Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) không chỉ là biểu tượng của TP.HCM mà còn là nơi hội tụ của đội ngũ kỹ sư và nhân viên bảo trì tận tâm. Họ được ví như 'những người bác sĩ' của tuyến metro số 1, đảm bảo mỗi chuyến tàu đều vận hành an toàn, trơn tru, mang lại sự tiện nghi tối đa cho hành khách.
Anh Nguyễn Phan Pháp, Đội trưởng Đội thông tin tín hiệu (thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1), là một trong những người thầm lặng góp phần bảo đảm sự vận hành an toàn và hiệu quả của tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Công việc của anh Pháp cùng đội ngũ là kiểm tra và bảo trì các thiết bị điện tử, tủ tín hiệu thuộc hệ thống thông tin tín hiệu trên tàu, tại nhà ga và dọc đường ray.
"Chúng tôi làm việc theo ca, đảm bảo 24/7 luôn có người trực" – anh Pháp chia sẻ.
Trong hệ thống metro hiện đại, đội tín hiệu đóng vai trò quan trọng, đảm bảo từng chuyến tàu vận hành an toàn và hiệu quả. Công việc của họ không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác mà còn là một quy trình khoa học với sự phân chia rõ ràng theo khu vực để đảm bảo mọi chi tiết đều được kiểm tra cẩn thận.
Có 3 khu vực chính được phân công kiểm tra bao gồm:
Khu vực trên tàu: Đây là nơi trực tiếp ảnh hưởng đến hành trình của các đoàn tàu. Đội tín hiệu sẽ kiểm tra các thiết bị như ăng-ten, tủ tín hiệu trên tàu, máy phát tốc và nhiều linh kiện quan trọng khác để đảm bảo hệ thống liên lạc, vận hành luôn chính xác.
Trên chính tuyến: Là đoạn đường ray từ Bến Thành đến Depot Long Bình, nơi bố trí hàng loạt thiết bị tín hiệu phức tạp. Đội ngũ phải kiểm tra hệ thống radio, bộ phát đáp, liên kết trở kháng, máy quay ghi, đầu đèn tín hiệu và các thiết bị khác dọc tuyến đường để đảm bảo mọi tín hiệu đều rõ ràng và thông suốt.
Bên trong các nhà ga: Là nơi đặt các thiết bị tín hiệu quan trọng như tủ Rơ-le, tủ ATP/ATO và nhiều hệ thống điều khiển khác. Đây là phần không thể thiếu trong việc đảm bảo an toàn và đồng bộ hóa hoạt động của toàn bộ hệ thống metro.
Hệ thống tín hiệu là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành tàu, vì vậy cần luôn có người túc trực để xử lý sự cố kịp thời, sẵn sàng ứng cứu và phối hợp với các đội nhóm khác nhằm giải quyết sự cố nhanh chóng. Điều này giúp tránh trì hoãn tàu, bảo đảm trải nghiệm của hành khách, đồng thời yêu cầu trách nhiệm lớn từ đội ngũ bảo dưỡng.
"Đây là Hệ thống tín hiệu đầu tiên của tàu Metro ở TP.HCM nên mọi thứ còn rất mới đối với kỹ sư người Việt, đòi hỏi các kỹ sư phải dành nhiều thời gian tìm hiểu và thực hành để có thể nắm rõ về hệ thống" - Anh Pháp chia sẻ.
Những người như anh Nguyễn Phan Pháp góp phần không nhỏ vào việc mang lại sự an toàn và tiện lợi cho hàng triệu người dân trong tương lai.
Trong khi đó, anh Lưu Cao Huy, Đội trưởng Đội đầu máy toa xe (thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1), cho biết công việc của đội tập trung vào việc bảo trì định kỳ, kiểm tra và sửa chữa hệ thống đầu máy toa xe để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả. Công tác bảo trì trên hệ thống metro khác biệt hoàn toàn so với các hệ thống giao thông truyền thống, bởi vì mọi thứ đều phức tạp hơn nhiều.
Với vai trò Đội trưởng Đội đầu máy toa xe, công việc của Huy là quản lý và điều phối các hoạt động bảo trì định kỳ, kiểm tra, sửa chữa đoàn tàu.
Đặc thù công việc đòi hỏi sự chính xác cao, vì vậy mọi hoạt động của đội phải được lên kế hoạch chi tiết từ trước.
Một ngày làm việc của đội bắt đầu bằng việc kiểm tra kế hoạch bảo trì, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, giám sát các hoạt động tại xưởng và xử lý các sự cố nếu có. Mọi bước trong quy trình bảo trì đều phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối và hiệu quả tối ưu cho hoạt động của đoàn tàu.
Đội của anh sẽ tiến hành bảo trì và kiểm tra toàn diện các hệ thống quan trọng của đoàn tàu, bao gồm cả việc kiểm tra ắc quy, nhằm đảm bảo các thiết bị hoạt động ổn định, an toàn.
Đồng thời, đội cũng sẽ kiểm tra nguồn điện phụ trợ (APS) của đoàn tàu để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị điện đều hoạt động hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình vận hành của tàu, từ hệ thống điều hòa không khí đến các thiết bị chiếu sáng và thông tin trên tàu.
Sau đó, các nhân viên sẽ kiểm tra chặt chẽ các thiết bị dưới đoàn tàu, giá chuyển hướng và hệ thống điện khí nén.
Mỗi đoàn tàu được bàn giao cho đội bảo trì từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Trong thời gian này, đội ngũ sẽ thực hiện các công tác bảo dưỡng hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. “Mỗi lần kiểm tra toàn bộ một đoàn tàu mất khoảng 6 giờ đồng hồ. Tất cả thiết bị đều được kiểm tra bằng mắt và đo đạc cụ thể bằng các thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn tuyệt đối" - Anh Huy nói.
Sau nhiều năm học tập và tự nghiên cứu, anh Huy giờ đây đã sẵn sàng cho vai trò của mình.
“Tôi rất háo hức chờ đón ngày tuyến metro số 1 chính thức khai trương. Đó sẽ là thời điểm tôi nhìn thấy những nỗ lực trong suốt thời gian qua được đền đáp”- Anh chia sẻ.
Anh Vũ Đức Hiệp – Giám đốc Xí nghiệp bảo dưỡng (thuộc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1) - cho biết, đội ngũ của đơn vị đã hoàn tất các công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho ngày khai thác chính thức tuyến metro đầu tiên của thành phố.
Đối với anh, hệ thống metro không chỉ là một công trình giao thông mà còn là minh chứng cho năng lực và sự trưởng thành của đội ngũ kỹ thuật Việt Nam trong việc làm chủ những công nghệ tiên tiến.
Anh cho biết hệ thống bảo trì của tuyến metro số 1 được chia thành 5 đội chuyên trách bao gồm: Đội công trình, Đội đầu máy toa xe, Đội điện, Đội thông tin tín hiệu và cuối cùng là Đội tiện ích nhà ga và tòa nhà.
"Chúng tôi giống như những người bác sĩ của tuyến metro," anh Hiệp chia sẻ. Nhiệm vụ chính của đội ngũ là đảm bảo hệ thống luôn sẵn sàng, an toàn và tin cậy. Đặc biệt, nếu có sự cố xảy ra, các kỹ thuật viên phải giảm thiểu tối đa thời gian ngừng hoạt động để không làm gián đoạn dịch vụ.
Đội ngũ bảo dưỡng không chỉ dựa vào nền tảng kỹ thuật từ các ngành học như cơ khí, điện, điện tử, viễn thông hay tự động hóa, mà còn được đào tạo chuyên sâu bởi các nhà thầu nước ngoài. "Mỗi dự án đều có những thiết bị và công nghệ đặc thù. Việc tiếp nhận đào tạo và chuyển giao công nghệ là điều kiện tiên quyết để làm chủ hệ thống" - anh Hiệp nhấn mạnh.
Lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ metro hiện đại, anh Hiệp và đội ngũ không tránh khỏi những áp lực. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, anh coi đây là cơ hội để chứng minh khả năng của người Việt Nam.
"Mặc dù chúng ta đi sau các nước khác, nhưng đó không phải lý do để ngại ngần. Chúng tôi sẽ lấy điều đó làm động lực để cố gắng hơn, nhanh chóng bắt kịp các quốc gia đã phát triển hệ thống metro từ lâu" - Anh tự hào chia sẻ.
Hiện tại, đội ngũ nhân sự tại depot Long Bình đang phối hợp với nhà thầu gấp rút thực hiện các bước kiểm tra cuối cùng, đảm bảo các hệ thống sẵn sàng cho vận hành tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Hệ thống metro số 1 không chỉ là bước ngoặt giao thông của TP.HCM mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm, học hỏi và làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ thuật Việt Nam. Những 'bác sĩ' của tuyến metro đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bảo đảm an toàn, tiện nghi và hiệu quả cho hàng triệu hành khách trong tương lai.