Các chốt này dựng lên để các chiến sĩ bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Những người lính cùng đồng lòng với người dân quyết tâm ngăn chặn những trường hợp nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh lây lan qua đường biên giới.
Cứ khoảng chừng 2 km lại có một chốt kiểm soát được dựng lên. Những mái lán chỉ rộng chừng hai gian nhà nằm ven đường tuần tra nơi đồng không mông quạnh.
Cha: Hôm nay trên đó sức khỏe rồi tình hình biên sao rồi con.
Con: Sức khỏe con cũng tốt, tình hình biên giới ổn định.
Cha: Có thường xuyên đi tuần tra đêm không con.
Con: Dạ vẫn đi tuần liên tục. Cha ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Hoàn thành nhiệm vụ con sẽ về thăm cha.
Cha: “Chống dịch như chống giặc”, ráng nghe con, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao nha con. Con hãy an tâm, ở nhà cha mẹ tự chăm sóc cho mình được.
Đó là cuộc trò chuyện ngắn ngủi của Trung úy Huỳnh Nguyễn Thế Việt với cha trong lúc nghỉ chân khi đi tuần tra ban chiều.
Hơn một năm kể từ ngày nhận công tác lên khu vực biên giới của tỉnh Long An thực hiện nhiệm vụ, đến nay Việt chưa đi công tác ngoài tỉnh lần nào, đây là lần đầu với chuyến công tác dài ngày đầy mới mẻ và cũng không kém phần áp lực.
Cất điện thoại vào túi, Việt quay sang tiếp chuyện với chúng tôi: “Khi nhận điện công tác mình có chút bất ngờ vì đang trong kỳ nghỉ phép 20 ngày, mình mới nghỉ được một nửa. Lúc ấy mình đang tổ chức sinh nhật cho người yêu thì nhận được điện từ đồn trưởng. Bạn gái nghe xong buồn lắm nhưng yêu lính là xác định hy sinh và cảm thông thôi. Ngay trong đêm mình gói ghém tư trang, rời nhà lên đơn vị nhận quyết định đi tăng cường chống dịch”.
Xa nhà, nhớ quê hương, trên đường công tác nhận nhiệm vụ mới nhưng Việt vẫn ấm lòng với lời động viên của người yêu nơi quê nhà “mong anh yên tâm công tác, khi mọi việc yên, anh trở về mình cùng tính chuyện hai đứa”.
“Mình muốn nhắn nhũ đến ông bà, hiện tại ông bà sức khỏe không được tốt nên cố gắng giữ gìn sức khỏe, tiếp theo là đến cha mẹ và gia đình bạn gái thật nhiều sức khỏe. Mọi người hãy yên tâm, con ở đây cùng các anh em khác sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo sức khỏe. Đến khi hết dịch con sẽ được ban chỉ huy cũng như bộ chỉ huy tạo điều kiện để về thăm gia đình” - Việt cười mỉm nhờ chúng tôi gửi lời nhắn nhủ đến người thân ở hậu phương.
Theo kế hoạch, tháng 6 tới đây Chiến sẽ được nghỉ 35 ngày phép nhưng nếu dịch bệnh kéo dài thì Chiến quyết tâm bám trụ cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ nơi biên giới.
Buổi chiều tà nơi biên giới, Chiến ngồi tâm sự với chúng tôi, Chiến nói: “Mình đã xác định nhiệm vụ làm bộ đội biên phòng thì “đồn là nhà, biên giới là quê hương” nên ở đâu cũng là nhà, là quê hương của mình cả. Bất cứ lúc nào mình cũng trên tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đồng đội, nhân dân trên địa bàn bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh”.
Để gia đình không sốt ruột, mỗi lần ba mẹ nhắc chuyện lịch nghỉ phép, Chiến đều động viên ba mẹ an tâm và chủ động bảo vệ sức khỏe. Khi nào dịch bệnh được đẩy lùi, Chiến sẽ về thăm quê hương.
Những ngày bình thường, người dân hai nước Việt Nam - Campuchia thường xuyên qua lại giao thương buôn bán hàng hóa. Nhưng khi thực hiện việc phòng, chống dịch COVID-19 nên cấm xuất nhập cảnh thì việc giao thương bị tạm ngưng.
Đại úy Phan Thanh Đàm, Phó đội trưởng phòng, chống ma túy và tội phạm kiêm chốt trưởng chốt số 2 (Đồn Biên phòng Bến Phố), cho biết ngày 29 và 30-3, quá trình đi tuần tra, các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã phát hiện 10 người đàn ông vượt biên từ Campuchia về Việt Nam bằng cách bơi qua sông Cải Cỏ (thuộc địa phận xã Khánh Hưng - Đồn Biên phòng Bến Phố và Đồn Sông Trăng quản lý).
Ngay sau khi phát hiện, các chiến sĩ yêu cầu nhóm người lạ lên bờ, thông báo với Đồn Biên phòng Sông Trăng cùng phối hợp kiểm tra, lập biên bản, tuyên truyền thông tin về dịch bệnh, sau đó báo cáo Sở Y tế huyện Vĩnh Hưng đưa những đối tượng này đi cách ly.
“Đúng ra họ phải bị xử phạt hành chính vì nhập cảnh trái phép nhưng vì thấy họ đều là người Việt Nam qua Campuchia đốt lò thuê kiếm kế sinh nhai, nghèo khổ lắm, làm gì có tiền. Hơn nữa họ về Việt Nam vì thấy không an toàn khi chống dịch bên nước bạn. Khi vừa bơi vào bờ tất cả không bỏ chạy mà tự nguyện đi cách ly, nên không xử phạt” - Đại úy Đàm chia sẻ.