Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hoàn thành khối công việc khổng lồ trong năm 2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hoàn thành khối công việc khổng lồ trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023 ghi dấu ấn trong lịch sử 78 năm của Quốc hội (QH), với 5 kỳ họp được tổ chức, gồm hai kỳ họp thường kỳ và ba kỳ họp bất thường. Cũng trong năm này, nhiều quyết sách quan trọng về cả những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài được QH quyết định rất kịp thời…

Trước thềm năm mới 2024, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã có cuộc trò chuyện với báo chí, nhìn lại một năm đã qua với những điều vô cùng đặc biệt này.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-3.png

. Phóng viên: Thưa Chủ tịch QH, nếu lựa chọn sự kiện lớn nhất của QH năm qua, ông sẽ bỏ phiếu cho sự kiện nào?

+ Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Có thể nói, năm 2023 là một năm QH có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu khóa XV tới nay. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, QH mỗi năm có hai kỳ họp thường kỳ nhưng riêng năm 2023 có năm kỳ họp, gồm hai kỳ họp thường kỳ và ba kỳ họp bất thường.

Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH mỗi tháng họp một phiên thường kỳ nhưng cũng có rất nhiều phiên họp bổ sung. Năm 2023 nay có gần 20 Phiên họp UBTVQH, chưa kể tới rất nhiều hội nghị chuyên đề toàn quốc do UBTVQH chủ trì hoặc phối hợp tổ chức…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quốc hội hành động vì lợi ích của Nhân dân

Nhiều người hỏi vì sao ngày lễ Tết, QH vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Khối lượng công việc như vậy, trong khi nhân lực chỉ có thế thì phải cố gắng gấp đôi, gấp ba, nếu không làm, sao đáp ứng được.

Bản thân anh em chúng tôi không muốn vất vả như thế, cũng không muốn đại biểu QH, cán bộ nhân viên Văn phòng QH vất vả như thế nhưng vì yêu cầu của cuộc sống, của cử tri nên chúng ta phải thực hiện.

Rất mừng là các cơ quan của QH, cán bộ, chuyên viên của Văn phòng QH đều thấu hiểu, ủng hộ UBTVQH. Tôi nhớ trong phát biểu khai mạc của một kỳ họp QH, tôi từng nói “biến công việc bất thường thành công việc bình thường, thường xuyên của QH”, thì bây giờ, việc ấy hoàn toàn thành sự thật.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-4.png

. Điểm lại hoạt động lập pháp năm 2023, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?

+ Trong công tác lập pháp, có những việc có thể nói là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”.

Trước khi họp Kỳ 6 một tháng, Chính phủ và UBTVQH thống nhất đưa hai dự thảo nghị quyết vào chương trình. Một là dự thảo nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hai là nghị quyết về cho phép áp dụng thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Sau khi họp, UBTVQH đã kết luận đồng ý trình QH dự thảo nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.

Nghị quyết còn lại UBTVQH họp hai lần cũng chưa thông qua được để trình QH. Vì vậy, tại phiên họp trù bị của Kỳ họp thứ 6, sau khi thống nhất với Chính phủ, UBTVQH đã kiến nghị QH cho rút nghị quyết này.

4-Ky-hop-6-be-mac.jpeg

Sau đó các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến UBTVQH, Chủ tịch QH, đề nghị không thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu một cách riêng lẻ. Cuối cùng, UBTVQH thống nhất với Chính phủ, báo cáo QH cho phép rút cả hai nghị quyết này.

Tuy nhiên, khi đang diễn ra Kỳ họp thứ 6, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi, kiến nghị thông qua trước nghị quyết về thuế thu nhập toàn cầu có hiệu lực pháp lý từ ngày 1-1-2024. Việc này nhằm tránh xảy ra tranh chấp pháp lý với các nước về nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại nước mẹ.

Trước tình thế này, sau khi tính toán kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống, chúng tôi đã tìm ra phương án tốt nhất có thể. Tôi gợi ý trình nội dung về thí điểm chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao theo hướng đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp, bằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và nếu chi từ Quỹ ra sẽ dễ dàng hơn thay vì chi bằng dự toán ngân sách. Với chính sách này sẽ giúp chúng ta năm tới thu thêm được khoảng gần 15.000 tỉ đồng

Đề xuất này được tất cả các cơ quan đồng ý. Sau khi các bên thống nhất, báo cáo với Thủ tướng, nửa đêm Thủ tướng còn gọi điện cho tôi nói rất phấn khởi.

2-dai-bieu.jpeg

Sau đó, Chính phủ và UBTVQH thống nhất lại xin QH đưa nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu trở lại chương trình.

QH cũng đồng ý chủ trương cho lập Quỹ hỗ trợ đầu tư chính từ nguồn thuế này và các nguồn lực khác. Đồng thời, giao Chính phủ xây dựng nghị định và UBTVQH cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.

Việc này cũng được dư luận đánh giá rất tốt. Nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho tôi hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và QH. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài và kêu gọi các tập đoàn khác vào mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước của chúng ta cũng được hưởng lợi từ Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức nhưng có lẽ không có nhiều nước làm được như vậy, bởi việc lập dự toán ngân sách hàng năm, chi tiền hỗ trợ cho các tập đoàn để thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ trên thế giới.

Có thể nói, đây là ví dụ điển hình của “kéo pháo vào, kéo pháo ra” trong xây dựng pháp luật, để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và yêu cầu kiến tạo phát triển.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-5.png

.Trong hoạt động lập pháp, nhiều người chú ý tới việc QH quyết định chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp 6. Xin ông chia sẻ một chút thông tin “hậu trường” của quyết định này?

+ Việc dừng lại chưa thông qua hai dự án Luật này có thể nói cũng là một sự kiện, giống như tại Kỳ họp 4, QH chưa thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Trước tiên, phải khẳng định là chúng ta không chạy theo số lượng, dù cấp bách nhưng yêu cầu chất lượng là quan trọng nhất, không hấp tấp, không vội vàng.

Luật Đất đai, tầm trọng quan trọng có thể chỉ đứng sau Hiến pháp, bởi đây là đạo luật tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và người dân. Không phải tự nhiên mà có tới 12 triệu lượt ý kiến góp ý cho Luật này. Biết bao vấn đề lớn, đại sự, phải làm kỹ lưỡng đến nỗi Ủy ban Kinh tế nói có hôm cả buổi tối chỉ ngồi rà soát được một điều trong số hơn 260 điều.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-11.png

Còn Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) giống như một bộ luật của ngân hàng thương mại. Vấn đề quan trọng nhất của dự án luật này là cách tiếp cận, phương pháp tiếp cận của các bên lúc đầu còn nhiều khác biệt…

Trực tiếp UBTVQH cũng như cá nhân tôi rất nhiều lần ngồi với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Chính phủ cũng mất rất nhiều thời gian cho chuyện này, Phó Thủ tướng cũng vậy. Cả quá trình dài như thế, cơ bản các quan điểm đã gặp được nhau, các vấn đề lớn đã thống nhất, chủ yếu còn lại là kỹ thuật biên tập, kỹ thuật lập pháp. Do đó, UBTVQH đã quyết tâm cùng Chính phủ trình QH xem xét quyết định tại Kỳ họp bất thường đầu năm 2024.

Thực tế, cũng có tư tưởng tuy không “ngại khổ, ngại khó” nhưng vì muốn chắc chắn nên đề nghị để Luật Đất đai và Luật Tổ chức tín dụng đến kỳ họp tháng 5-2024 mới xem xét thông qua. Tuy nhiên để lâu như vậy, chúng ta sẽ làm lỡ mất cơ hội phát triển của đất nước. Tình huống hiện cũng giống Luật khám bệnh, chữa bệnh khi trước, thời gian bây giờ chính là “lực lượng”, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”. Anh để một năm nhưng làm đủng đỉnh chưa chắc đã xong, ngược lại chỉ cần một tháng mà quyết tâm thì vẫn có thể làm tốt.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-6.png

. Thời gian qua, nhiều ý kiến, trong đó cả các đại biểu QH cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến cán bộ trì trệ, không dám làm do văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn… Nếu nhận định này là đúng thì việc này có phần trách nhiệm của cơ quan lập pháp là QH?

+ Câu chuyện một bộ phận cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không đến nơi đến chốn, bất cứ cái gì cũng đổ cho chính sách pháp luật, nghị định, thông tư hướng dẫn… là có thật. Nhưng mức độ đến đâu và như thế nào thì phải xác định cho tường minh.

Tại Kỳ họp thứ 5, QH đã yêu cầu phải tổng rà soát hệ thống pháp luật. Chính phủ đã lập một tổ công tác, Thường vụ QH cũng lập một tổ. Hai bên cùng làm, rà soát đồng thời, sau đó “khớp” lại với nhau. Tôi nhớ tổng số văn bản rà soát ở tất cả các lĩnh vực khoảng hơn 600, gồm cả luật, nghị định, thông tư.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-15.png

Kết quả đã trình ở Kỳ họp thứ 6 vừa rồi. Kết luận của cả hai tổ công tác hoàn toàn khớp với nhận định của Nghị quyết Đại hội XIII, hoàn toàn khớp với Nghị quyết 27 về xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó có hệ thống pháp luật.

Cụ thể, kết luận đã khẳng định hệ thống pháp luật của chúng ta đến nay cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tuân thủ Hiến pháp và các quy định, các cam kết quốc tế cũng như điều ước quốc tế; đầy đủ đồng bộ, thống nhất, minh bạch.

Kết luận này rất quan trọng, cho thấy chưa có một sự cần thiết nào đến mức phải xây dựng một luật để sửa nhiều luật.

Mặt khác, những vướng mắc chủ yếu trong hệ thống pháp luật đều đã được nhận diện và khắc phục trong các dự án luật được QH thông qua như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) và nhiều dự án luật đã thông qua hoặc đã có trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, 2025.

Vấn đề còn lại là nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.

Chúng ta rất dày công trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, vừa xây dựng ban hành hệ thống pháp luật mới, vừa sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cũ. Đương nhiên, chúng ta là nước đang phát triển, thực tiễn bao giờ cũng đi trước, nhu cầu luôn phải sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để đáp ứng thực tiễn là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, không có chuyện chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở đến mức làm cho cán bộ không làm được. Vấn đề vẫn chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Trong năm tới đây, nghị quyết của QH là tổng rà soát về hành chính, thủ tục hành chính. Bởi bây giờ cứ nói rằng đẻ ra giấy phép con nhưng có thật thế không, mức độ thế nào?

. Xin cảm ơn ông!

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-7.png
chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-box.png

Đọc thêm