Có thể nói, Nghị quyết 98 chính là kết quả của sự tin tưởng, kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, cùng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, Chính quyền và người dân TP.HCM.
Với tinh thần áp dụng ngay và không chờ đợi, ngay khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua, TP.HCM đã trong tâm thế sẵn sàng. Thời gian qua, Thành ủy TP.HCM đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện phần việc được giao. UBND TP.HCM đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung cụ thể hoá Nghị quyết 98, tham mưu cho cấp có thẩm quyền.
Đến nay, qua khoảng năm tháng thực hiện, công tác cụ thể hoá Nghị quyết 98 ở cấp TP theo thẩm quyền HĐND, UBND TP đã cơ bản hoàn thành. Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã khẳng định TP.HCM triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất và cụ thể nhất Nghị quyết 98.
Đáng chú ý, qua bốn kỳ họp, HĐND TP đã thông qua 22/30 Nghị quyết cụ thể hoá Nghị quyết 98.
Trong đó, có thể kể đến Nghị quyết về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức viên chức điều chỉnh theo Nghị quyết 98 không vượt quá 0,8 lần so với tổng lương cơ bản, mở rộng đến một số đối tượng như các hội đặc thù, các cơ quan Trung ương, người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường - xã, thị trấn; đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…
Đến nay, TP Thủ Đức đã thành lập Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Thủ Đức; thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công và Thanh tra Xây dựng đầu tiên của cả nước.
Với cơ chế mới này, UBND TP Thủ Đức đã thực hiện sắp xếp, đổi tên các cơ quan chuyên môn. Từ đó, TP Thủ Đức có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhiều hơn sáu phòng so với quy định chung của UBND cấp huyện.
Cụ thể hoá Nghị quyết 98, TP.HCM cũng đã quyết định tăng một phó chủ tịch cho TP Thủ Đức, ba huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn và tăng thêm một phó chủ tịch cho 52 phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên.
Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện bổ sung phó chủ tịch, giúp giải toả những áp lực về bộ máy hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Mới đây nhất, TP.HCM đã công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Đây cũng là Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước, do Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP Phạm Khánh Phong Lan làm giám đốc sở.
Đồng thời, TP.HCM cũng đã quyết nghị các chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ đối với công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP. Quyết nghị mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM. Đây đều được xem là cơ chế đột phá nhằm thu hút, giữ chân người tài đóng góp cho TP.
Cũng tại kỳ họp cuối năm 2023, HĐND TP đã thông qua danh mục 41 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa…
Vận dụng tối đa cơ chế của Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TP.HCM còn lập các tổ công tác xây dựng đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; nghiên cứu mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) và tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 theo tinh thần Quyết định 49 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết 98 từng được Bí thư Thành uỷ TP.HCM ví von là “con tàu”. Với hàng loạt cơ chế, chính sách mà TP.HCM đã và đang từng bước cụ thể hoá, sẽ giúp “con tàu” Nghị quyết 98 chất đầy hàng, sẵn sàng tăng tốc trong năm 2024.
Trên tinh thần đó, dự kiến trong năm 2024, TP.HCM sẽ tập trung vận dụng tối đa Nghị quyết 98, chủ động đề xuất các cơ chế mới, linh hoạt linh hoạt nhưng phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn của TP.
Từ đó, giúp TP tăng tốc, bứt phá, tiếp tục tiến về phía trước “cùng cả nước, vì cả nước”.