TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

(PLO)- Sau thời gian dài vắng bóng, dịch sởi đã quay lại TP.HCM.  Để ứng phó, TP đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung tiêm vaccine sởi, tăng miễn dịch cộng đồng trên 95%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, từ cuối tháng 5-2024, số ca mắc sởi đột ngột tăng nhanh, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%). Đáng lưu ý, bệnh nhân từ các tỉnh đến điều trị tại TP.HCM chiếm đến 55,8%.

Đến ngày 27-8, TP đã ghi nhận 432 ca mắc sởi, trong đó có 3 ca tử vong. Trước tình hình này, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trên địa bàn TP.

tiem-vaccine- soi (2).png

Bên trong phòng cách ly của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - nơi có số ca sởi nhập viện đông nhất TP.HCM, hàng loạt giường bệnh xếp sát nhau, mỗi giường một trẻ đang điều trị. Các y bác sĩ, điều dưỡng tất bật đi lại, vừa thăm khám vừa động viên các bệnh nhi.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

Mắt không rời đứa đứa cháu trai hơn 2 tuổi trên giường bệnh, bà Đặng Thị Thu Thủy (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) không giấu nổi sự lo lắng. Ba mẹ bé N phải đi làm giờ hành chánh, một mình bà Thủy chăm sóc cháu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Một tuần trước, bé trai xuất hiện những cơn sốt cao kèm theo nổi ban khắp người. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ bé bị bệnh phát ban thông thường, khi đi khám mới bé mắc sởi.

"Cháu tôi có tiền sử viêm phổi do sinh non, phải lớn lên trong bệnh viện nên tôi lo mấy cái biến chứng. Mấy ngày qua cháu phải thở ôxy liều cao", bà Thủy lo lắng.

Ở giường bệnh bên cạnh, chị Thu (quận 11) liên tục bế con trai 9 tháng tuổi vào lòng để ru con ngủ. Khi con vừa chợp mắt, chị nhẹ nhàng đặt bé xuống giường rồi xoa tấm lưng nhỏ đang nổi đầy những nốt ban.

Chưa đầy 5 phút, bé lại thức quấy khóc, đòi mẹ. Chị dịu dàng: “Mẹ đây... mẹ ở đây với con”. Chị Thu bế con liên tục như vậy đã mấy tiếng đồng hồ.

“Con tôi nhập viện gần một tuần nay để điều trị sởi. Mấy hôm nay bé thường xuyên quấy khóc, đòi mẹ bế, nhìn con vậy thật xót xa”, chị Thu chia sẻ.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

Tính đến ngày 3-9, khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận điều trị khoảng 22 ca bệnh sởi, trong đó có 3 ca nặng thở ôxy.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết trung bình mỗi ngày khoa này tiếp nhận 5-7 ca bệnh sởi mới, giảm một nửa so với tuần trước. Số ca xuất viện tăng lên, mỗi ngày khoảng 12 ca, đây là điều đáng mừng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khoa Nhiễm đang điều trị khoảng 21 ca bệnh sởi, không có ca nặng. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 2-3 ca bệnh mới.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, dự đoán sắp tới, nếu tỉ lệ bao phủ vaccine đạt 95%, dịch sởi ở TP.HCM có thể sẽ kết thúc trong khoảng 1 tháng nữa.

tiem-vaccine- soi (3).png

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo từ trước, năm 2024 có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4-5 năm một lần. Trước đây, nước ta ghi nhận 2 đợt dịch sởi vào năm 2014 và 2019. Riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong do sởi.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 29-8. Ảnh: NGUYỆT NHI

Lý giải nguyên nhân dịch sởi quay lại sau thời gian dài vắng bóng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trung bình một ca sởi sẽ lây cho 12-18 người khác, mức độ lây lan của sởi dữ dội hơn COVID-19.

Sởi đã có vaccine phòng ngừa, một thời gian dài gần như không có ca sởi ở TP.HCM. Tuy nhiên, vừa qua TP bị đứt gãy nguồn cung ứng vaccine do đại dịch và sau đại dịch, dẫn đến khoảng trống miễn dịch nên sởi ở TP.HCM bắt đầu xuất hiện và tăng cao.

Hiện tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh tại TP.HCM chưa đạt 95%. Khảo sát ngẫu nhiên 180 trẻ tại một số phường xã, ghi nhận 18,3% trẻ có địa chỉ tỉnh/TP khác trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Trạm y tế không biết để mời tiêm vaccine sởi nên phần nào làm giảm tỉ lệ bao phủ vaccine trên địa bàn.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, còn có một số trẻ sinh ra vào đợt dịch COVID-19 không tiêm vaccine sởi, miễn dịch không có.

Sau dịch, một số phụ huynh bận nên quên đưa con đi tiêm vaccine, hay những trẻ có bệnh nền nên phụ huynh không đưa con đi tiêm... Từ đó dẫn đến tỉ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng còn thấp, trong khi nguyên tắc 95% dân số tiêm vaccine mới bảo vệ được cộng đồng.

tiem-vaccine- soi (4).png

Cùng với công bố dịch sởi, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn TP. Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi bằng vaccine phối hợp sởi – rubella (MR).

Trưa 30-8, 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) được mua từ nguồn ngân sách TP đã về tới TP.HCM, sẵn sàng phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi ở TP.HCM.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

Chiến dịch tiêm vaccine sởi tiếp tục diễn ra xuyên lễ 2-9 (từ 31-8-2024 đến 4-9-2024) và kéo dài trong 1 tháng. Giai đoạn này TP sẽ tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi và trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao từ 6-16 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng.

Giai đoạn 2 diễn ra trong tháng 10, tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định và tiếp tục tiêm cho những trẻ còn sót lại ở giai đoạn 1 chưa được tiêm.

Sáng 31-8, tại các trạm y tế trên địa bàn quận Bình Tân, nhiều phụ huynh đưa con em đến tiêm vaccine sởi.

Cùng đoàn kiểm tra, giám sát chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn quận Bình Tân, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, TP.HCM đặt 2 nhiệm vụ trọng tâm. Một là xây dựng miễn dịch cộng đồng chống sởi, đặt mục tiêu miễn dịch sởi trên 95% để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hai là bảo vệ nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch hoặc chưa được tiêm vaccine. Miễn dịch cộng đồng sẽ đóng vai trò như một lớp bảo vệ vững chắc cho các em.

Ông Châu kêu gọi các đơn vị y tế và các đơn vị liên quan phối hợp tiêm chủng hiệu quả trong suốt kỳ nghỉ lễ 2-9, đồng thời đảm bảo các quy trình tiêm chủng an toàn. Đặc biệt, tại quận Bình Tân với đặc điểm dân cư di động cao, việc rà soát và theo dõi trẻ mới đến cư trú để tiêm vaccine sởi là vô cùng cần thiết.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trò chuyện cùng các em nhỏ và phụ huynh trong ngày đầu tiên tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi tại trạm y tế phường An Lạc, quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại các trạm y tế, quy trình tiêm vaccine sởi được tổ chức 1 chiều: Đăng ký, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi 30 phút. Sau 30 phút, nếu trẻ không có phản ứng phụ sẽ được ra về.

Chị Lê Thị Hồng Cúc (quê An Giang) ngồi chờ đến lượt tiêm vaccine sởi cho con gái 3 tuổi tại trạm y tế phường An Lạc, quận Bình Tân. Bé vẫn chưa được tiêm đủ các mũi vaccine cần thiết, đặc biệt là vaccine sởi.

Chị Cúc cho biết: "Từ khi lọt lòng, con tôi đã phải đối mặt với căn bệnh hoại tử ruột và điều trị tại bệnh viện suốt 2 năm đầu đời. Chính vì sức khỏe yếu nên bé chưa được tiêm bất kỳ mũi vaccine sởi nào. May mắn thay, tình hình sức khỏe của bé giờ đã ổn định hơn, chúng tôi được bác sĩ khuyên nên đưa bé đi tiêm ngừa đầy đủ".

Là công nhân xa quê, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên khi được phường thông báo về chương trình tiêm chủng miễn phí, vợ chồng chị Cúc rất mừng.

"Trước khi tiêm vaccine sởi, tôi cũng lo về các tác dụng phụ có thể xảy ra vì sức đề kháng của bé còn yếu. Nhưng nhờ sự tư vấn tận tình của các bác sĩ và nhân viên y tế, tôi đã yên tâm hơn rất nhiều", chị Cúc chia sẻ.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng
Người dân đưa con em đi tiêm vaccine sởi tại trạm y tế phường An Lạc. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chị Lữ Thị Thúy An, 38 tuổi, quê An Giang lên TP.HCM làm công nhân. Gia đình chị mới chuyển trọ từ Bình Chánh qua phường An Lạc, quận Bình Tân. Tưởng rằng sẽ khó để con tiếp cận được với vaccine ở trạm y tế, chị An không ngờ mình được chủ nhà trọ cũng như phường hỗ trợ, thông tin lên trạm để tiêm vaccine sởi kịp thời cho con. Việc được tiêm vaccine miễn phí đã giúp gia đình chị An tiết kiệm được một khoản chi phí.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng
Trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vaccine sởi trong đợt này. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại Trạm y tế phường Tân Tạo A, Chị Hồ Võ Kim Giàu, quê Long An, chia sẻ: "Khi nghe tin về dịch sởi qua truyền hình và nhà trường, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con. Nhờ thông tin từ chủ nhà trọ, tôi biết đến chương trình tiêm chủng miễn phí tại trạm y tế phường Tân Tạo A. Con tôi đã bỏ lỡ mũi tiêm vaccine sởi thứ 2 vì bị bệnh khi được 18 tháng tuổi. Nay tôi rất mừng vì cuối cùng cũng có thể đưa cháu đi tiêm bổ sung".

Theo Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, quận vẫn còn khoảng 3.000 trẻ chưa được tiêm đủ mũi vaccine sởi. Dù đã triển khai tiêm chủng khoảng 2.000 liều vào tháng 6, quận vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng
Nhân viên y tế kiểm tra lịch sử tiêm chủng của trẻ trước khi tiến hành tiêm vaccine sởi. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong đợt cao điểm này, 10 trạm y tế phường tại quận Bình Tân sẽ tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, xuyên suốt kỳ nghỉ lễ. Mỗi trạm dự kiến sẽ tiêm khoảng 30-60 trẻ mỗi ngày.

Bên cạnh đó, quận sẽ tăng cường rà soát và mời gọi những trẻ mới đến cư trú để đảm bảo không trẻ nào bị bỏ sót trong chiến dịch tiêm chủng này.

tiem-vaccine- soi (1).png

Theo HCDC, từ ngày 26-8 đến 1-9 (tuần 35), TP.HCM ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 53,7% so với trung bình 4 tuần trước (77 ca). Trong đó có 106 ca sởi gồm 22 ca xác định phòng thí nghiệm và 84 ca nghi ngờ lâm sàng. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 35 là 644 ca.

tiem-vaccine-soi (2).jpg

TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuẩn bị dự trù nhân sự, thuốc, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng, phân luồng bệnh nhân. Ở phòng cấp cứu sẽ sơ cứu và chuyển trẻ đến các khu cách ly điều trị tùy theo tình trạng bệnh. Khu cách ly nhiễm có riêng 1 tầng khoảng 100 giường để cách ly người bệnh. Bệnh viện chuẩn bị khoa Hồi sức nhiễm dành riêng cho ca sởi có biến chứng nặng với 20 giường.

Trong tình huống dịch phức tạp, vượt quá khả năng của khu cách ly, bệnh viện sẽ mở rộng toàn bộ khoa Nhiễm riêng cho sởi, thêm tầng của khoa Hô hấp. Bệnh nhân nặng sẽ nằm ở khoa Hồi sức Nhiễm, bệnh nhân không phải sởi sẽ chuyển sang khoa Hồi sức tích cực chống độc và các khoa khác tùy mức độ bệnh. Ngoài ra, các chuyên khoa sâu sẽ cách ly tại khoa để điều trị riêng.

Hiện các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1 đang tiếp nhận khoảng 75% là bệnh nhân từ tuyến dưới ở các tỉnh chuyển đến. Do đó, bệnh viện đề xuất Bộ Y tế tăng cường năng lực tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến, ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan.

tiem-vaccine-soi (3).jpg
Khu cách ly nhiễm có riêng 1 tầng khoảng 100 giường để cách ly người bệnh. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tăng cường thu dung, điều trị bệnh nhân; tổ chức phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện; chuẩn bị sẵn sàng thuốc điều trị sởi, phương tiện hỗ trợ hô hấp, thuốc truyền cho trường hợp có tiếp xúc với sởi mà không thể tiêm ngừa vaccine.

Cạnh đó, bệnh viện đã chuẩn bị vaccine tiêm ngừa cho bệnh nhi xuất viện, người nuôi trẻ và nhân viên y tế, sẵn sàng vitamin A trong điều trị.

Sở Y tế TP.HCM cho biết bệnh sởi có thể lây nhiễm rất dữ dội, các bệnh viện cần thực hiện phân luồng tốt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Đặc biệt, cần bảo vệ nhóm nguy cơ, tránh để ca sởi lọt vào khu điều trị bệnh mạn tính như khoa tim mạch, thận, huyết học...Nếu trong phòng điều trị có một trẻ mắc sởi, những trẻ còn lại phải được bảo vệ, tiêm dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc Immune Globulin.

Nhận biết sớm dấu hiệu mắc sởi

tiem-vaccine-soi (4).jpg
Người dân cần chủ động tiêm vaccine sởi cho trẻ. Trong ảnh, trẻ đang được điều trị sởi tại khu cách ly của bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: NGUYỆT NHI

Dấu hiệu nổi trội của bệnh sởi là phát ban. Khi mắc sởi, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy, rồi lan ra phía mặt và lan đến các vị trí khác trên cơ thể như tay, chân... Đặc biệt, trẻ sẽ sốt cao (39-40 độ C) liên tục, không hạ trong quá trình phát ban, có biểu hiện chảy nước mũi, miệng, ho hay viêm kết mạc.

Nếu trẻ sốt 2-3 ngày kèm phát ban toàn thân, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm siêu vi phát ban thông thường hay mắc sởi giai đoạn đầu.

Nếu trẻ có thêm các dấu hiệu khác như ho, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc, bác sĩ nên nghĩ ngay đến bệnh sởi (đặc biệt lưu ý ở những trẻ chưa được tiêm vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi).

Biến chứng của bệnh sởi là suy hô hấp. Ngoài ra, một số trẻ có thể biến chứng về viêm ruột, nhiễm trùng máu hay viêm loét giác mạc. Hệ lụy phía sau là suy dinh dưỡng, thậm chí bị co giật, viêm phổi nặng.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy

Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1

Khuyến cáo phòng chống dịch sởi tại TP của Bộ Y tế

Các cơ sở khám chữa bệnh chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu gửi HCDC và báo cáo lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế trong vòng 24 giờ theo quy định.

Khi phát hiện trẻ sốt và phát ban cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ. Đối với người bệnh, thực hiện cách ly y tế (tại nhà hoặc tại cơ sở y tế)…

Bộ Y tế đang tăng tốc cập nhật phác đồ điều trị sởi, bởi phác đồ cũ đã ban hành hơn 10 năm qua.

Bộ Y tế đề nghị thời gian tới TP.HCM tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ kiểm soát dịch, khẩn trương tiêm vaccine sởi an toàn hiệu quả, xử trí phản ứng sau tiêm. Chủ động tiêm vaccine sởi cho những người ngoài đối tượng được đề cập trong chiến dịch của Bộ Y tế…

Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Quản lý Dược phối hợp cung ứng đủ thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong chống dịch. Các địa phương phối hợp hạn chế chuyển tuyến, tránh quá tải.

Đọc thêm