Gọi là "cơm treo bún treo" vì chủ quán sẽ treo các suất ăn miễn phí ở trước quán để mời khách, thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, hay những người lao động chân tay vất vả. Người bỏ tiền ra treo cơm, bún miễn phí thường là các thực khách, họ đến ăn và thanh toán luôn một hay nhiều suất ăn khác để quán gửi tặng cho người cần; hay đôi khi chính các chủ quán cũng sẽ bỏ tiền ra để treo cơm, bún cho người nghèo.
16 giờ, tại địa chỉ 117/1 đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP.HCM), anh Lê Thành Công (23 tuổi) - chủ quán "cơm treo" cùng các nhân viên tất bật và tỉ mỉ bắt tay vào việc, người xới cơm, người nướng thịt… để sẵn sàng cho ra lò những dĩa cơm tấm vừa bắt mắt vừa ngon lành.
Lát sau, một người đàn ông vào quán gọi cơm. Khi ăn xong, người này nói với chủ quán cho “treo” lại một dĩa cơm cho người đến sau, anh thanh toán rồi vội vã ra về. Anh Công liền làm ngay một suất cơm sườn nóng hổi, đem ra phía trước quán bỏ vào thùng giữ nhiệt, bên trên có tấm biển ghi dòng chữ: “Cơm treo” gửi tới cô chú khó khăn, mở lên nếu có hãy lấy một phần.
Anh Công chia sẻ một lần tình cờ anh đọc báo thấy mô hình “cà phê treo” ở Ý rất nhân văn, cộng thêm sở thích làm thiện nguyện nên anh làm theo. “Tôi nghỉ học từ năm lớp 9, về sau phải làm nhiều nghề để mưu sinh nên tôi thấu hiểu nỗi vất vả của những cô chú còn đang khó khăn trong cuộc sống. Tôi mới bàn với bạn bè cùng nhau mở quán cơm và thực hiện mô hình “cơm treo” này, đến nay quán tôi làm “cơm treo” cũng tròn 6 tháng” - anh Công nói.
Mỗi ngày, quán của anh Công treo khoảng 10-15 suất cơm. Mỗi phần “cơm treo” với giá 20.000 đồng gồm đầy đủ thức ăn, canh, được đựng trong hộp cẩn thận và mang ra đặt vào bên trong thùng giữ nhiệt trước quán.
“Tôi nghĩ giống như ngày hôm nay mình dư giả một chút, khách hàng cũng vậy, khi đi ăn mình chia sẻ lại cho những người đến sau một hay nhiều phần cơm. Tôi và bạn cùng bỏ ra một chút, tôi làm cầu nối chuyển những phần ăn ngon của bạn đến với nhiều người khó khăn, cùng nhau chia sẻ với cộng đồng” - anh Công giải thích.
Quán cơm mở cửa từ 16 giờ đến tận khuya, ban đầu nhiều người còn chưa biết đến mô hình “cơm treo” này. Để nhiều người cùng đồng hành, anh Công nghĩ ra ý tưởng thiết kế thêm những tấm biển nhỏ treo trong quán với thông điệp: “Đêm nay các em và cô chú khó khăn sẽ không sợ đói nữa vì đã có những phần “cơm treo” của bạn”.
Dần dần người này truyền tai người kia, số suất cơm được treo cũng tăng lên, người đến nhận “cơm treo” tại quán cũng vậy. Khách hàng thân thiết của quán cứ thế quay lại hết ngày này đến ngày khác và đa phần là các cô chú bán vé số, người lao động khó khăn, người khuyết tật...
Dù mới thực hiện mô hình như anh Công cách đây một tháng, bà Trần Thị Thúy Hồng (ở địa chỉ 1829 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TP.HCM) đã quen với việc phải dậy từ 3 giờ sáng để nấu nước lèo, khìa thịt, vô sẵn những bịch bún, bịch rau để bắt đầu một ngày trao đi những phần “bún treo” nghĩa tình.
Bà Hồng tâm sự trong một lần xem tivi, bà thấy mô hình “phở treo” ở Hà Nội, ban đầu bà nghĩ đó là tên quán nhưng coi kỹ lại mới biết việc này giúp được nhiều người khó khăn nên bà rất thích. Gia đình bà đã bán bún rất lâu rồi, thực khách của quán gồm người giàu, người nghèo có đủ. Nhìn thấy những người lao động vất vả, gian truân, phải tính cái ăn, cái mặc từng bữa nên bà và gia đình muốn làm gì đó để giúp đỡ họ, dù chỉ là một bữa ăn.
Mỗi ngày bà Hồng và con gái sẽ bỏ ra treo trước 10 tô bún, khi có khách ăn tại quán hay mạnh thường quân có lòng muốn treo thì bà nhận rồi cập nhật vào tấm biển đặt trước quán.
“Người ta tới lấy quen rồi, từ 6 giờ sáng, các cụ già neo đơn, anh bán vé số, chị nhặt ve chai… đã chờ để được nhận “bún treo” Có trường hợp đến muộn, dù hết các suất treo nhưng tôi vẫn làm cho họ. Khi con gái gọi về cho tôi báo có những người nào ủng hộ treo bún thì tôi lại cập nhật tiếp lên trên tấm biển, có khi cao điểm một ngày quán treo đến 89 tô” - bà Hồng kể.
Sáng sớm, khi quán “bún treo” của bà Hồng vừa mở cửa, bà Nguyễn Thị Tây (67 tuổi, ở quận 8) đã đi bộ từ nhà tới và chờ sẵn.
Bà Tây kể vợ chồng bà ở cùng con gái, chồng bà bị tai biến hơn 20 năm rồi nên việc đi lại khó khăn. Trước đây bà cũng đi làm việc nhà thuê cho người ta nhưng sau này bệnh nhiều nên họ không thuê nữa. Mỗi ngày bà thức dậy sớm nấu cháo trắng hoặc hấp lại cơm nguội còn từ hôm qua cho chồng ăn sáng, sau đó bà mới rời nhà đến quán “bún treo”.
Vào quán, bà Tây như đã quen thuộc, bà nhanh tay phụ bà Hồng soạn rau, soạn bún. Vừa làm, bà Tây không quên dành những lời khen về phần bún riêu treo luôn luôn nhiều thịt, ăn ngon, đủ chất.
Đẩy xe nước sâm đi bán từ 5 giờ sáng, đến khoảng 9 giờ mới về ngang tiệm “bún treo” của bà Hồng, bà Đào Thị Nga (62 tuổi) là khách hàng thân thiết của quán từ nửa tháng nay. Công việc bán nước sâm chỉ đủ để bà Nga lo hai bữa cơm trong nhà. Được tặng một phần bún để bà và con ăn trưa giúp bà tiết kiệm được 25.000 đồng, trang trải cho những ngày mưa không bán được ly nước sâm nào.
Trên đường bán vé số về ngang tiệm “bún treo” cũng đã hơn 12 giờ trưa, ông Nguyễn Kim Tiến (57 tuổi) gọi vọng vào quán: “Cô Hồng ơi, còn “bún treo” không cô?”. Ông Tiến là một trong những vị khách mà bà Hồng chờ mỗi ngày, dù đã là giờ nghỉ trưa.
“Mỗi ngày tôi đi bán vé số từ sáng, phải tranh thủ bán để mau hết nên về tới quán cô cũng hơn 12 giờ trưa nhưng cô dặn cứ về ngang thì vào ăn bất cứ giờ nào. Cả ngày tôi bán vé số lời được hơn 100.000 đồng, buổi sáng đa số phải nhịn ăn sáng, trưa ghé cô ăn tô “bún treo” rồi về nhà nghỉ chốc lát, sau đó đi bán tiếp. Trước đây chưa có “bún treo”, tôi về nhà ăn đỡ cơm nguội hay mì gói cho qua bữa, cố gắng dành dụm để đóng tiền nhà trọ, dư chút ít gửi về quê phụ ông bà lo cho con”- ông Tiến kể.
Gần 4 giờ chiều, chị Lê Thị Mến, chủ quán “bún treo” ở số 208 đường Hậu Giang (quận 6, TP.HCM), mời chị Nguyễn Thị Đèo vào ăn bún. Chị Đèo vẫn chưa dám ghé vào vì trên tay còn khoảng 50 tờ vé số. Bẵng đi khoảng 30 phút, người phụ nữ 44 tuổi ấy quay trở lại khoe với cô chủ quán: “Em bán hết rồi”.
Hơn 2 tháng nay, chị Mến đều đặn dành ra 50 tô “bún treo” mỗi ngày để mời những người bán vé số, bán hàng rong, thu mua ve chai…
Ngồi vào bàn ăn, chị Đèo thở phào nhẹ nhõm. “Mỗi ngày tôi bán được 600 tờ vé số nhưng tiền kiếm được phải chi nhiều khoản, nào là trả nợ, tiền mua sữa cho con nhỏ, tiền cho con lớn đi học, sinh hoạt gia đình… Nhiều khi thèm một tô bún, tô phở cũng không dám ăn. Lần đầu tiên được chị Mến mời vào ăn bún, tôi mừng lắm nhưng cũng rất ngại. Nhờ chị động viên và mời nhiệt tình, tôi mới dám ghé ăn tiếp. Đối với tôi, đây là bữa ăn thịnh soạn nhất” - chị Đèo chia sẻ.
“Ngoại ơi, ghé ăn bún miễn phí đi ngoại, trời sắp mưa, ghé ăn xong rồi đi làm tiếp nha ngoại” - giọng chị Mến mời gọi người phụ nữ bán hàng rong ghé quán. Bà lão sợ mình nghe lầm nên hỏi kỹ: “Ăn bún miễn phí hả con?”. “Dạ, con mời ngoại vào ăn ạ!” - chị Mến đáp.
Đối với bà Ngũ Cẩm Lành (60 tuổi), những bữa ăn như thế này không phù hợp với cuộc sống rong ruổi, phơi nắng dầm mưa mưu sinh của bà. Theo bà Lành, đồng tiền bà kiếm rất khó nên việc ghé vào quán ăn một tô bún 50.000-60.000 đồng là việc mà bà chưa từng dám nghĩ tới.
“Cuộc sống vất vả, những bữa ăn của tôi chỉ có bánh mì, xôi chứ hiếm khi được ăn ngon như thế này. Cô chủ lại rất dễ thương, cô nói tôi không phải ngại, khi nào tiện đường cứ ghé vào ăn. Tôi rất vui và biết ơn tấm lòng ấy” - bà Lành xúc động nói.
Bà Hồng, chủ quán “bún treo” ở quận 8, kể thực tế có bữa trên tấm biển ghi còn có 10 tô “bún treo” thôi nhưng có đến 15 hay 20 người đứng chờ, bà cũng phải làm nhưng vẫn nói với họ là có người treo. Có những lúc hết hàng mà vẫn còn người lấy “bún treo”, bà liền chạy ngay ra chợ để mua về làm cho khách.
“Mẹ bảo áy náy nhất là lúc mọi người tới mà chẳng còn tô nào treo, thôi thì cứ “ăn gian” làm thêm vài tô cho mọi người, mẹ con mình cùng cố gắng bỏ ra thêm chút nữa, nhìn mọi người được ăn no mình vui hơn nhiều, mình thiếu hụt tí cũng chẳng sao cả” - Trương Trần Như Ý, con gái bà Hồng, nhớ lại.
Anh Lê Thành Công, chủ quán “cơm treo” ở huyện Hóc Môn, cũng không tránh khỏi những lần phải hạ giá để nhiều người có thu nhập không cao vẫn tới treo được, hay tự bỏ ra thêm nhiều phần cơm để treo khi chưa có mạnh thường quân ủng hộ nhiều.
Anh Công kể thời gian đầu phần “cơm treo” anh chuẩn bị có giá 25.000 đồng, lúc đó có 2 sinh viên đến ăn và mua lại 1 phần treo để sẻ chia cho những người khó khăn đang cần. Tuy nhiên, mỗi bạn chỉ còn 10.000 đồng và nhờ anh làm phần cơm 20.000 đồng thôi. Thấy vậy, anh điều chỉnh giá “cơm treo” từ 25.000 đồng xuống còn 20.000 đồng cho đến nay. Theo anh Công, mặc dù phần cơm có giá 20.000 đồng nhưng chất lượng vẫn như phần 35.000 đồng mà bất kỳ khách nào ăn tại đây, quán sẽ phụ với khách treo để giúp đỡ các cô chú vất vả, khó khăn.
Anh Công cũng chia sẻ thêm có những ngày trời mưa dầm, quán cũng không có nhiều khách đến ăn cơm, các phần cơm được mạnh thường quân treo cũng đã hết. Tuy nhiên, cứ sau giờ quán mở cửa, nhiều cô chú là khách hàng quen thuộc nhận “cơm treo” lần lượt tới hỏi: “Hôm nay có “cơm treo” không chú?”. Anh Công chạy ra, nhanh miệng trả lời và bảo họ chờ một chút quán làm rồi sẽ mang ra ngay. Mang hộp cơm nóng hổi ra đưa tận tay người bán vé số, anh Công không quên nhắn họ: “Đây là “cơm treo” người khác gửi tặng cô chú, chúc cô chú ăn ngon miệng và mua may bán đắt”.
Vừa kinh doanh vừa bỏ ra hơn chục phần “cơm treo” mỗi ngày cho những người lao động nghèo, anh Công tự tin lỗ thì sẽ không lỗ nhưng nói lời thì chắc chắn sẽ không lời vì phần cơm có tiền nguyên vật liệu, chế biến, nhân viên… nhưng anh không tính toán vì đây là một nơi để các cô chú khó khăn được giúp và những người muốn giúp sẽ đến đây để góp sức, quán sẽ là cầu nối để mọi người cùng chia sẻ với nhau.
Cũng như bà Hồng, anh Công, chị Lê Thị Mến (chủ quán “bún treo” ở quận 6) tâm sự hằng ngày ngoài phần chị luôn dành ra 50 tô bún để tặng bà con nghèo, những ai có tấm lòng muốn treo lại quán những phần ăn yêu thương thì chị sẽ cộng vào và ghi tổng số lên tấm biển. Theo chị Mến, khi mới thực hiện mô hình “bún treo”, các cô chú lớn tuổi không hiểu từ “treo” có nghĩa là gì nên chị và nhân viên phải tích cực mời gọi thì mọi người mới dám vào ăn.
“Nhiều cô chú đi làm chỉ ăn bánh mì, bánh bao cho qua bữa. Có những người cả đời họ chưa bao giờ bước vô quán để ăn một tô phở, tô bún. Có nhiều người đến với quán, ăn xong một tô bún thôi nhưng rất cảm động. Thấy họ vui thì tôi thấy vui theo” - chị Mến chia sẻ.
Từ trước khi treo bún, vài cậu bé lang thang, vài cô bé bán vé số hay gọi bà Hồng là “má”, tại “má Hồng” hết cho ăn bún tới dúi vô tay hộp bánh bao, mà hỏi tới tiền thì bà lắc tay lia lịa.
Cho tới khi treo bún, số “người con” của bà tăng lên gấp bội. “Ngày nào mình cũng nghe rôm rả “má Hồng ơi” từ những gương mặt xa lạ. Nhiều khi mình ghen tị, tại mẹ của mình giờ sao thành mẹ của nhiều người thế!... Nhiều khi mình cứ sợ mẹ mệt, tại bán đông quá không có thời gian nghỉ ngơi" - Trương Trần Như Ý, con gái bà Hồng tâm sự.
Đối với bà Hồng, điều hạnh phúc nhất chỉ đơn giản như thế này: “Hổm nay tôi mắc gửi tiền về quê cho mẹ nên không treo được, để vài bữa bán vé số đắt, tôi tới tôi treo tiếp nghen cô!” - người đàn ông bán vé số nói với bà Hồng khi vừa đi ngang qua hàng “bún treo”. Người đàn ông này hôm trước ghé nhận “bún treo” rồi đề nghị bà Hồng cho ông treo tiếp 8 tô bún, còn khoe với bà là hôm nay bán đắt hàng nên ông muốn giúp những người khó khăn hơn mình.
Hay chuyện bé sinh viên đạp xe đạp cọc cạch, ăn tô bún xong hỏi nhỏ: “Cô ơi, con treo 1 tô, cô có nhận không? Con nhịn uống trà sữa bữa nay á”. Cả chú xe ôm công nghệ chạy qua ăn một tô xong cười khà khà, rồi treo thêm 4 tô để đãi mấy cô chú đến sau. Còn hai bạn trẻ tới ăn xong thì treo tiếp 8 tô bún và khoe: “Hôm nay là buổi hẹn hò đầu tiên của tụi con, tụi con muốn làm một điều gì thật ý nghĩa”. Có cô bán trái cây treo liền 10 tô bún do hôm nay đắt khách, xong còn gửi tặng bà Hồng mấy trái ổi ăn cho vui.
Bà Hồng kể có lần bà đi chợ, nhiều người chạy đến cảm ơn bà vì những phần “bún treo” nhưng bà đính chính ngay: “Dì ơi, không phải của con đâu, cái này của rất nhiều người đóng góp vô, con chỉ là người đứng nấu cho các cô thôi. Thế là họ mới hiểu ra và nhờ mình chuyển lời cảm ơn tới các mạnh thường quân” - bà Hồng phân trần.
Một lần nọ, đọc được những thông tin trên mạng về việc làm của anh Lê Thành Công, chủ quán “cơm treo” ở huyện Hóc Môn, ông Vinh (50 tuổi, quê Cà Mau) bắt xe khách từ quê lên đến quán của anh Công ngay trong đêm. “Tôi không ngờ một chàng trai còn nhỏ tuổi nhưng lại có suy nghĩ thiện, biết giúp đỡ những người còn đang khó khăn hơn mình. Tôi cảm động với tấm lòng của anh chủ quán và quyết tâm phải lên gặp cho bằng được anh để nhờ anh cho tôi đồng hành, treo 2 phần cơm mỗi ngày trong suốt một tháng” - ông Vinh nói.
Về sau có nhiều người liên hệ với anh Công để gửi vài triệu cho anh làm “cơm treo” tặng mọi người nhưng anh không nhận. Anh bảo mỗi phần “cơm treo” chỉ 20.000 đồng, hằng ngày anh gửi bà con 12-15 phần, khi mạnh thường quân gửi quá nhiều, anh sợ mình sẽ không đảm đương nổi.
“Làm mô hình này đôi khi cũng có những lời nói tiêu cực nhưng mình cũng suy nghĩ, giữa chục phần “cơm treo” cho các cô chú khó khăn với 1-2 ý kiến không hay thì mình vẫn chọn đứng về phía các cô chú. Tới bây giờ, có những ngày khách không gửi “cơm treo” thì quán vẫn tự động làm” - anh Công nhấn mạnh.
TP.HCM những ngày cuối tháng 9, trời mưa rả rích, dòng người vội vã trên đường để mong có thể trở về nhà thật nhanh bên gia đình. Thế nhưng ít ai biết rằng ở quán “cơm treo, bún treo”, bà Hồng, anh Công, chị Mến vẫn âm thầm chờ đợi những vị khách đặc biệt của mình đến nhận những suất ăn ngon.
Khi được hỏi sẽ thực hiện mô hình “cơm treo, bún treo” đến bao giờ, chúng tôi nhận về từ những chủ quán cùng chung một câu trả lời: Chỉ cần còn sức khỏe, còn quán ăn, còn có người cần đến những suất ăn nghĩa tình thì họ tiếp tục làm.