Sáng 31-8, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM do ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế dẫn đầu đã có buổi kiểm tra, giám sát chiến dịch tiêm vaccine sởi tại các trạm y tế ở quận Bình Tân.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh, thời điểm này rất quan trọng việc miễn dịch cộng đồng, thành phố đặt mục tiêu đảm bảo trên 95% có miễn dịch sởi.
Nhiệm vụ quan trọng kế tiếp là bảo vệ những trẻ trong nhóm nguy cơ. Đây là những trẻ có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, chưa được tiêm vaccine cần được bảo vệ bởi miễn dịch cộng đồng.
Ông động viên các nhân viên y tế, đơn vị liên quan tích cực phối hợp tiêm ngừa trong kỳ nghỉ lễ 2-9, chú ý đảm bảo an công tác an toàn trong tiêm chủng.
Ông Châu cũng lưu ý, quận Bình Tân là quận có nhiều người dân nhập cư, biến động liên tục, vì vậy cần rà soát kỹ lưỡng, theo dõi những trẻ mới đến trên địa bàn để tiêm vaccine sởi kịp thời.
Trao đổi với phóng viên, Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết trên địa bàn có khoảng 3.000 trẻ thiếu mũi vaccine sởi.
Trước đó, vào tháng 6, y tế quận đã tiêm khoảng 2.000 mũi vaccine sởi. Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo, giám sát 10 trạm y tế phường tổ chức tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi, xuyên suốt trong kì nghỉ lễ.
Dự kiến, tại mỗi điểm sẽ có từ 30-60 trẻ được tiêm. Quận sẽ tiếp tục rà soát các trẻ trên địa bàn, nhất là những trẻ mới theo cha mẹ đến cư trú để lập danh sách để và mời đi tiêm chủng, không để bỏ sót trẻ.
Ghi nhận tại buổi tiêm vaccine tại trạm y tế phường An Lạc, quận Bình Tân sáng nay, nhiều phụ huynh đưa con em đến trạm từ sáng sớm để được bác sĩ tư vấn tiêm vaccine sởi.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dương (trưởng trạm y tế), đợt tiêm này có 55 trẻ được mời tiêm mũi 1, 310 trẻ được tiêm mũi 2, tổng chiến dịch từ ngày 31 đến ngày 4 là 365 trẻ.
Ngồi chờ đến lượt cho con tiêm, chị Lê Thị Hồng Cúc (quê An Giang), cho biết dù con chị đã 3 tuổi nhưng vẫn đang thiếu nhiều mũi vaccine, riêng sởi thì chưa tiêm mũi nào.
Giải thích về điều này, chị Cúc cho biết: “Từ khi sinh ra đến năm 2 tuổi con tôi phải nằm bệnh viện để điều trị căn bệnh hoại tử ruột. Do sức khỏe yếu nên đến nay bé vẫn chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào. Giờ đây, tình hình của con đã ổn định hơn nên tôi được bác sĩ tư vấn đưa con đi tiêm ngừa các mũi vaccine đang thiếu" – Chị Cúc nói.
Theo chị Cúc, vợ chồng chị lên Sài Gòn làm công nhân đã hơn 10 năm, gia đình chị không có điều kiện kinh tế. Khi được phường quan tâm, thông báo đến trạm để tiêm ngừa, vợ chồng chị rất vui mừng.
“Trong tình hình dịch sởi đang tăng nhanh, gia đình rất mừng vì được phường quan tâm, hỗ trợ cho bé tiêm ngừa kịp thời.
Trước khi tiêm, tôi cũng cảm thấy khá lo lắng, e ngại về các tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm của con vì con từ khi sinh ra đã có hệ miễn dịch kém hơn những bé khác.
Tuy nhiên, được các bác sĩ, nhân viên y tế động viên, theo dõi, tôi phần nào cũng đỡ áp lực hơn" – chị Cúc chia sẻ.
Còn tại trạm y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân chị Hồ Võ Kim Giàu (quê Long An) cho hay, những ngày gần đây nghe trường học, ti vi, thông tin tình hình dịch sởi, gia đình chị cũng chủ động tìm hiểu thông tin tiêm ngừa cho con.
Thông qua chủ nhà trọ, chị Giàu biết đến chương trình tiêm chủng tại trạm nên gấp rút đăng ký tiêm cho con.
“Lần đầu tiên con tôi tiêm là lúc 9 tháng, đến 18 tháng cần tiêm mũi thứ 2 thì con bị bệnh không thể tiêm được. Đến nay, con đã 2 tuổi mới được tiêm lại. Đến đây, được các nhân viên tư vấn, hỗ trợ tận tình, gia đình tôi cảm thấy rất an tâm" – chị Giàu chia sẻ.
Theo bác sĩ Hồ Đức Việt (trưởng Trạm Y tế phường Tân Tạo A), hôm nay trạm sẽ tiêm cho 30 bé mũi 1, tổng số trẻ tiêm cả hai mũi khoảng 200 bé. Trạm y tế tiếp nhận 10 lọ vaccine MR, mỗi lọ sẽ tiêm được cho 10 bé.
“Tại nơi tiếp nhận hồ sơ, nhân viên y tế kiểm tra lịch sử tiêm chủng của bé thông qua sổ tiêm và trên phần mềm tiêm chủng. Để đảm bảo trẻ trên 1 tuổi đều có ít nhất một mũi vaccine, đối với các bé không có lịch sử tiêm, hoặc phụ huynh không nhớ rõ có tiêm sởi hay chưa, trạm cũng chủ động tiêm cho trẻ nếu trong vòng 28 ngày qua, trẻ cho tiêm vaccine nào” – bác sĩ Việt cho hay.
Trong chiến dịch này, TP sử dụng vaccine MR (sởi - rubella), được mua từ ngân sách địa phương và Bộ Y tế với khoảng 300.000 liều.
Giai đoạn đầu tiêm kéo dài khoảng 1 tháng, sẽ tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao từ 6-16 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng.
Giai đoạn 2 sẽ tiêm bù cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.
Nguồn vaccine sởi sẽ được mua bổ sung theo nhu cầu thực tế.
Ngoài các điểm tiêm tại trạm y tế, bệnh viện, TP sẽ tổ chức hàng loạt điểm tiêm lưu động tại các trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ...