Ký ức 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc: Vì nghĩa cả với đất nước

(PLO)- Tập kết ra Bắc - cuộc dịch chuyển lịch sử ấy đã trôi qua 70 năm nhưng những ký ức về nó vẫn rõ rệt trong nhiều nhân chứng lịch sử đang còn sống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến tháng 11-2024, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024), một sự kiện sống mãi trong lòng dân, là biểu tượng cho thắng lợi lừng lẫy của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

“Tình cảm tha thiết lắm”

Từ nhiều tháng qua, để có thêm tư liệu lịch sử cho lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã truy tìm các nhân chứng lịch sử năm xưa. Những tưởng ngần ấy thời gian, câu chuyện hào hùng ấy khó mà còn nguyên vẹn vì đa số người chứng kiến sự kiện lúc bấy giờ đã về với đất mẹ. Nhưng không, những thiếu niên, nhi đồng năm xưa vẫn lưu giữ nó trong ký ức của mình rõ nét, như mới xảy ra hôm qua.

Cụ Nguyễn Tấn Trạch (ngụ khóm 3, phường 4, TP Cà Mau), bộ đội Tiểu đoàn 401 thuộc Trung đoàn Cửu Long, là một nhân chứng sống. Nay cụ đã 95 tuổi, tức trong sự kiện tập kết ra Bắc thì cụ 25 tuổi. Cụ nhớ rõ bối cảnh hào hùng lúc bấy giờ. Đó là một cuộc chia tay đầy nước mắt giữa người đi, kẻ ở. Người ta không biết bao giờ mới được trở về gặp lại người thân vì non sông chia cắt, vì đường xa vạn dặm. Nhưng vì cái nghĩa cao cả với đất nước, với dân tộc, người người tình nguyện ra đi.

ANHBAICHINHP17_1.jpg
Các học sinh miền Nam trở về kênh Chắc Băng để nhớ ký ức những ngày tập kết ra Bắc.
Ảnh: TRANG THĂM

Cụ Nguyễn Anh Sơn (ngụ khu dân cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) cũng nhớ rõ ngày ấy của mình, dù khi đó cụ mới 15 tuổi: “Khi đó, tôi làm việc tại Nhà in Ty thông tin tỉnh Bạc Liêu. Tôi và bốn bạn nhỏ nhất trong nhóm được chọn đi tập kết. Tại Chắc Băng, chúng tôi ở trong lều trại, ngủ bằng nóp. Ở đây một thời gian thì nhóm được đưa về Cà Mau, chỗ bến Công Chánh, tức phường 7, TP Cà Mau ngày nay. Tại đây chúng tôi được nghỉ một ngày, một đêm ở phòng trọ, rồi lên tàu đò Long Hải đi Cần Thơ. Chúng tôi được đưa lên tàu Ác-khăng-ghen của Liên Xô đậu ngoài khơi. Tàu ghé cảng Vũng Tàu lấy nước ngọt. Sau đó đi thẳng ra Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tàu của tôi đi cập bến Sầm Sơn ngày 27-10-1954”.

Ký ức ấy trong những thiếu niên xưa rõ đến từng chi tiết, dù đã qua 70 năm. Nhiều người trong họ hay kể về không khí 200 ngày đêm bên bờ sông Chắc Băng (thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Ngày cũng như đêm, dọc theo bờ Chắc Băng đông vui như chợ Tết. Ngoài những người tình nguyện hay được chọn đi tập kết, còn có người thân tiễn đưa. Nhà dân ven sông thưa thớt không nuôi chứa hết, người ta dựng lều, ngủ bên bờ sông.

ANHBAICHINHP17_2.jpg
Bà Bảy Cư (thứ hai từ phải sang), người bứng cây vú sữa để má Sảnh gửi tặng Bác Hồ.
Ảnh: TRANG THĂM

Cô Đàm Thị Ngọc Thơ, khi tập kết là học sinh miền Nam 13 tuổi, nhớ lại: “Tôi ở Chắc Băng khá lâu, hằng ngày chúng tôi được hướng dẫn cách sống tập thể. Sáng dậy, chúng tôi tập thể dục, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, tập ăn đũa hai đầu để đảm bảo vệ sinh, rồi tập đi đều bước, ca hát, vui chơi. Đêm xuống, tôi vào ngủ thì thút thít khóc vì nhớ nhà. Đoàn tàu chúng tôi đi xuất phát ở Sông Đốc, đến Sầm Sơn ngày 9-1-1955”.

Còn trong ký ức của ông Huỳnh Uy Nghiêm (hiện sống ở phường 2, TP Cà Mau) là tình cảm đồng bào dành cho người tập kết. Ông Nghiêm kể: “Khi đó tôi 19 tuổi, phụ trách công tác thiếu nhi. Tôi không bao giờ quên được cái tình đồng bào dành cho cán bộ mình. Toàn bộ nhà dân trên kênh Chắc Băng đều mở cửa đón cán bộ, đón người đi tập kết, giúp đỡ hết sức hết lòng. Ban đêm, cán bộ, bộ đội đi hoạt động chưa về, có gì ngon là họ chờ về ăn, tình cảm tha thiết lắm”.

Và câu chuyện về cụ Năm Mênh mổ trâu đãi đoàn người tập kết trên bờ Chắc Băng được nhiều người kể lại rõ ràng. Ông Phan Văn Hoài (79 tuổi, ngụ ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) nhớ lại: “Nhà tôi hồi đó bộ đội ở đông lắm. Hôm bữa liên hoan chia tay, bác Năm Mênh trong xóm còn làm con trâu đãi bộ đội trước khi chia tay xuống tàu tập kết ra Bắc”.

Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết

Vào tối ngày 1-9, Đài Truyền hình TP.HCM, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thanh Hóa và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Đồng Tháp cùng phối hợp tổ chức Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024).

Tại điểm cầu TP.HCM, Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) sẽ diễn ra tại Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân, phường Cát Lái - Thành phố Thủ Đức, TP.HCM với chủ đề Niềm tin và khát vọng.

Tại chương trình, khán giả sẽ có dịp được nghe những câu chuyện, giao lưu với những học sinh, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và được sự nuôi dưỡng của đồng bào miền Bắc.

Chương trình nghệ thuật tại cầu truyền hình TP.HCM còn có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ: NSND Tạ Minh Tâm, Phạm Thế Vỹ, Đào Mác, NSƯT Vân Khánh, Cẩm Vân, Võ Minh Lâm...

VĂN HÀ ghi

Cây vú sữa miền Nam đi vào lịch sử

Trên những con tàu tập kết ra Bắc, một cây vú sữa đã được bà Lê Thị Sảnh gửi bộ đội mang ra tặng Bác Hồ. Câu chuyện này đã đi vào lịch sử.

Nhân chứng sống cho câu chuyện cây vú sữa miền Nam tặng Bác Hồ là bà Đỗ Thị Cư (cô Bảy Cư), nay đã 85 tuổi, đang sống ở huyện Thới Bình. Nghe nhắc đến sự kiện cây vú sữa, bà Bảy Cư bồi hồi xúc động, ký ức lại ùa về: “Lúc đó má đi họp, dặn tôi sẵn lúc đi học xuống vườn ông ngoại nuôi, là ông Năm Ðương, “coi có cây vú sữa, con bứng cho má một cây”. Tôi xuống dưới thấy ông ngoại có hai cây vú sữa lớn lắm, tìm được cây con cỡ 5-6 lá, tôi lấy dao bứng rồi để đó. Tan học, tôi tét lá chuối khô quấn gốc cây vú sữa lại đem về. Con Duyên, con Tuyết, con Quỳnh, thằng Thượng, là bạn học, hỏi: “Mày bứng cây này chi vậy Cư?”; tôi nói: “Cho ba tao trồng”. Tụi nó nói: “Thôi vứt bỏ đi”. Tôi nói: “Ðâu có được, má tao dặn bứng”. Vậy rồi tôi bỏ cây vô vạt áo, túm lại giấu. Ðem về tới nhà, ba tôi có đan sẵn cái bội nhỏ, cây vú sữa được bỏ vô đó, để ở kẹt lu nước đặng ai rửa mặt, rửa tay thì tưới”.

Chăm sóc một thời gian, cây bén rễ tươi tốt. “Hôm đó tôi đi mần, má ở nhà đi lễ mít-tinh tiễn Tiểu đoàn 307 đi tập kết và đem cây vú sữa theo gửi tặng Bác Hồ. Khi làm lễ xong, má đi theo tiễn bộ đội luôn, bốn ngày sau má mới về tới nhà” - mạch hồi ức của bà Bảy Cư được tiếp nối.

Sau khi cây vú sữa tặng Bác Hồ được xác định ai là chủ nhân, các ngành chức năng hỗ trợ gia đình làm báo công. Năm 2010, má Lê Thị Sảnh được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, bà Bảy Cư được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954, tỉnh Cà Mau đã xây dựng bia kỷ niệm cây vú sữa miền Nam tại phần đất của gia đình má Lê Thị Sảnh.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954, cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan có chuyến khảo sát thực tế và quyết định cho trùng tu, nâng cấp bia kỷ niệm cây vú sữa miền Nam; đồng thời trùng tu, nâng cấp khu mộ của má Sảnh, tạo thành khuôn viên di tích. Không chỉ thế, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, còn chỉ đạo phải có kế hoạch trùng tu hằng năm.

Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng khu lưu niệm cây vú sữa miền Nam, nơi nhà má Sảnh, là di tích cấp tỉnh.

Bối cảnh lịch sử sự kiện tập kết ra Bắc

Sau Hiệp định Geneve được ký vào ngày 20-7-1954, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Khi đó, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, là nơi đào tạo cán bộ, chiến sĩ cho cách mạng miền Nam. Cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời được chọn làm bến tập kết 200 ngày đêm để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra miền Bắc. Đây là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, Thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam khi ấy đã được tập kết ra Bắc để lao động, học tập, quay về phục vụ cách mạng miền Nam.

(Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm