Trở về dưới cội tùng xưa, Nằm nghe ngàn thu miên man rớt đầy vạt nắng. Trở về thăm mái nhà xưa, đường rêu mờ gót chân em qua đây một mùa.
Trở về gởi lại ngàn sau/ niềm vinh dự đã đi qua kiếp người rộng lớn…
'Quê nhà yêu dấu' là cuốn sách mà từ thiếu nhi đến ngươi già ai cũng có thể đọc và thấy mình trong đó.
Nay nữa đã hơn 100 ngày mất của Vũ Đức Sao Biển, cầm trên tay tập bản thảo cuối cùng của ông, bất giác tôi (*) lại nhớ bài Cõi tiêu dao ông viết.
Tập sách như đưa ta trở về những ngày nguyên sơ nhất của tâm hồn, khi mà tất cả những nỗi lo cuộc đời và nỗi buồn thế sự chưa xâm lấn. Nơi đó ta sống hồn nhiên cùng cây cỏ, bạn bè, góc vườn, con chó con mèo như ngày xưa bé.
Quê nhà yêu dấu là cuốn sách mà từ thiếu nhi đến ngươi già ai cũng có thể đọc và thấy mình trong đó. Những câu chuyện giản dị đến độ ta có thể nghĩ không cần phải viết ra nữa. Nhưng, cũng giản dị đến mức ta tự vấn lòng rằng sao lại không viết nó ra, không chia sẻ sự rung cảm nguyên sơ ấy? Rằng, văn chương đâu phải cái gì quá to tát vĩ đại. Đọc, thích, và cảm thấy như một cơn gió lành cho tâm hồn bình yên, cho muộn phiền được gột rửa bởi những vui buồn giản dị.
Nếu có chút gì khổ đau, day dứt trong đó, cám cảnh thiệt thòi trong đó, thì đó là khi ta đọc Nguyệt cầm. Nỗi cô đơn, nỗi khát khao của một người con gái lỡ thì như bị thổi cháy lên từ lò than ngún khi nghe tiếng đàn của một người ngụ cư mới dọn về ở, vọng từ bên kia dòng kênh.
Nó day dứt đến độ ngày nọ chị bơi xuồng qua và tìm đến để làm quen. Đến rồi, chị lặng lẽ về khi biết vì sao tiếng đàn ấy da diết thế: Anh ta bị mù, nên bao nhiêu nỗi lòng gởi hết vào tiếng nguyệt cầm
Không giống với những hồi ức hằn sâu bởi mất mát, đói nghèo, thiệt thòi mà ta gặp trong nhiều tác phẩm khác, quê nhà yêu dấu của Vũ Đức Sao Biển là làng quê xứ Quảng nghèo mà đẫm tình, mà tha thiết, mà “giàu có’ những hạnh phúc bởi những ký ức mộc mạc.
Một ngọn khói lam chiều bên mái tranh cũng đủ gợi những bữa cơm đoàn tụ mà sau này khi trở thành một trung niên mồ côi, ông không còn tìm lại được; cái lạnh thấu xương mùa gió bấc cũng đem về nỗi nhớ những đêm cả nhà quây quần bên ngọn đèn dầu lạc, dầu mù u với nồi khoai sắn, với mùi củi dương đốn từ nỗng cát cháy tí tách bổ sung nhiệt lượng vì cái chăn quá mỏng(Mùa đông)
Đọc sách, ẩn sau những câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt là chất chứa một điều lớn hơn: Sức sống văn hóa của làng quê Việt, mà ở Quảng Nam, cái sức sống ấy như mãnh liệt hơn. Ở nơi mà máy bay trên đầu, giặc ruồng dưới đất người ta vẫn họp chợ. Không có gì để bán để mua, vẫn cứ họp chợ bằng bất cứ thứ gì có thể trao đổi được.
Mới hay, người ta đến chợ vì nhu cầu gặp gỡ, chứ không hẳn vì nhu cầu mua bán trao đổi. Người ta họp chợ làng để giữ cái mạch sống, cái sinh khí của làng (Phiên chợ)
Không lập ngôn, cũng chẳng có mỹ từ, tác giả cứ nhẩn nha kể chuyện còn người nghe thì tùy vào tâm trạng, vốn sống để mà chỉ nghe chơi hoặc quy chiếu rồi nghĩ sao thì nghĩ. Như trong Người và chim, những ngày chăm con trai trong bệnh viện, ông quan sát cái tổ chim trên nhánh cây ngoài bậu cửa, trông chờ cái tổ ấm của đôi chim được đan xây, ngày nó đẻ và ấp trứng…
Rồi ngày con trai xuất viện, ông đã buộc vào cái cửa thông gió một sợi thép để yên tâm rằng sẽ không có ai sau đó mở cái ô cửa ấy, như cách giữ bình yên cho chúng đón đôi chim nhỏ ra đời. Hành vi ấy của nhân vật khiến người đọc yên tâm hơn về tương lai của “gia đình chim”. Nó cũng sẽ khiến người đọc quan tâm và nâng niu thiên nhiên hơn từ những trang viết đó.
Tuổi thơ nghèo, đói và vất vả; làng quê nghèo khổ với giặc giã và thiên tai hạn hán, rồi bão lũ, song hơn hết “tuổi thơ tôi rất đỗi thơ mộng và ngọt ngào”. Tập sách như chút lòng gởi quê nhà, như một sự tri ân cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn nhạc sĩ, nhà văn Vũ Đức Sao Biển.
Ấy là sự tri ân cánh đồng cho lúa chín, là ơn nghĩa quê nhà cho mình ký ức đẹp tươi; là ơn bậc sinh thành đã tảo tần nuôi lớn khôn cả bầy con; là ơn thiên nhiên cho con người từ sinh kế, thú vui lẫn những khi lòng tĩnh lặng như nhiều câu chuyện về những chuyến đi câu (Câu cá U Minh Thượng, Câu cá sông quê, Bùa câu). Mỗi sắc hoa trong tập sách cũng là một mảnh ghép giúp ta hiểu thêm tâm hồn tác giả (Bóng hoa sim; Bâng khuâng màu hoa cải).
Giờ thì tâm hồn ông Sao Biển đang viễn du về lại với quê nhà, đang hóng gió dòng Trường Giang hay ngược sông Thu Bồn lên Hòn Kẽm Đá Dừng, rong ruổi chiều thu Mỹ Sơn hay về Tiên Phước, hay theo con sáo về miệt Hậu Giang, Bạc Liêu nơi ông sống một thời trai trẻ.
3 trong số những tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Tôi không nghĩ tập sách sẽ là một tác phẩm để ta kỳ vọng như một dấu ấn văn chương. Nhưng chắc chắn với những ai yêu mến nhà văn, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thì Quê nhà yêu dấu là một lời tâm tình để ta hiểu hơn tâm hồn tác giả.
Đọc tập sách này sẽ hiểu và yêu hơn văn chương, âm nhạc của ông, hiểu thêm về con người ông. Hơn thế, nó nhắc ta: Ai cũng có một quê nhà để thương nhớ, ai cũng có ký ức để vỗ về. Vì vậy Quê nhà yêu dấu không còn là chốn riêng của tác giả, nó là chốn bình yên cho cả người đọc sách.
Sài Gòn, Thu, Canh Tý 2020
***
(*) Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM là đồng nghiệp nhiều năm, là bạn nhỏ và là hàng xóm của nhạc sĩ, nhà văn Vũ Đức Sao Biển.