Ngày 18-5, TAND TP.HCM đã đưa vụ án Đỗ Minh Tâm bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xử phúc thẩm lần hai. Tòa tuyên hủy án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xác định lại thời điểm tội phạm hoàn thành, xác định lại tội danh, tư cách tham gia tố tụng và thẩm quyền các cơ quan tố tụng.
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, cuối năm 2005, Tâm xin làm thuê cho ông Phạm Văn Hạnh (ở Dầu Tiếng, Bình Dương). Hai bên thỏa thuận Tâm lo kiếm mối mua củi, thỏa thuận giá cả, lái xe giao hàng, rồi nhận tiền về đưa lại ông Hạnh để nhận huê hồng. Sau lần Tâm bị CSGT xử phạt thì ông Hạnh cho Tâm nghỉ.
Sau đó, đúng ngày đã hẹn, Tâm đến một công ty gốm sứ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) nhận hơn 13 triệu đồng tiền củi nơi này còn nợ. Ông Cao, người của công ty gốm sứ, là người giao tiền cho Tâm.
Sau năm phiên tòa, thân phận pháp lý của Đỗ Minh Tâm tiếp tục bị treo lơ lửng. Ảnh: PL
Do Tâm chưa đưa tiền lại ngay cho ông Hạnh nên ông tố cáo. Tâm bị khởi tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 6-2011, TAND huyện Củ Chi trả hồ sơ do chưa đủ cơ sở kết tội. Sau đó Tâm được đình chỉ với lý do “chuyển biến của tình hình…”.
Tâm đi đòi bồi thường oan thì bị khởi tố, truy tố tiếp. Tháng 2-2014, xử sơ thẩm lần hai, Tòa Củ Chi kết án Tâm chín tháng tù treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án này bị TAND TP.HCM tuyên hủy để xác định lại “người bị hại” và để xem liệu có đáng phải truy cứu trách nhiệm hình sự Tâm không.
Sau nhiều lần điều tra lại, cơ quan tố tụng Củ Chi vẫn không nêu rõ ai là người bị hại nhưng lại kết luậnTâm dùng thủ đoạn gian dối lừa ông Cao để… chiếm đoạt tiền của ông Hạnh. Tại phiên sơ thẩm lần ba, TAND huyện Củ Chi xác định ông Hạnh là người bị hại, còn ông Cao và công ty mua củi là người liên quan.Tòa đã kết tội Tâm lừa đảo với hình phạt cảnh cáo. Tâm kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm (lần hai) hôm qua, TAND TP.HCM nhận định: “Tòa sơ thẩm nhận định tội phạm hoàn thành kể từ ngày Tâm đến gặp ông Cao để nhận tiền, hành vi gian dối là không nói với ông Cao mình không còn làm việc cho ông Hạnh nữa. Theo HĐXX phúc thẩm thì nhận định này của tòa sơ thẩm là không chính xác bởi Tâm đến nhận tiền là tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán củi. Theo hợp đồng, ông Hạnh đồng ý cho Tâm mang củi đi bán và nhận tiền về. Khi cho Tâm nghỉ việc, ông Hạnh không thông báo cho cơ sở mua củi, cũng không đề cập gì với Tâm chuyện có đồng ý cho Tâm nhận số tiền hàng khách còn nợ hay không nên hợp đồng này đương nhiên chưa bị thay đổi hay chấm dứt”.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm nhận định Tâm không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tòa cũng nói “việc này không đồng nghĩa với việc Tâm không phạm tội vì Tâm đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của ông Hạnh. Tâm xài tiền của ông Hạnh mà không được ông đồng ý là đã vi phạm pháp luật. Sau đó, Tâm còn bỏ đến nơi ở mới không khai báo với chính quyền địa phương và cũng không báo cho ông Hạnh biết. Việc xác định lại thời điểm tội phạm hoàn thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xác định tội danh, xác định tư cách tham gia tố tụng, thẩm quyền các cơ quan tố tụng”...
Vậy là sau năm phiên tòa, thân phận pháp lý của Tâm tiếp tục bị treo lơ lửng.