khóe mắt về trận cầu diễn ra đã 47 năm rồi.
Đó là trận đấu đặc biệt trên sân Hàng Đẫy vào đúng ngày Quốc khánh 2-9-1970. Thời điểm đấy dù đang trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhưng ngày 2-9-1970, ta và Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng chiến tạm thời để người dân vui Tết độc lập. Cũng cần biết thời điểm đó người Hà Nội háo hức mong chờ trận đấu này bởi từ rất lâu họ bị “đói” bóng đá vì chiến tranh nên giải vô địch miền Bắc phải dời về thi đấu ở các vùng quê hẻo lánh để tránh bom đạn.
Trước ngày thi đấu, toàn đội được đón hai vị tướng Vương Thừa Vũ và Cao Văn Khánh đến thăm. Tướng Vương Thừa Vũ lúc đấy đã chuyển lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến toàn đội: “Đội Cuba đại diện cho nhân dân Cuba sang thăm chúng ta giữa lúc chiến tranh ác liệt thế này rất đáng quý. Chúng ta phải đá hữu nghị nhưng hết sức mình, không cay cú, không ác ý. Bạn ngã ta nâng. Các đồng chí phải cùng các cầu thủ Cuba đá thật đẹp, thật hay chào mừng Quốc khánh 2-9”.
Ngày thi đấu khán giả ngồi chật kín sân Hàng Đẫy, tràn cả ra đường piste. Ngoài đường phố người hâm mộ vây kín các cột điện nơi đặt loa tường thuật trực tiếp trận đấu. Cả Hà Nội như lên cơn sốt khi các cầu thủ Thể Công và Cuba bước ra sân.
Các cầu thủ Cuba vượt trội hơn chúng ta về thể hình. Họ tận dụng điều đó để ép sân ngay từ những phút đầu. Khi mà Thể Công còn đang vất vả chống đỡ thì trời đột nhiên đổ cơn mưa xối xả. Sân trơn, bóng ướt càng mang đến lợi thế cho đội bóng có thể hình cao lớn, thể lực tốt, khả năng tranh chấp trên không vượt trội. Trung phong Maso của Cuba đã ghi hai bàn trong hiệp 1 đều từ những tình huống lúng túng của hàng thủ Thể Công.
Trước trận Thể Công - tuyển Cuba trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cầu thủ áo lính Thể Công. Ảnh: Tư liệu
Danh thủ Tam Lang tả xung hữu đột trong trận đấu trên sân Cộng Hòa. Ảnh: Tư liệu
Khán giả đội mưa xem nhưng không ai chịu ra về sớm. Giờ nghỉ giữa hiệp, HLV Mười Tiền chỉ đạo Thể Công đẩy cao đội hình, chấp nhận chơi pressing toàn sân. Ông nhắc các tiền vệ nhồi nhiều bóng hỗ trợ Ba Đẻn (cầu thủ Thế Anh) ở tuyến trên. Chiến thuật này tỏ ra có tác dụng khi các cầu thủ Cuba trong hiệp 2 có vẻ chủ quan sau khi đã dẫn trước hai bàn. Phút 70, Thái Nguyên Bền đi bóng xuống sát đường biên ngang và tạt vào trong rất đẹp, bóng đi ngang mặt các cầu thủ to cao bên phía đội bạn. Một bóng áo đỏ của Thể Công người rất nhỏ nhưng bật lên đúng tầm dùng đầu đưa trái bóng găm thẳng vào góc lưới. Cả sân Hàng Đẫy như vỡ òa trong những tiếng hò reo vang dậy. Bàn thắng của Ba Đẻn rút ngắn xuống 1-2 và tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ Thể Công.
Năm phút sau đó, Thể Công được hưởng quả phạt đền khi Nguyễn Viết Cầu bị phạm lỗi trong vòng cấm. Phan Văn Mỵ bình tĩnh bước lên chấm 11 m và đưa bóng vào lưới với cú sút chính xác vào góc trái quân bình 2-2.
Lại một lần nữa cả Hà Nội như rung chuyển bởi những tiếng hò reo, phấn khích. Khán giả trên sân Hàng Đẫy đứng cả dậy, ôm nhau, nhảy múa. Dường như ai cầm cái gì trên tay là tung hết lên trong niềm vui sướng tột đỉnh.
Chưa dừng lại ở đó, các cầu thủ Thể Công đã làm được một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục khi trận đấu chỉ còn hai phút. Một đường phất bóng dài từ sân nhà tìm đến đúng vị trí của Ba Đẻn. Một bóng hậu vệ Cuba lao tới, Ba Đẻn khẽ chích mũi giày cho trái bóng nhẹ qua rồi lật nhanh vào trong. Viết Cầu lao vào như một mũi tên đệm bóng tung lưới thủ môn Cuba.
Khó có thể tả được cảm xúc của các khán giả cũng như các cầu thủ Thể Công trên sân lúc đó. Họ đã đi đến tột cùng của niềm vui sau chiến thắng đầy quả cảm trong một trận đấu có ý nghĩa lớn lao. Một chiến thắng như mơ đến độ từ cầu thủ đến người hâm mộ rất nhiều người vui quá mà ôm nhau khóc.
Trên đường món quà bất ngờ mà các cầu thủ Thể Công nhận được là sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng chiến thắng vang dội trong ngày lễ lớn của dân tộc.
Trận đấu đã kết thúc nhưng các cầu thủ chưa thể về doanh trại huấn luyện. Cả biển người vây chật kín sân Hàng Đẫy để chúc mừng chiến thắng lịch sử. Chiếc xe ca chở các cầu thủ không thể di chuyển vì khán giả tuôn ra vây kín xem mặt các thần tượng của mình. Trong niềm vui chung với khán giả thủ đô, các cầu thủ Thể Công rời xe xách giày đi bộ từ sân Hàng Đẫy về doanh trại trong tiếng hò reo không ngớt của người hâm mộ.
Bóng đá Sài Gòn “phục sinh” sau ngày đất nước thống nhất
Chỉ bốn tháng sau ngày xe tăng quân giải phóng húc đổ cửa dinh Độc Lập, sân Cộng Hòa đã được chứng kiến một ngày hội bóng đá. Hơn 20.000 khán giả ngồi kín sân vận động. Trước đó cả tháng trời, trận đấu lịch sử ấy đã được tuyên truyền rộng rãi, khán giả hằng ngày đến sân háo hức chờ đợi và xem các cầu thủ tập luyện rồi bình luận. Trong khi đó, các đài nước ngoài chăm chăm ngó vào quá trình chuẩn bị cho trận đấu ấy và lợi dụng để xuyên tạc, kích động rằng đấy không phải là bóng đá mà sẽ là một cuộc “tắm máu”...
Ngày 2-9-1975, ngày Quốc khánh đầu tiên ở cả hai bờ sông Bến Hải. Sân vận động Cộng Hòa đông nghẹt người hâm mộ đến từ buổi sáng dù mãi đến chiều bóng mới lăn. 20.000 khán giả ngồi kín sân còn ngổn ngang bụi bặm và dấu vết sau chiến tranh. Ngay từ buổi trưa, lực lượng bảo vệ sân đã phải hạ lệnh đóng dần các cánh cửa lại vì nguy cơ vỡ sân.
Trận đấu diễn ra với sự có mặt của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ, nguyên vẹn đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng hòa cũ, trong đó không ít người từng khoác áo lính, áo cảnh sát chế độ cũ. Họ ra sân trong màu áo Hải quan và Ngân hàng. Hai đội bóng “chính quy” đầu tiên của miền Nam làm cuộc khai sinh cho một cuộc phục sinh bóng đá trên một vùng đất còn ngổn ngang dấu vết chiến tranh.
Đó còn là một thách thức lớn của những cầu thủ thời bình khi các đài nước ngoài cứ khăng khăng trận cầu ấy sẽ là cuộc “tắm máu”. Cái ngôn từ “tắm máu” cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần như một dạng khủng bố tinh thần. Nhưng hai đội vẫn hiên ngang và tự hào khi ra sân giữa tiếng vỗ tay vang dội cả khán đài của hơn 20.000 khán giả đến chiêm ngưỡng sự “phục sinh” của bóng đá.
Sau tiếng còi nhập cuộc, khán đài rộ lên tiếng vỗ tay đánh dấu cột mốc bóng lăn sau ngày thống nhất đất nước. Không ít người lặng đi và lấy tay quệt vội nước mắt khi Ngôn đẩy nhẹ mũi giày đưa bóng vào cuộc. Trận đấu kết thúc với tỉ số 3-1 cho Hải quan nhưng hình như chẳng ai quan tâm đến tỉ số mà tất cả đều hạnh phúc với sự “phục sinh” của bóng đá Sài Gòn sau khi đất nước thống nhất.
Hai tháng sau, nhân Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước, sân Cộng Hòa đổi tên thành sân Thống Nhất. Năm 1979, giải bóng đá Cửu Long khai mạc. Năm 1980, giải bóng đá vô địch quốc gia lần thứ nhất diễn ra trên toàn quốc, TP.HCM có ba đội tham dự và Hải quan đoạt hạng nhì toàn quốc...
Vài năm sau trận cầu lịch sử trên, danh thủ Tam Lang (từng khoác áo cảnh sát quốc gia cũ) rời sân cỏ đi Đức tu nghiệp làm HLV trở về quê hương phục vụ đất nước, rồi sau đó được kết nạp Đảng. Lớp cầu thủ thế hệ F1 của những người tham gia trận cầu trên có Lê Huỳnh Đức (con của Lê Văn Tâm), Đỗ Khải (con của Đỗ Cẩu), Võ Thành Long (con của Võ Thành Sơn), Đỗ Mỹ Oanh (con gái của Đỗ Minh Khá) kế nghiệp cha duy trì sức sống bóng đá Sài Gòn và tham gia đội tuyển quốc gia… Đội Hải quan hình thành từ cái nền Quan thuế cũ gồm thủ môn Hồ Thanh Chinh (sau thay bằng Đỗ Lễ). 13 cầu thủ trong sân là Phạm Văn Lắm (sau thay bằng Đỗ Cẩu), Trung, Quang, Hồ Thanh Cang, Nguyễn Văn Tám, Trần Tiết Anh (Đỗ Thới Vinh), Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Văn Ngôn (Đỗ Văn Khá). Đội Ngân hàng giữ nguyên vẹn đội hình Việt Nam Thương Tín vô địch giải hạng nhất Sài Gòn cũ có bổ sung vài cầu thủ. Hương, Cầu, Tiếu, Long (Quang) Tiến, Thăng, Trí (Hòa), Vân, Mười (Hải), Quang Đức Vĩnh, Võ Thành Sơn, Lê Văn Tâm (Hoàng). |