Hơn 80 hộ dân ở lô M, chung cư Bàu Cát II, phường 10, quận Tân Bình (TP.HCM) đang hoang mang không biết nộp phí bảo trì chung cư ra sao. Đó cũng là hoàn cảnh chung của những trường hợp mua căn hộ trước ngày 1-7-2006, thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực.
Cứ hư hỏng là phải đóng phí
Bà Cao Mỹ Lan, chủ căn hộ 708 lô M, chung cư Bàu Cát II, cho hay: Bà mua căn hộ trên vào năm 2005. Khi đó, chủ đầu tư không hề thông báo về việc phải đóng phí bảo trì chung cư. Gần đây, ban quản trị chung cư (BQT) đề nghị bà nộp hơn 500.000 đồng để bảo trì thang máy. Tất cả 82 hộ dân đã mua nhà trước năm 2006 đều phải nộp khoản phí này. Ngoài ra, BQT cho biết từ nay sẽ thu phí bảo trì mỗi khi có sự cố, số tiền đóng tùy từng đợt sửa chữa. “Không lẽ tôi phải đóng suốt đời mỗi khi chung cư phải bảo trì một hạng mục nào đó?” - bà Lan bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM.
Phí bảo trì chung cư được áp dụng mỗi nơi một kiểu. Trong ảnh: Lô M chung cư Bàu Cát 2, quận Tân Bình. Ảnh: HTD
Các hộ dân cho hay đã gửi văn bản hỏi Sở Xây dựng và được Sở trả lời: Việc thu tiền phí bảo trì của BQT không sai quy định. Cụ thể, Nghị định 71/2010 nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng bán căn hộ trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành mà chủ đầu tư chưa thu 2% tiền bán thì các chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung. Kinh phí đóng góp chỉ được thu khi phát sinh công tác bảo trì và được xác định đối với từng công việc bảo trì cụ thể”.
Được biết tại chung cư Bàu Cát II có 176 hộ đã nộp khoản phí bảo trì 2% do mua nhà sau ngày Luật Nhà ở có hiệu lực. Như vậy, tại chung cư này có hai chế độ nộp phí bảo trì khác nhau. Bà Lan nêu: “Nguyện vọng của 82 hộ dân là được nộp phí bảo trì một lần và được ký phụ lục hợp đồng để chứng minh đã hoàn tất nghĩa vụ này”. Tuy nhiên, bà Lâm Quỳnh Hoa, Trưởng BQT chung cư, cho biết: “Chúng tôi không dám thu của bà con một lần vì không thể làm khác luật. Mà nếu có thu thì cũng không biết tính theo mức nào vì giá trị một số căn hộ qua nhiều lần mua bán đã khác xa với lúc ký hợp đồng mua của chủ đầu tư”.
Bảo trì chung cư: Mỗi nơi một cách hiểu
Một vấn đề gây tranh chấp nữa là trong hợp đồng mua bán căn hộ thường không quy định cụ thể nội dung nào được xem là bảo trì chung cư để sử dụng khoản kinh phí bảo trì. Bởi vậy khi vận dụng vào thực tế, mỗi chung cư lại áp dụng một kiểu.
Tại chung cư Bàu Cát II, BQT cho rằng sửa chữa thang máy là công tác bảo trì chung cư. Nhưng theo các hộ dân, khoản này phải nằm trong chi phí quản lý dịch vụ nhà chung cư. “Chúng tôi đề nghị chỉ sử dụng phí bảo trì chung cư cho những hạng mục lớn, quan trọng” - các hộ dân nói. Nguyện vọng của họ là phải làm rõ nội dung sử dụng phí bảo trì tại Hội nghị Nhà chung cư và đưa vào quy chế.
Tại nhiều chung cư khác, BQT cho rằng việc duy tu hồ bơi, công viên, nhà tập thể dục… cũng là bảo trì chung cư. Có nơi lại quy định bảo trì là sửa chữa liên quan đến chất lượng chung cư như lún, nứt, xuống cấp. Vì pháp luật không quy định cụ thể nên mỗi nơi vận dụng khác nhau mà không có cơ sở để kết luận ai đúng, ai sai khi có tranh chấp, khiếu nại.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm dù đã có quy định nhưng nhiều chủ đầu tư bán căn hộ sau ngày 1-7-2006 vẫn không đưa phí bảo trì chung cư vào hợp đồng mua bán. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp với cư dân và đến nay nhiều nơi vẫn chưa thu được khoản phí này. Pháp luật không quy định nhưng tôi cho rằng những phần thuộc sinh hoạt chung như sảnh tầng, mặt ngoài chung cư, hệ thống thang máy, hệ thống nước thải… thì được sử dụng phí bảo trì chung cư. Còn những hư hỏng bên trong căn hộ thì chủ nhà tự chịu. Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành |
CẨM TÚ