Lời ca trước giờ chiến thắng

Tiêu biểu là các bài: Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và Tiến về Sài Gòn.

Lời ca trước giờ chiến thắng ảnh 1
Ảnh tư liệu
Có một điều kỳ lạ là những bài hát trên đều được sáng tác trước giờ chiến thắng 30-4-1975. Lý giải điều này thật đơn giản, tâm hồn các nhạc sĩ đã cuộn chảy cảm xúc cùng bước chân của những chiến sĩ giải phóng quân anh hùng, việc sáng tác ra bài hát chỉ như sự bùng phát cảm xúc cháy bỏng của mình.

Đất nước trọn niềm vui được nhạc sĩ Hoàng Hà dồn nén suốt bao ngày, và khi tin quân giải phóng đã ở cửa ngõ Sài Gòn thì ông không thể kìm nén được nữa mà Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang/Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam. Chỉ trong đêm 26-4-1975, ông đã viết xong khúc ca khải hoàn tuyệt hay và đặt tên bài hát Đất nước trọn niềm vui. Ngay lập tức, các bạn bè ông đã giao cho ca sĩ giọng nam cao Trung Kiên trình bày cùng dàn nhạc giao hưởng để thể hiện hết chất hùng tráng, khí thế của bài hát. Quả nhiên ít phút sau, khi bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cả nước đều bùng lên niềm vui của Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây, Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui… giải phóng. 3 ngày sau, Sài Gòn giải phóng, trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam. Từ đó tới nay qua 40 năm, bài hát này đã vang lên không biết bao nhiêu lần, vẫn bừng bừng khí thế như ngày nào.

Nếu như nhạc sĩ Hoàng Hà cháy bỏng, dồn dập khí thế khi sáng tác Đất nước trọn niềm vui thì cùng thời điểm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại trầm ngâm đầy suy tư. Bởi trước đó, cấp trên đặt hàng ông viết bản hợp xướng hoành tráng chuẩn bị cho chiến thắng sắp tới, dù đã phác thảo xong ông vẫn băn khoăn, trăn trở mãi. Sáng 28-4-1975, ông được tin phi công Nguyễn Thành Trung dùng máy bay A37 thả bom sân bay Tân Sơn Nhất. Có lẽ tiếng bom rền đó thực sự làm xao động trái tim người nhạc sĩ: Chúng ta sẽ chiến thắng, một chiến thắng chắc chắn! Trong phút giây đó, ông nhớ tới những gì thiêng liêng liêng nhất: “Giá như… Bác Hồ vẫn còn sống để cùng con cháu trọn hưởng niềm vui này” và ca khúcNhư có Bác Hồ trong ngày vui đại thắngra đời sau đó 2 tiếng đồng hồ. Khi ông nộp bản thảo thì có ý kiến bài hát đơn giản, ngắn quá nên tính xếp lại. Nhưng tới sáng 30-4, khi tiếng xe xích của 5 cánh quân giải phóng dồn dập tiến về cửa ngõ Sài Gòn thì người cầm bản nhạc hôm trước đã thốt lên: “Đây mới là ca khúc của chiến thắng!” và ngay lập tức dàn nhạc của đài dàn dựng thu âm ngay để phát trực tiếp. Đúng trưa 30-4, cùng với tiếng reo của quân giải phóng ở Dinh Độc Lập, trên làn sóng điện của Đài vang lên Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Đó là tiếng reo vui từ triệu trái tim của người dân Việt Nam với chiến công rực rỡ này, là sự trọn vẹn nghĩa tình với vị lãnh tụ đã góp công lớn cho chiến thắng này. Từ đó đến nay,Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắngtrở thành bài hát nổi tiếng, phổ biến nhất trong cộng đồng, được khắp bạn bè năm châu cùng hát.

Nhạc sĩ Dân Huyền kể lại một chi tiết thú vị về việc khởi nguồn cho bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng. Đó là, một lần nhâm nhi trong quán chả cá Lã Vọng, Hà Nội vào mùa đông năm 1974, nhà thơ Bảo Định Giang đọc bài thơ Xuân Sài Gòn, có câu: Xuân này em lại gặp anh/Bến Nghé sóng hát/Bến Thành chợ đông. Khi ấy Xuân Hồng buột miệng họa theo: Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la… Rồi tất cả cùng cười vui.

Sau khi chiến thắng Phước Long vang dội mở màn cho cuộc chiến giải phóng miền Nam, Xuân Hồng với tư cách là Trưởng đoàn văn nghệ quân giải phóng đã rất hứng khởi, vì hơn ai hết ông cảm nhận rằng mùa xuân này Sài Gòn nhất định sẽ trở thành thành phố Hồ Chí Minh! Ngay lập tức, ông đã sáng tác cho tốp ca của mình hát phục vụ chiến sĩ: Mùa xuân này về trên quê ta/Khắp đất trời biển rộng bao la… Thành phố Hồ Chí Minh năm nay/Mùa xuân về rợp bóng cờ bay… Không ngờ, bài hát này ra đời cùng đoàn quân tiến vào Sài Gòn luôn sau đó.

Cuối cùng, có một bài hát cũng vang dội cùng chiến thắng, như một tiếng kèn xung trận cho các chiến sĩ đó là bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bài hát rền vang như tiếng súng tiêu biểu cho ý chí của toàn quân, dân ta trong cuộc kháng chiến. Ít ai biết rằng nó được sáng tác vào năm 1966, thời điểm chiến tranh cực kỳ ác liệt, nhờ có bài hát này mà chúng ta vươn lên với niềm lạc quan nhất, hy vọng nhất... để 9 năm sau đó, từng lời, từng câu trong đó trở thành hiện thực như một lời tiên đoán thần kỳ. Nhiều người không biết cứ nghĩ rằng đây là bài hát dành cho chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm