Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ'

Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ'

(PLO)- Ở Sài Gòn, có lẽ việc bỏ rơi một ai đó, bỏ lại những mảnh đời cùng khổ ở phía sau lưng là điều khó xảy ra. Trong cơn càn quét của dịch COVID-19, người ta thấy rõ hơn cái tính cách phóng khoáng, tấm lòng nhân nghĩa của người Sài Gòn.
Mỗi ngày qua đi, đất Sài Gòn lại có quá nhiều câu chuyện để kể về cái bản ngã “tánh kỳ” của mình. Giữa mùa dịch bệnh, khắp các con đường, hẻm nhỏ ở Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy ấm áp tình người qua từng bao gạo, hộp cơm, ly nước miễn phí… Người Sài Gòn luôn dang tay, ôm nhau vào lòng, dìu nhau đi qua hoạn nạn.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 1
ATM là máy rút tiền tự động, thế mà trên mảnh đất Sài Gòn, ATM lại có thêm định nghĩa mới: “ATM gạo”.
Ngày 6-4, “ATM gạo” đầu tiên vận hành chính thức tại đường Vườn Lài (quận Tân Phú) với sứ mệnh giúp đỡ những người khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những ngày sau đó, “ATM gạo” đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ, lan tỏa khắp các quận, huyện ở TP.HCM, rồi khắp cả nước.
Chủ nhân của “ATM gạo” - anh Hoàng Tuấn Anh đã chia sẻ anh không muốn thấy ai vì đói phải gục ngã, vì thiếu đi miếng ăn mà tự đẩy mình vào đường cùng. Chứng kiến những câu chuyện ghi nhận được tại “ATM gạo”, bỗng nhận ra: Dường như chính cái suy nghĩ thiện lương của anh, câu chuyện của những người đến nhận, cho gạo cũng đáng yêu và trong sáng vô cùng.
Ở “ATM gạo”, không chỉ có người đến nhận. Người đến góp gạo cũng không đếm xuể. Cuối tuần qua, hàng chục chiếc xe máy chở theo vài bao gạo cứ liên tục chạy đến điểm “ATM gạo” ở quận Thủ Đức.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 3
Vợ chồng chị Ngô Thanh Nhàn (ngụ phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) chở nhau trên chiếc xe cà tàng, chạy lui chạy tới gần 10 vòng để gửi tặng 100 kg gạo cho dân nghèo. Đến gửi gạo, cả hai vợ chồng chỉ cười: “Cho tui góp với nhé. Thấy người ta thiếu ăn, sao đành lòng mà ngoảnh mặt quay đi”.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 4
Có chú xe ôm được kêu phụ chở gạo rồi sẽ trả tiền. Chở xong năm vòng, người ta gửi chú tiền xăng thì chú cười khì: “Thôi, tui không nhận đâu. Coi như tui không có gạo góp thì phụ chút sức cho bà con”.
Mà ngộ nữa, hỏi tên thì không muốn nói, chỉ cười trừ. Nụ cười hiền khô làm bản thân người đối diện bỗng thấy cái câu hỏi: “Tại sao cô/chú muốn góp gạo vậy?” trở nên vô duyên hết sức. “Tui không biết trả lời làm sao, thấy cần phải làm nên làm thôi” - ông chú xe ôm trả lời thiệt mộc mạc.
Nhiêu đó thôi chưa đủ. Người Sài Gòn đúng thật “tánh kỳ”.
Chị Yến (ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức) ôm chặt bao gạo vừa nhận được trên tay, vừa đi vừa cười vẻ mãn nguyện lắm. Chị bắt chuyện: “Nhiêu đây ăn được hai ngày đó cô”.
Nhìn dáng vẻ của chị, cứ tưởng chị đi nhận thêm chút gạo để đỡ đần bữa cơm hàng ngày cho chồng con. Nhưng không, chị đáp gọn lỏn: “Có đâu, tui đi nhận cho bà cụ ở gần nhà. Bà sống có một mình thôi, không đi lại được, không ai chăm nên mấy nay tui lo cơm nước cho bà. Mọi ngày bà còn đi bán vé số, nay dịch nên bà ở nhà miết. Tui thấy thông báo có máy “ATM gạo” nên tới nhận mang về cho bà, có thêm miếng gạo để trong nhà cho bà an tâm”.
Thường ngày, chị Yến xin đi làm rửa chén, dọn dẹp ở các nhà hàng để nuôi cả gia đình bốn người. Từ hôm có dịch, nhà hàng đóng cửa, chị thất nghiệp. Hỏi "sao không nhận phần mình trước?", chị cười hào sảng: “Có sao đâu. Tui còn trẻ khỏe hơn bà, còn ráng qua ngày được chớ bà già yếu mà. Bà lủi thủi một mình thương lắm, không đành lòng”.
Nói dứt câu, chị lại trổ một tràng cười sảng khoái, vẫy tay chào rồi quay lưng đi. Nhìn phía sau chị, bỗng thấy dịch bệnh, mối lo toan cơm áo gạo tiền trở nên nhẹ hẫng, không chút phiền lo.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 6
Điểm phát cơm miễn phí của các bạn đoàn viên thanh niên trẻ ở phường Tam Phú (quận Thủ Đức) nhiều ngày qua trở thành nơi cứu cánh cho bà con gặp khó.
Trưa cuối tuần, một chú ghé điểm nhận cơm như mọi ngày. Vì phải vào bệnh viện chạy thận nên chú ghé quá giờ, các phần cơm đã được phát hết. Các bạn thanh niên phường Tam Phú gửi chú vài hộp sữa để uống lấy sức. 
Cùng lúc đó, một người ngồi trên chiếc xe lăn tới nhận cơm nhưng cũng hết phần. Chú chạy thận bèn lấy bốn bịch sữa mình vừa được nhận bỏ vào rổ xe của chú xe lăn, cười nói: “Tui với ông, người vài hộp nhé”.
Có anh bạn tay xách nách mang những gói quà của một vị hảo tâm giấu tên đến xóm nghèo dưới chân cầu Ông Dầu (phường Hiệp Bình Phước) gửi tặng. Ấy vậy mà, chính những con người đang phải chạy từng bữa ăn ở đây nhận quà xong lại phân phát cho bà con trong xóm vừa ra tới.
“Họ chỉ lấy một phần ít ỏi, còn lại chia đều cho những người đến sau. Một chai nước tương, chai dầu ăn, gói bột ngọt… không là bao nhưng thật sự khi nhìn cảnh họ nhường nhau, í ới gọi nhau đến nhận quà thấy lòng ấm áp lắm” - anh bạn kể lại. 
Có ai "rảnh rỗi" như người Sài Gòn! Thấy người nghèo, người lang thang, bán vé số không thể có bữa cơm đàng hoàng trong mùa dịch, cái thấy nóng ruột, ngồi không yên nên mở cửa quán nấu nướng, kịp gửi đi những phần cơm nghĩa tình.
Bà Nguyễn Thị Nga (68 tuổi) vừa dựng chiếc xe đạp vào bờ tường, bước vào quán cơm đã nói như khóc: “Chú ơi, tui mới bị chó cắn”. Giọng bà Nga run run, như cần có người để “méc” về câu chuyện không may mà bà vừa gặp.
“Chó cắn hả, rồi có đi chích ngừa ngay chưa. Chân cô sao rồi, có đau nhiều không? Dịch vậy mà sao còn bị chó cắn nữa, rõ khổ” - chú Phạm Hòa, phó chủ nhiệm phụ trách quán cơm xã hội Nụ Cười 6 (đường Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh), hỏi han. 
Bà Nga chỉ ở một mình trong căn phòng trọ. Biết hoàn cảnh của bà, sợ những ngày tới bà không đi lại được vì vết thương, chú Hòa chạy vội vào bàn lấy hai hộp cơm, hai phần bánh mì rồi nhét vào cái balô của bà Nga. “Cô mang về để dành mà ăn, nhỡ mai chân nó đau rồi không đi được” - chú dặn dò.
Ngày hôm đó, quán cơm xã hội Nụ Cười 6 đã trao đi 1.000 suất cơm cho người lao động nghèo, cả người đi khám chữa bệnh ở BV Ung bướu, người bán vé số thất nghiệp trong mùa dịch…
Khi mọi người ở quán vẫn đang loay hoay phát cơm, một phụ nữ trung niên tấp xe vào hỏi: “Con có một ít khẩu trang, muốn gửi tặng bà con đến đây nhận cơm. Quán có nhận phát giùm con không chú ơi?”. Nhận được cái gật đầu, chị mừng rơn, bảo ngay trong chiều sẽ chở đến để phát kịp cho bà con rồi phóng xe đi, không ai kịp hỏi tên.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 11
Từ ngày 19-3, UBND TP.HCM chính thức trưng dụng ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) và Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh làm khu cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19.
Hàng trăm tình nguyện viên là cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động của nhiều trường thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM đã làm việc ròng rã trong nhiều ngày để dọn dẹp vệ sinh nơi ở, sắp xếp đồ đạc bên trong ký túc xá, phải làm sao để bảo vệ tuyệt đối tài sản của các bạn sinh viên. Nhưng cái khó ban đầu là làm sao để đóng gói đồ đạc một cách khoa học nhất, tránh thất lạc đồ của sinh viên: cần phải có rất nhiều thùng giấy.
Ngày 21-3, Ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM phát đi thông báo về việc thiếu hụt thùng giấy để đóng gói đồ đạc cho sinh viên và mong mọi người cùng chung sức.
Anh Huỳnh Mẫn Sang, Bí thư Đoàn phường Linh Tây (quận Thủ Đức), kể ngay khi thấy thông tin đó, đoàn phường đã đăng tải lên kênh Zalo của phường kêu gọi người dân cùng đóng góp. Lập tức, điện thoại của Sang cháy máy trong đêm đầu tiên.
Điều khiến cả nhóm bất ngờ là một đơn vị ở Bình Dương chở 200 thùng carton đến tận phường để gửi. Một người dân ở Long An gọi điện thoại, dặn cố chờ anh mang thùng lên vì anh chỉ mới bắt đầu xuất phát đi. “Thùng nhà anh nhiều lắm, anh chất lên xe chở đi liền đây” - anh nói.
Từng thùng carton được xếp gọn lại để chuẩn bị đưa lên xe, chuyển ra KTX ĐH Quốc gia. Chiếc xe tải nhỏ của một người dân vừa tìm chỗ đậu trong sân ủy ban phường để chờ các bạn trẻ chất thùng lên, chở ra KTX ĐH Quốc gia.
“Khi đến nơi, chú mới biết đó là số thùng do người dân góp lại gửi cho ĐH Quốc gia để đóng gói đồ đạc cho sinh viên trong mùa dịch. Chú liền bảo vậy chú miễn phí tiền xe cho mấy đứa. Lần sau có làm hoạt động thiện nguyện mà cần xe chở, cứ alo chú chở miễn phí cho” - Sang kể lại. 
Thầy Phùng Quán (Phó Chủ tịch Công đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết từ sáng sớm ngày 22-3, 100 tình nguyện viên đã bắt đầu làm việc cho kịp tiến độ.
“Trong buổi sáng, nhóm chúng tôi gồm 1 trưởng nhóm và 7 thành viên dọn xong 1 tầng với 10 phòng. Mỗi tầng lấy 2 phòng làm kho, mỗi phòng được 1 cái giường đôi để đồ đạc. 11 giờ 30 xong, mồ hôi như tắm, xuống nơi tập trung nghỉ ngơi, ăn cơm, tranh thủ làm trang đăng ký danh sách để tham gia ngày kế tiếp.
Đến 13 giờ, tiếp tục 1 tầng khác, tầng này của nữ sinh viên ở, ôi một "thiên đường" đồ đạc. Cuối cùng cũng hoàn thành. Ngày đầu tiên ra quân, chúng tôi dọn xong 4 tòa nhà 11 tầng” - thầy Phùng Quán viết trong nhật ký tình nguyện của mình.
Nhắc về những ngày đó, chị Trần Đỗ Thanh Diễm, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, nói rằng tuổi trẻ của chị đã đẹp hơn rất nhiều sau chuỗi ngày cùng mọi người làm tình nguyện viên dọn dẹp khu KTX.
Trong dòng nhật ký gửi cho phóng viên, chị viết: “Tháng Thanh niên năm nay đến thật lạ, đến trong sự tất bật của mọi người, của xã hội và thế giới, đến trong không khí khẩn trương, cấp thiết của thời cuộc, của nhiều người và với tuổi trẻ chúng tôi: Những ngày phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Ngày 26-3, kỷ niệm 89 năm thành lập Đoàn, cũng là ngày chị và mọi người trải qua hành trình 8 ngày liên tục chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ khu cách ly tập trung, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP.HCM tại khu KTX.
“Chúng tôi không có đủ thời gian để suy nghĩ, để tự hỏi mình muốn gì, cần gì, làm gì khi tháng của tuổi trẻ ùa về; chúng tôi chỉ có một niềm tin duy nhất là làm nhanh nhất, cẩn thận nhất, hăng say nhất để kịp tiến độ, để đồ đạc, vật dụng của các bạn sinh viên không bị sót, bị thất lạc, bị mất hay hư hỏng. Chúng tôi cần mẫn, tỉ mỉ để không để sót lại, không để bỏ quên dù chỉ là một bàn chải đánh răng, bởi chúng tôi biết sự vô tâm hoặc thiếu chút cần mẫn, ai đó sẽ rơi vào hoàn cảnh khó xử…”.
Chị kể, đó là những ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và giờ kết thúc thì vô chừng. Thường, chị và mọi người rời KTX lúc đêm đã khuya, thậm chí có ngày đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Sự tiếp sức của các thầy cô, các bạn sinh viên tình nguyện và đặc biệt là sự phối hợp của các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân đã giúp cả đội hoàn thành công việc một cách nhanh hơn.
Tại khu cách ly đông nhất ở TP.HCM là KTX khu A (ĐH Quốc gia TP.HCM) với hơn 6.000 người được đưa về cách ly, lực lượng tuyến đầu đã phải căng mình trong suốt một thời gian dài để chăm lo cho người dân. Hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân, y bác sĩ mướt mồ hôi, ngày đêm phục vụ người dân, nằm ngủ giữa nền đất lan truyền khắp mạng xã hội.
Nhìn thấy những hình ảnh đó, thầy giáo Võ Anh Triết (VAT Language Training) đã không khỏi xúc động. Nhiều đêm liền, thầy không thể gạt hình ảnh đó ra khỏi đầu.
Ngày 23-3, một ngày trước sinh nhật tuổi 46, thầy Triết đã đăng tải một dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân của mình với nội dung như sau:
Cuối dòng trạng thái này, thầy Triết bày tỏ ý định nhân ngày sinh nhật của mình tổ chức một đợt quyên góp trong hai ngày (23 và 24-4). Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được trao tặng cho lực lượng phục vụ khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM để bày tỏ lòng biết ơn với họ đã vì đất nước mà quên đi bản thân mình.
Trong hai ngày, hàng loạt tin nhắn của học trò, đồng nghiệp và quý phụ huynh đã gửi về để cùng góp sức. Thầy đã gửi toàn bộ số tiền mà mọi người quyên góp được là 42 triệu đồng đến tận tay các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại khu cách ly ở KTX. Thầy hy vọng món quà có thể tiếp thêm động lực cho các cán bộ, chiến sĩ, đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu trong công tác chống dịch.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 18
Ở Sài Gòn này, không chỉ có người lớn, ngay cả trẻ nhỏ cũng đã hiểu và ý thức được giá trị của sự chung tay của cộng đồng, của lòng nhân nghĩa giữa Sài Gòn.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 19
Thấy có cây "ATM gạo", Minh Thư (một học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Thủ Đức) cùng mẹ chở đến 50 kg gạo góp sức cho cây “ATM gạo” ở quận Thủ Đức. Số tiền mua gạo em đập heo đất, ngồi đếm từng đồng tiền mình đã nhét vào đó để góp sức cho bà con.
Đỗ Lê Sơn (học sinh lớp 6, Trường THCS Xuân Trường, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) xem tin tức trên truyền hình, được cha mẹ kể nhiều về việc chống dịch nên muốn đóng góp sức mình để ủng hộ tinh thần các cô chú, y bác sĩ đang làm nhiệm vụ.
Sơn đập ống heo, gom được gần 4,5 triệu đồng, là số tiền em tiết kiệm được trong ba năm qua. Sơn nhờ cha mẹ chở đến phường để quyên góp toàn bộ số tiền mình dành dụm được. “Con muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình để phòng chống dịch bệnh. Con kính chúc các cô chú y bác sĩ tham gia phòng chống dịch bệnh luôn mạnh khỏe, đẩy lùi được dịch bệnh để tụi con được đi học trở lại” - Sơn thỏ thẻ nói.
Sài Gòn là vậy, dù là ngày bình thường hay trong bão giông, Sài Gòn vẫn bao dung, vẫn mở lòng ôm ấp bao mảnh đời còn khó khăn, cơ cực. Sài Gòn, trong cuộc phong bế, vẫn lao tâm lao lực cho một mảnh đời còn trúc trắc ngoài kia, cho một phận người, một ai đó không có nhà để về, để họ “ở yên trong nhà” mùa dịch. Thành phố nào đó có thể đóng cửa nhưng Sài Gòn thì khó có thể. Lòng người Sài Gòn lúc nào cũng mở.
Cũng trong những ngày này, cái biển “Hoa hồng 15 nghìn/chục” tràn ngập mấy tiệm bán hoa ở Sài Gòn. Dịch bệnh, những người trồng hoa ở Đà Lạt cũng chịu ảnh hưởng về kinh tế. Không hội họp, mọi hoạt động kinh tế lớn phải tạm dừng, đâu ai còn tâm trạng để thưởng hoa. Hàng ngàn bông hoa hồng trôi dạt về những nẻo đường khác nhau với giá rẻ hơn ngày thường rất nhiều.
Không chỉ dưa hấu, thanh long hay xoài, giữa lòng Sài Gòn, trong những ngày kinh tế đóng cửa, cũng khó lòng từ chối một cuộc giải cứu hoa hồng cho người Đà Lạt.
Đi qua mùa dịch: Người Sài Gòn đúng thật 'tánh kỳ' ảnh 22

Đọc thêm