Bất cứ sự ra đi nào cũng thường nhắc nhớ khán giả, người đọc tìm lại hành trình của một đời người; với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, dường như đó là hành trình xuôi dòng Thu Bồn về tới Cửu Long giang…
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (Võ Hợi) sinh năm 1947 tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Từ thuở 11 tuổi, khi ông đang học đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ) nhạc cụ đầu tiên đưa ông đến với âm nhạc chính là cây đàn mandolin do anh trai tặng và những buổi học đàn cùng người anh hàng xóm. Đến trung học nhạc sĩ mới học nhạc với thầy dạy đàn.
Cây đàn mandolin cùng âm nhạc dần dà chiếm trọn cuộc sống của ông. Khoảng 16, 17 tuổi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bắt đầu có những sáng tác đầu tay tuy nhiên với ông đó là những bản nhạc không để lại ấn tượng, là giai đoạn bắt đầu cho mình trưởng thành. Tuy nhiên, ông vẫn giữ niềm đam mê với phím đàn, rời Quảng Nam vào Sài Gòn học đại học. Năm 1966 ông học cùng lúc ban Việt Hán, Đại học Sư phạm và ban Triết Đại học Văn Khoa; buổi tối học nhạc thêm tại trường Quốc gia âm nhạc.
Những ngày sinh viên, trở lại thăm quê sau hai năm đi học ở Sài Gòn, tháng 9-1968 tại Quảng Nam, ca khúc Thu, hát cho người đã được ra đời. Trong ký ức nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tháng chín là quãng thời gian đất Quảng Nam vào cuối thu, “không gian trời mây non nước trữ tình rất lãng mạn, đặc biệt sông Thu Bồn và hệ thống đền tháp của khu Mỹ Sơn, giữa không gian đó ta có thể thấy những đồi sim nở hoa và tôi bắt đầu những dòng đầu tiên cho Thu, hát cho người.
Cái gợi cảm hứng nhất chính là nỗi hoài niệm trong tâm hồn, đó là bóng hình về người bạn tôi ở cuối sông Thu. Cô học dưới tôi hai lớp, một người bạn đáng quý trọng, cô có sự hồn nhiên trong sáng không ai có được, hình bóng đó gắn với tôi đến nỗi mấy chục năm sau nghĩ lại vẫn thấy đẹp và cho mình cảm xúc diệu kỳ triền miên để viết nhiều ca khúc khác”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng chia sẻ trong phóng sự về ông trên truyền hình.
Cũng từ ca khúc Thu, hát cho người với quy chuẩn nhạc lý, ca từ rõ ràng, tình cảm và có thành công khá đặc biệt, lúc đó nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mới an tâm đi theo con đường sáng tác. Cùng thời gian với Thu, hát cho người là:Chiều mơ, Người xưa (Huyền xưa), Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú là những nhạc phẩm chính thức đến với khán giả Sài Gòn trước năm 1975.
Trong đó ba ca khúc: Thu, hát cho người, Chiều mơ, Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển được in trong tập nhạc Một ngày cho tình yêu cùng với sáng tác của các nhạc sĩ: Nguyễn Đức Quang, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An và Trần Tú do nhà xuất bản Khai Hóa phát hành năm 1971.
Có thể nói, đây là giai đoạn nhạc tình của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển mang hơi thở của văn nghệ Sài Gòn thập niên 1960-1970 với nhiều tên tuổi đến từ miền Trung. Đơn cử như trong ca khúc Chiều mơ, bản thu với giọng ca của ca sĩ Thanh Thúy, “chiều mơ, anh lùa bò vào đồi sim trái chín, hái cho em một nụ hoa tím, anh sẽ ru em rất mơ mòng, để lại ngày em ngóng em mong”.
Hình ảnh đồi sim tím ám ảnh cả một thế hệ văn nghệ sĩ miền Nam gốc Trung bộ thời đó, đặc biệt, là dấu ấn từ tập thơ Mưa Nguồn (1962) của “tay tổ” thi sĩ Bùi Giáng với nhiều câu thơ về đồi sim, nhất là bài thơ “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín”.
Hay trong Thu, hát cho người vẫn có “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư”. Những giai điệu và ca từ kiểu: “Tuổi xuân phai”, “tay thon kết nụ”, “ru cuộc tình khơi”, “chớm ưu phiền”, “ngựa hồng”… Cùng với đồi sim, hình ảnh trong thơ G.Apollinaire “Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa. Mộng trùng lai không có trên đời” (Bùi Giáng dịch) cũng ảnh hưởng nhiều nghệ sĩ thuở đó chứ không riêng gì nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Cùng chút hiện sinh, chút quê nhà cố quận, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng có một chút ám ảnh chiến tranh trong tiếng đại bác “ta ngồi đây trên đồi Tăng Nhơn Phú, chiều đong đưa tiếng đại pháo ru về…”(Hát trên đồi Tăng Nhơn Phú). Đó đều là những phong cách, “mốt” ca từ ảnh hưởng từ đời sống thực tế lịch sử lên những chàng trai đôi mươi.
Khi ba ca khúc trên đến với công chúng cũng là thời điểm ông tốt nghiệp đại học và đã xuôi dòng Cửu Long về miền Tây dạy học. Nơi ông neo đậu cho nghề giáo từ năm 1970-1975 tại Bạc Liêu. Mảnh đất miền Tây Nam bộ cùng thế cuộc thay đổi đã rẽ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sang một “con nước” khác.
Một chàng trai xứ Quảng, học hành ở Sài Gòn, có sẵn máu âm nhạc trong người khi nghe câu hát, nhịp phách của đờn ca tài tử… ắt hẳn đã nhiều ngỡ ngàng.
“Lần đầu tiên tiếp xúc nhạc đờn ca tài tử qua những người chơi bản nhạc nền cho người ta ca vọng cổ, rồi nghe giai điệu Dạ cổ hoài lang tôi thấy âm nhạc Nam bộ thật đặc biệt. Âm thanh bán định âm, đường âm thanh bay bướm, buồn và đẹp như ánh trăng trên dòng sông Cửu Long, càng nghe càng thấy tình, ý thấm thiết, chơi vơi rất sâu sắc. Người Nam bộ chơi nhạc tài tử nhiều sáng tạo lạ”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng kể.
Ngỡ ngàng với dân ca một, ông còn ngỡ ngàng với những sáng tạo của người miền Nam, như cây guitar của Tây Ban Nha du nhập vào Việt nam bởi người Pháp. Cây guitar sáu dây, về tới Nam bộ bỗng thành năm dây phím lõm. Cây đàn đặc trưng này giúp những nhạc công trong dàn nhạc đờn ca tài tử có thể diễn những bài nhạc tài hoa. Đó là những thứ mà chàng nhạc sĩ trẻ Vũ Đức Sao Biển không hề được học ở trường.
Từ năm 1975 cho đến năm 1984 ông mới sáng tác trở lại với ca khúc đầu tiên Huyền thoại Ngũ Hành Sơn khai thác chất liệu dân ca Nam bộ từ đặt hàng của Hãng Bông Sen với giọng ca ca sĩ Bích Phượng. Ca khúc này không thật nổi tiếng như nhiều ca khúc Nam bộ sau này nhưng đã cho ông thêm một con đường khác với ca khúc âm hưởng dân ca Nam bộ.
Từ năm 1975 đến 1984, gần 10 năm ông mới sáng tác lại Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, và rồi từ 1984 cho đến tận 1994, ông mới đưa đến khán giả Điệu buồn phương Nam, một ca khúc ai nhắc đến Nam bộ đều không thể không biết.
Bởi bài hát đầy đủ với tích con sáo trong dân ca của các vùng miền nhưng giai điệu lại đậm chất Nam bộ. Điệu buồn phương Nam ở lại được trong lòng khán giả có lẽ còn bởi xúc cảm kiểu người qua đường như thế, một người ghé ngang Cửu Long giang hát câu ca rồi đi chứ không ở lại.
Từ đây, con đường đến với dân nhạc Nam bộ của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ngày càng rộng mở. “Tôi yêu Nam bộ khi còn ở Quảng Nam những năm 14, 15 tuổi nghe qua radio một bản của nhạc sĩ Hồ Đình Phương “trăng phương Nam sáng toả khắp bờ Cửu Long, nước chảy con thuyền xuôi dòng…”. Tôi say mê câu hát đó nên chọn vào phía Nam, may mắn trong cuộc viễn du của mình tôi cũng bắt gặp một vầng trăng giữa dòng Cửu Long rất đẹp”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chia sẻ trong chương trình “Ngược dòng thời gian”.
Năm 1999, ông trở lại Bạc Liêu theo lời mời của tỉnh để phục hiện lại Dạ cổ hoài lang. Dịp trở lại này, ông không chỉ thành công ở mặt ký âm bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang, mà ông đã được lênh đênh với sông nước khi thuyền trôi dọc sông Bạc Liêu về cửa biển Gành Hào. Trong ánh trăng miền sông nước, ông được nghe tiếng hát Dạ cổ hoài lang qua radio từ chiếc đò đánh cá, ông đã viết ra Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang.
Lần trở lại Bạc Liêu, ở tuổi 51, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã “giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng” thì năm 2017, ở tuổi 69 ông đã trở lại đồi sim Duy Sơn của quê nhà thuở 20 tuổi, nơi ông viết Thu, hát cho người. Không còn là chàng trai thuở 20, nàng “Thu” của ngày xưa không biết đã ở chốn nào, những xúc động đó đưa ông đến ca khúc Trên đồi xưa.
Dẫu Trên đồi xưa không nổi bật như Thu, hát cho người nhưng đó là một kỷ niệm riêng biệt của ông… “ta đã ôm đàn lên đồi xưa, khoác áo khinh cừu mà chờ em, chuyện tình phiêu lãng bóng mây bay, màu hoa xưa tím ngát đâu đây, ôi dấu môi người yêu, như đoá hoa hàm tiếu…”
Hôm nay, năm 2020, ở tuổi 73, ông đang trở lại đâu, liệu ông có còn nhớ “đoá hoa hàm tiếu”, nhớ “con sáo bay qua đời tôi”, hay cứ thế ra đi để “con sông buồn tím một dòng trôi”? Thôi làm khán giả, làm người thương nhạc ông, thương đời sống nhiều u buồn của ông… có thể xem rằng ông đang rong chơi đâu đó, như đồi sim hay dòng sông nào…