Suốt mấy chục năm qua, tiếng hát Tiến về Sài Gòn của cố nghệ sĩ Quang Hưng trên đài Phát thanh Sài Gòn vào ngày 30-4-1975, ngay sau khi tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, đã trở thành một giai điệu không quên với hàng triệu người. Bài hát cũng trở thành nỗi tự hào ăm ắp trong ông cho đến lúc ông nhắm mắt xuôi tay vào năm ngoái. Người viết may mắn được gặp gỡ và chia sẻ cảm xúc tươi mới về bài hát Tiến về Sài Gòn của cố nghệ sĩ Quang Hưng vào những năm tháng cuối đời ông.
Tiếng hát vỡ òa hạnh phúc sau 10 năm nín chờ
Cố nhạc sĩ tài hoa Lưu Hữu Phước - tác giả ca khúc Tiến về Sài Gòn đã tiên đoán trước về ngày chiến thắng thống nhất đất nước. Và tiên đoán ấy được gói ghém trong một ca khúc hùng tráng. Chỉ có điều ông viết Tiến về Sài Gòn năm 1967, với niềm tin sẽ giải phóng toàn bộ miền Nam trong năm ấy. Khi toàn dân tộc đang ngày đêm chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa như dự định thì cũng là lúc người nhạc sĩ ấy viết nên khúc ca chiến thắng. Ca khúc mang trong mình thế mạnh của sự nhạy bén về chính trị, song hành cùng những biến chuyển của lịch sử. Tiến về Sài Gòn đã được thu âm tại miền Bắc vào thời điểm đó. Thế nhưng mãi gần 10 năm sau, giai điệu dồn dập, hào hùng của bài hát ấy mới chính thức được vang lên bởi tiếng hát tươi rói, khỏe khoắn, đầy sinh khí của cố nghệ sĩ Quang Hưng: “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô...”.
Giọng hát Tiến về Sài Gòn của cố nghệ sĩ Quang Hưng đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam cho đến nay.
Cố nghệ sĩ Quang Hưng đã kể lại: “Có thể nói trong đời tôi, kể từ giây phút tôi cất tiếng hát Tiến về Sài Gòn thì bài hát này đã là định mệnh thiêng liêng. Cho đến khi nghe giọng hát của mình trên sóng phát thanh, tôi đã reo lên: “Toàn thắng rồi!””. “Được nghe giọng hát của chính mình, niềm vui trong tôi cứ lớn dần, khó tả lắm. Bài hát này tôi hát bằng tất cả tấm lòng hướng về miền Nam yêu dấu. Điều thú vị là cùng thời điểm ấy, giữa đêm khi ở trong rừng, vợ tôi cũng được nghe ca khúc này do tôi hát khi cô ấy cùng đồng đội xung kích vào mặt trận Khe Sanh” - cố nghệ sĩ Quang Hưng cũng đã chia sẻ thêm.
Nỗ lực hát hai giọng Nam và Bắc
Nhắc lại về cuộc đời của cố nghệ sĩ Quang Hưng, những người yêu mến ông, đặc biệt là những người cùng thời với ông, chắc hẳn sẽ nhớ mãi hình ảnh một cậu bé mới 13 tuổi đã nhập vào đoàn chiến binh Hà Nội như thế nào. Cậu bé cũng đeo bị, cơm nắm, khoác trên mình hàng chục bi đông nước uống, như con thoi giữa các chiến lũy... Để rồi từ đó cậu bé vụt lớn thành chàng thanh niên, sống và chiến đấu suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Năm 1967 là năm đánh dấu một sự kiện vô cùng to lớn trong cuộc đời ca hát của cố nghệ sĩ Quang Hưng. Khi ông chuẩn bị cùng đoàn ca múa giải phóng đi biểu diễn tại một số nước trên thế giới thì cũng là lúc cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ miền Nam ra, đề nghị ông thu âm tác phẩm Tiến về Sài Gòn bằng hai giọng miền Nam và miền Bắc. Vốn là người miền Bắc nên để hát ra đúng chất của người Nam Bộ, với cố nghệ sĩ Quang Hưng là một thử thách thú vị. Thế là ông phải tìm đến các ca sĩ người miền Nam để học hỏi cách phát âm sao cho chuẩn giọng rồi mới dám thu băng ca khúc. Sau đó, hai cuốn băng được đưa vào miền Nam. Một cuốn băng đưa cho các chiến sĩ đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968. Nhưng tiếc thay đơn vị này hy sinh và cuốn băng cũng vì thế mà bị mất. Còn cuốn băng thứ hai, cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cất giữ cho tới khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào cuộc tổng tấn công toàn diện. Người nhạc sĩ cẩn thận ấy đã giao cuốn băng cho cánh quân giải phóng Sài Gòn. Tuy hồi hộp nhưng lòng tràn đầy niềm tin, chỉ không lâu nữa, giọng hát của Quang Hưng sẽ vút bay khắp ngả đường giải phóng. Cũng từ đó ca khúc Tiến về Sài Gòn đã theo cố nghệ sĩ Quang Hưng đi khắp ngả đường biểu diễn: Bắc Kinh, Moscow, Bình Nhưỡng...
Xin kết lại bài viết bằng những lời tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha khi từng viết về cố nghệ sĩ Quang Hưng: “Cứ nhìn vào Quang Hưng là thấy cả sự lớn lao biến chuyển của cách mạng. Từ chú Gavơrốt trên chiến lũy Hà Nội năm xưa, Quang Hưng đã được quân đội gửi đi đào tạo thanh nhạc ở nước ngoài và trở thành một nghệ sĩ opéra đầu đàn của nền opéra non trẻ của Việt Nam”.
Nối vòng tay lớnngay sau khi Tiến về Sài Gòn Cũng vào trưa 30-4-1975, tiếp sau tiếng hát hào hùng vang lộng Tiến về Sài Gòn của cố nghệ sĩ Quang Hưng trên Đài Phát thanh Sài Gòn là bài hát Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do chính ông hát.
Nhóm sinh viên tự biên tự diễn tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4-1975. Nhưng khác với bài Tiến về Sài Gòn, Nối vòng tay lớn được Trịnh Công Sơn và nhóm sinh viên tự biên tự diễn ngay tại đài phát thanh. Và như thế, giọng nói và tiếng hát của Trịnh Công Sơn đã cất lên trên sóng phát thanh vào thời khắc lịch sử: “Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được những kết quả đó. Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này là đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước của chúng ta. Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ đến đây với những cái thái độ hòa giải tốt đẹp. Các bạn không có lý do gì sợ hãi để mà ra đi cả. Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay (…) Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại cái bài mà Nối vòng tay lớn. Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…”. |