Theo Công ty chứng khoán SSI, lãi suất tiền gửi tiền đồng đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3-3,8%/năm, cá biệt một số
ngân hàng chỉ ở mức 2,2-2,5%/năm.
Tuy nhiên lãi suất cho vay gần như đứng im, không thay đổi. Thậm chí hàng loạt ngân hàng công bố đạt lợi nhuận khủng trong bối cảnh
doanh nghiệp, người dân lao đao vì COVID-19.
Điều này được Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright lý giải rằng lãi suất cho vay không giảm mạnh được như lãi suất tiền gửi, vì thể hiện cảm nhận rủi ro của hệ thống
tài chính.
Trong giai đoạn
dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng cảm nhận rủi ro nên không có nhu cầu bắt buộc phải cho vay, hạ lãi suất cho vay bằng mọi cách, nên lãi suất cho vay không giảm.
"Và vì chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay cao nên ngân hàng báo cáo lợi nhuận tốt trong năm 2020" - ông Thành nói.
Phát biểu tại hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 sáng 26-12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.
Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh còn khó khăn, ngành ngân hàng chưa nên đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.
"Năm nay ông chia sẻ với người dân thế nào, ông giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận kếch xù bao nhiêu", Thủ tướng nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng vừa yêu cầu giảm lãi suất nhất là các khoản vay cũ.