‘Lá cờ thêu 6 chữ vàng’ có Vũ Luân, Lệ Trinh tham gia muốn lan toả dân ca Nam Bộ

(PLO)- Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, vở nhạc kịch Lá cờ thêu 6 chữ vàng, ngoài thông điệp đoàn kết, yêu nước của cha ông còn là nhiệm vụ gìn giữ văn hoá dân tộc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần 1 năm 2024 diễn ra tại Hải Phòng đã chính thức khai mạc vào tối 13-5.

Kỳ liên hoan có 17 vở tham gia tranh tài gồm kịch nói, rối, xiếc, ca kịch… Sân khấu Sen Việt là đại diện duy nhất tại khu vực phía Nam tham gia với vở nhạc kịch Lá cờ thêu 6 chữ vàng (tác giả Nguyên Phương; đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) và sẽ thi vào tối 18-5.

Trước đó, vở nhạc kịch cũng đã được sân khấu Sen Việt trình làng khán giả và giới chuyên môn tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM).

Lá cờ thêu 6 chữ vàng
Lá cờ thêu 6 chữ vàng nói về vị thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản. Ảnh: VĂN HÀ

Vị thiếu niên anh hùng của dân tộc Việt

Lá cờ thêu 6 chữ vàng là trang sử quen thuộc đối với nhiều thế hệ học sinh nói về chàng thiếu niên Trần Quốc Toản, đã được nhiều sân khấu dàn dựng với các thể loại như kịch nói, chèo tuồng, cải lương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Lá cờ thêu 6 chữ vàng được dàn dựng thành một vở nhạc kịch.

Vở nhạc kịch này lấy bối cảnh giặc Nguyên Mông lăm le xâm chiếm Đại Việt lần nữa, trước vận nước đang nguy, vua Trần Nhân Tông đã phải mở hội nghị Bình Than lấy ý kiến bô lão, quân thần là nên đánh hay cầu hoà.

la-co-theu-6-chu-vang.JPG
Vua Trần Nhân Tông cùng các quân thần bàn luận về chính sự

Lúc này Trần Quốc Toản 16 tuổi vừa mới được vua phong tước Hoài Văn hầu cũng muốn được vào tham dự. Thế nhưng, vì tuổi còn nhỏ, vua Trần Nhân Tông đã không cho Trần Quốc Toản vào dự bàn.

la-co-theu-6-chu-vang2.JPG
Dù vậy, vua vẫn tặng cho Trần Quốc Toản phần cam như bao quân thần, bô lão khác. Tức giận vì bị xem thường, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam trong tay tự lúc nào.

Sau đó, Trần Quốc Toản về nhà huy động hơn nghìn gia nô, người nhà ngày đêm tập luyện, sắm vũ khí và viết 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”.

Lá cờ thêu 6 chữ vàng hình ảnh đại diện cho tinh thần đoàn kết mạnh mẽ và qua đây, khán giả một lần nữa cũng thấy được lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông khi vận nước lâm nguy, kẻ thù lăm le xâm chiếm lãnh thổ.

la-co-theu-6-chu-vang3.JPG
Trong vở nhạc kịch, hình ảnh thiếu niên Trần Quốc Toản do nữ nghệ sĩ Lệ Trinh đảm nhận.

Khi đảm nhận vai Trần Quốc Toản, tôi áp lực vì không chỉ về tính cách, cảm xúc mà còn về thể lực của nữ cũng khác với nam nên tôi rèn luyện rất nhiều, cố gắng làm sao cho động tác mạnh mẽ, dứt khoát hơn.

Tôi cảm thấy thú vị vì đây là một thiếu niên yêu nước cho nên tôi nghĩ nếu có chung lòng yêu nước thì tôi sẽ cố gắng học thêm các điệu bộ của nam để mình thể hiện tốt vai này.

Nghệ sĩ Lệ Trinh (vai Trần Quốc Toản)

Việc Lệ Trinh đóng vai Trần Quốc Toản khiến cho không ít khán giả thắc mắc bởi Trần Quốc Toản vốn là nam.

Nói với PLO về vấn đề này, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết với vai diễn Trần Quốc Toản từ trước đến nay rất ít diễn viên nam được chọn vì sự trẻ trung, yếu tố của một đứa trẻ 16 tuổi phù hợp với người nữ.

"Nhưng để chọn được một người nữ vào vai này cũng rất khó, bởi vở nhạc kịch đòi hỏi các yếu tố ca múa diễn và nói, cũng như trường lực gánh vở diễn từ đầu đến cuối. Trong số các diễn viên hội tụ đủ yêu cầu hoàn thành vai diễn thì Lệ Trinh là diễn viên tốt nhất.

Tôi không nghĩ nữ hay nam sẽ phù hợp với vai diễn này mà điều quan trọng là diễn viên đó có thể hoá thân trọn vẹn hay không, có thể làm tốt truyền đạt cảm xúc, tinh thần yêu nước đến người xem hay không?" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho hay.

la-co-theu-6-chu-vang4.JPG

Ngoài ra vở còn đánh dấu sự trở lại với vở diễn thiếu nhi của NSƯT Vũ Luân (vai Trần Phương), nghệ sĩ Lê Trung Thảo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), Hoàng Tùng (vua Trần Nhân Tông), Võ Ngọc Quyền (mẹ của Trần Quốc Toản), Thanh Khang (Trần Ích Tắc), Du Bảo (Trần Lượng)…

Trích đoạn gây xúc động trong "Lá cờ thêu 6 chữ vàng". Video: VĂN HÀ

Mong muốn lan toả làn điệu dân ca miền Nam

Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, vở nhạc kịch Lá cờ thêu 6 chữ vàng ngoài thông điệp bài học lịch sử là tinh thần đoàn kết, yêu nước của cha ông còn là nhiệm vụ gìn giữ văn hoá dân tộc.

la-co-theu-6-chu-vang8.JPG

"Tôi muốn truyền đến những người trẻ - khán giả của thế hệ hôm nay, đặc biệt là khán giả miền Nam để họ yêu âm nhạc dân tộc hơn, yêu những điệu lý, những bài dân ca Nam Bộ để làm sao thông qua đó tuổi thơ của họ vừa có ký ức đẹp, vừa thêm yêu nghệ thuật dân tộc đặc trưng của đất nước mình.

Vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao phối hiện đại những bài nhạc dân tộc nhưng phải thật hay để khán giả cảm thấy xúc động và có thể hát theo. Do đó, những bài lý dân ca Nam Bộ lần này sẽ được chúng tôi khai thác triệt để" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ.

la-co-theu-6-chu-vang9.JPG
Được biết, vở nhạc kịch Lá cờ thêu 6 chữ vàng sẽ được sân khấu Sen Việt đem đi tham dự Liên hoan Sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng lần 1 năm 2024 tại Hải Phòng từ ngày 13 đến 20-5.

Chia sẻ thêm với PLO, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng cho rằng bản thân không quá lo lắng khi tham gia kỳ liên hoan tại Hải Phòng.

"Tôi cứ làm hết sức mình, đem tinh thần con người, âm nhạc Nam Bộ đến với cuộc thi, vì mục đích chính của tôi là đưa vở diễn đến Hải Phòng để phục vụ cho học sinh sinh viên, kể cả khán giả lớn tuổi ở đây" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói thêm.

la-co-theu-6-chu-vang5.jpg
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt (bìa phải) cùng các diễn viên.
lien-hoan-sân-khau.jpg
Lịch biểu diễn của các đơn vị tham gia Liên hoan

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần 1 năm 2024 kéo dài từ 13 đến 20-5-2024.

Theo dự kiến, vở nhạc kịch Lá cờ thêu 6 chữ vàng có 30 suất diễn sau khi kết thúc tranh tài tại Hải Phòng. Vở sẽ được diễn chủ yếu tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bến Tre, Đồng Tháp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm