10 điểm check-in thú vị nhất TP.HCM nằm trong danh sách 100 điều thú vị ở TP.HCM do Sở du lịch TP.HCM công bố vào đầu tháng 12-2023 (dựa trên hơn 104.000 lượt bình chọn đối với 10 hạng mục) bao gồm: Cầu Ánh Sao, Cầu Ba Son, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Làng nhang Lê Minh Xuân, Trụ sở UBND TP.HCM, Ga tàu thủy Bến Bạch Đằng, Công viên Bến Bạch Đằng, Chùa Ngọc Hoàng, Cột cờ Thủ Ngữ, Hẻm Hào Sĩ Phường. Đây là những địa điểm du khách nên trải nghiệm trong dịp Tết Dương lịch 2024.
Cầu Ánh Sao là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở quận 7, TP.HCM. Cây cầu được khánh thành vào năm 2009, với chiều dài 170m và rộng 8,3m. Cầu được xây dựng trên kênh Thầy Tiêu, nối liền khu Kênh Đào và khu Hồ Bán Nguyệt của khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Cầu Ánh Sao có thiết kế hiện đại và sang trọng, với hai bên thành cầu được lắp đặt hệ thống đèn led bảy màu. Ban ngày, cầu Ánh Sao mang vẻ đẹp thanh thoát và duyên dáng. Ban đêm, cầu được thắp sáng rực rỡ, tạo nên một khung cảnh lung linh và lãng mạn
Cầu Ánh Sao là một địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh, dạo chơi và chụp ảnh. Đến với cầu Ánh Sao, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, với những tòa nhà cao tầng, những khu vườn xanh mát và dòng kênh uốn lượn.
Cầu Ba Son là cây cầu dây văng bắc qua sông Sài Gòn, kết nối giữa Quận 1 và TP Thủ Đức. Cầu được khởi công xây dựng vào năm 2015 và khánh thành vào ngày 30-4-2022.
Cầu Ba Son có chiều dài 1.465m, trong đó phần cầu dài 885,7m. Nhịp chính có thiết kế dây văng bất đối xứng, trụ tháp hình vòm cao 113m, nghiêng về phía Thành phố Thủ Đức, bề mặt được đỡ bằng 56 bó cáp dây văng. Cầu có quy mô 6 làn xe, trong đó có 4 làn ôtô và 2 làn xe hỗn hợp.
Cầu Ba Son được thiết kế với kiến trúc hiện đại. Cầu được lấy tên theo xưởng đóng tàu Ba Son, một địa danh lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của TP.HCM.
Cầu Ba Son được coi là biểu tượng mới của TP.HCM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Cầu giúp kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, du lịch.
Tuy nhiên, du khách không nên dừng xe trên cầu để chụp hình vì sẽ ảnh hưởng giao thông và có thể bị phạt hành chính 80.000 - 100.000 đồng với xe đạp; 400.000 - 600.000 đồng với xe máy. Du khách có thể check-in với cầu Ba Son bằng Waterbus tại Công viên Bến Bạch Đằng.
Trụ sở UBND TP.HCM mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Được xây dựng bởi kiến trúc sư Femand Gardès trong 20 năm, bắt đầu từ năm 1889, hoàn thành năm 1909. Tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 18.000m2 với ba mặt tiền trên các đường: Lê Thánh Tôn, Pasteur và Đồng Khởi.
Trụ sở UBND TP.HCM là một công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố. Đây là nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước cấp thành phố, đồng thời là một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Năm 2020, tòa nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Trụ sở UBND TP.HCM mở cửa đón khách tham quan miễn phí vào ngày cuối tuần, tuần cuối của tháng. Để tham quan, du khách cần đăng ký trước qua cổng đăng ký trực tuyến.
Khi tham quan, du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử, kiến trúc và văn hóa của công trình. Du khách cũng có thể tham quan các phòng họp, phòng tiếp khách quốc tế.
Cột cờ Thủ Ngữ là một trong những di tích lịch sử cấp thành phố của TP.HCM. Nằm tại trung tâm thành phố, bên cạnh Bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ đã trở thành một địa điểm tham quan, check-in mới của giới trẻ TP.HCM.
Cột cờ Thủ Ngữ được người Pháp xây dựng vào năm tháng 10-1865 có chiều cao khoảng 35m.
Cột cờ Thủ Ngữ từng là một địa điểm quan trọng trong lịch sử của TP.HCM. Cột cờ được dùng làm tín hiệu cho tàu bè ra vào khu vực Gia Định - Sài Gòn xưa. Cột cờ cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Năm 2021, khuôn viên quanh cột cờ Thủ Ngữ với diện tích hơn 3.000 m2 được trồng cỏ, lát đá tạo hoa sen cách điệu.
Cột cờ Thủ Ngữ là một địa điểm check-in lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh. Với khung cảnh sông Sài Gòn thơ mộng, cột cờ Thủ Ngữ sẽ mang đến cho bạn những bức ảnh thật đẹp.
Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Điện Ngọc Hoàng (Phước Hải Tự), là một ngôi chùa cổ kính và linh thiêng tọa lạc tại số 73, đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP.HCM được xây dựng từ năm 1892 đến năm 1900. Đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở TP.HCM, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi năm.
Chùa Ngọc Hoàng có diện tích khoảng 2.000 m2, mở cửa đón khách tham quan từ 7h đến 17h hàng ngày.
Ga tàu thủy Bạch Đằng là một trong những ga tàu thủy lớn nhất và hiện đại nhất ở TP.HCM. Ga tọa lạc tại số 10B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1. Đây cũng là ga trung tâm của tuyến tàu thủy du lịch Sài Gòn WaterBus. Từ bến này, du khách có thể mua vé buýt sông, du ngoạn ngắm cảnh dọc bờ sông Sài Gòn với giá vé 15.000 đồng/ lượt.
Du khách đến đây có thể ngồi uống cà phê hoặc đi tàu để ngắm cảnh sông Sài Gòn. Thời điểm thích hợp để tận hưởng vẻ đẹp của bờ sông Sài Gòn tại bến Bạch Đằng là từ 16h đến tối.
Công viên bến Bạch Đằng là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng ở TP.HCM. Nơi đây không chỉ là một không gian xanh mát, thoáng đãng mà còn là địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh sông Sài Gòn và tham gia các hoạt động giải trí hấp dẫn.
Công viên bến Bạch Đằng nằm ở đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1. Công viên có chiều dài 1,3km, rộng 23.400m2. Tháng 1-2022, công viên bến Bạch Đằng mở cửa cho người dân tham quan sau 6 tháng thi công.
Công viên bến Bạch Đằng nằm ngay bờ sông Sài Gòn, vì vậy du khách có thể thoải mái ngắm cảnh sông nước thơ mộng. Từ công viên, du khách có thể nhìn thấy cầu Khánh Hội, cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công viên gồm hệ thống lối đi dạo, sân cỏ, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, tưới nước tự động.
Hồ Con Rùa là một địa điểm tham quan nổi tiếng ở TP.HCM. Nơi đây được mệnh danh là “trái tim xanh” của thành phố, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
Hồ Con Rùa nằm ở nút giao giữa ba con đường: Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân (quận 3, TP.HCM). Nguyên thủy vị trí Hồ Con Rùa vào năm 1790 là cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy) được xây theo lệnh vua Gia Long. Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), vua Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái và xây một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng (thành Gia Định).
Hiện nay, xung quanh Hồ Con Rùa có nhiều nhà hàng, quán cà phê. Đầu năm 2023, khu vực Hồ Con Rùa trở thành phố đi bộ vào hai ngày cuối tuần, mỗi tháng sẽ có một chủ đề gắn với quá trình phát triển của thành phố.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một trong những địa điểm vui chơi nổi tiếng nhất của TP.HCM. Tọa lạc tại trung tâm quận 1, con phố này dài 670m, rộng 64m, được lát đá granite hiện đại và sạch sẽ. Dọc theo con phố là những hàng cây xanh mát, 2 đài phun nước lớn, phía bên dưới là hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng và nhà vệ sinh hiện đại.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ được khánh thành vào dịp lễ 30-4-2015 và nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của người dân thành phố cũng như du khách. Mỗi ngày, phố đi bộ đón hàng chục nghìn lượt người đến tham quan, vui chơi, mua sắm và thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm gần các địa điểm tham quan nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố,... Nơi đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn của thành phố.
Làng nhang Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất khu vực Nam bộ. Nghề làm nhang ở đây đã có lịch sử gần 100 năm, gắn liền với đời sống tâm linh của người dân địa phương.
Vào dịp cuối năm, làng nhang Lê Minh Xuân lại khoác lên mình "bộ áo" rực rỡ sắc màu với những bó nhang đỏ, vàng được phơi dọc hai bên đường. Đây là thời điểm làng nghề thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề làm nhang truyền thống.
Địa điểm check-in thú vị nhất TP.HCM còn lại là Hẻm Hào Sĩ Phường. Hẻm nằm ở số 206 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5. Hẻm với hai bên là những ngôi nhà cổ kính, mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Nơi đây được mệnh danh là "con hẻm đẹp nhất Sài Gòn" và là một địa điểm thu hút đông đảo du khách.
Hơn 100 năm tồn tại giữa lòng thành phố, hẻm Hào Sĩ Phường vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo mang vẻ cổ kính.
Nhà có thiết kế theo dạng chung cư, gồm nhiều căn nhỏ được bố trí 2 tầng có các cầu thang để kết nối.
Năm 2020, người dân Hào Sĩ Phường đã treo biển cấm chụp ảnh, quay phim. Nguyên nhân là do một số du khách đã có những hành vi thiếu văn minh, gây mất vệ sinh, ồn ào, thậm chí là xâm phạm đời sống riêng tư của người dân. Hiện tấm bảng đã được dỡ bỏ.
Khi đến tham quan nơi này, du khách hãy tôn trọng không gian riêng tư của người dân, không tự ý bước vào nhà, chụp ảnh, quay phim trong nhà của người dân.
Cánh đồng hoa hướng dương
(Tại Công viên bờ sông Sài Gòn)
Ngoài 10 địa điểm được Sở Du lịch TP.HCM công bố, dịp Tết Dương lịch 2024, Công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng là một địa điểm mới mà du khách không nên bỏ lỡ.
Hơn 15.000 bông hoa hướng dương đang đua nhau khoe sắc tại đây, tạo cho bờ sông Sài Gòn thêm rực rỡ.
Cánh đồng hoa hướng dương sẽ mở cửa đón khách trong dịp Tết Dương lịch 2024 (đợt 1) và Tết Nguyên Đán 2024 (đợt 2). Đây là thời điểm lý tưởng để du khách đến tham quan cánh đồng hoa hướng dương và tận hưởng không khí Tết.