Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng được Vietcombank đưa về mức 2,4%/năm. Đối với kỳ hạn 3 tháng là 2,7%/năm, chọn kỳ hạn từ 6-9 tháng khách hàng sẽ nhận mức lãi suất là 3,7%/năm. Đối với các kỳ hạn dài, từ 12 – 60 tháng, ngân hàng này áp dụng chung mức lãi suất 4,8%/năm.
Trong khoảng một tháng gần đây, Vietcombank đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất, nhưng các “ông lớn” khác gồm BIDV, Vietinbank, Agribank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất cũ. Do đó, lãi suất tiền gửi tại 3 ngân hàng kể trên đang cao hơn Vietcombank từ 0,5 - 0,6 điểm phần trăm, tùy theo từng kỳ hạn.
Mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên của Vietcombank đang thấp nhất trong nhóm Big 4 nhưng lại không phải mức lãi suất “đáy” của thị trường. Bởi hiện nay, ngân hàng ACB đang neo lãi suất từ 12 tháng trở lên là 4,6%/năm.
Muốn được nhận mức lãi suất 5,60%/năm khách hàng tại ACB phải chọn kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 200 tỉ trở lên. Tuy nhiên, với các kỳ hạn ngắn thì lãi suất tiền gửi tại ACB vẫn cao hơn khá nhiều so với nhóm Big 4.
Với mức lãi suất này, những người gửi tiền tiếp tục chọn kênh gửi tiết kiệm sẽ nhận được khoản tiền lãi bằng khoảng 50% so với một năm trước.
Nhưng ngay cả khi lãi suất tiền gửi liên tiếp dò đáy và đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây thì người dân vẫn tranh thủ gửi tiền.
Bởi theo số liệu thống kê mới nhất do NHNN công bố, tăng trưởng huy động vốn tính đến cuối tháng 9 đạt 7,28% so với cuối năm 2022 - tương đương với mức tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó tiền gửi của dân cư ghi nhận tăng 14,4% so với cùng kỳ – mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2017.
Ngay cả tốc độ tăng trưởng tiền gửi của các tổ chức kinh tế - từng chạm đáy vào tháng 3 năm nay thì giờ đây cũng đã bật tăng trở lại và đạt mức tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng lại vô cùng khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 8,21%. So với hạn mức tín dụng mà nhà điều hành phân bổ cho các tổ chức tín dụng hồi đầu tháng 7 với tổng mức tăng trưởng là 14,5%, thì đến nay dư địa cho vay vẫn còn 6,29%. Điều đó cho thấy, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu.
"Mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm", lãnh đạo NHNN cho biết.