Làm 5 phố đi bộ: Mấu chốt là giao thông, bãi xe

Ngày 24-12, MTTQ VN TP.HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP.HCM. Dự án do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT) làm chủ đầu tư. Tại hội thảo, hai vấn đề nhận được quan tâm nhiều nhất chính là tổ chức giao thông và bãi đỗ xe cho các tuyến phố đi bộ.

Đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM, một trong năm tuyến đường được đề xuất tổ chức thành phố đi bộ.  Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Lý do chọn năm tuyến đường làm phố đi bộ

Trình bày về sự cần thiết của việc tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP, ông Vũ Anh Tuấn, đại diện đơn vị tư vấn, cho biết TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước với số dân hơn 10 triệu người. Đồng thời, lượng xe cộ lưu thông ở TP rất lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên, nhất là khu vực trung tâm.

Việc tổ chức không gian đi bộ là một trong những giải pháp kiểm soát xe cá nhân vào trung tâm TP. Ông Tuấn cho biết điều này cũng đã được HĐND TP thông qua tại nghị quyết về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Bài toán về bãi đỗ xe là vấn đề mà Sở GTVT cũng rất đau đầu trong một thời gian dài. Trên địa bàn TP, không chỉ khu vực trung tâm mà nhiều nơi khác cũng rất cần bãi đỗ xe nhưng hiện nay chưa thực hiện được.

Ông VÕ KHÁNH HƯNGPhó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM 

Theo đơn vị tư vấn, có bốn tuyến metro đi qua khu trung tâm, theo đó sẽ có các nhà ga tại chợ Bến Thành, Hàm Nghi, Nhà hát lớn. Khu vực này cũng là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn lịch sử, văn hóa của TP. Đây là điều kiện lý tưởng để tổ chức các tuyến phố đi bộ.

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án chọn năm cung đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung, Thi Sách để tổ chức phố đi bộ. Theo ông Tuấn, cơ sở để chọn các tuyến đường này là dựa vào chức năng sử dụng đất của khu vực này đa phần là hỗn hợp (nhà ở, thương mại, văn phòng, khách sạn…). Mật độ giao thông của các tuyến đường này hoạt động cao.

Ông Tuấn cũng cho biết đơn vị đã khảo sát, đếm lượng người đi bộ hiện tại và dự báo trong tương lai khi nhà ga metro đi vào khai thác. Cùng với đó, đơn vị cũng phân tích chất lượng hạ tầng như vỉa hè, lòng đường, lề đường... “Năm tuyến đường nêu trên đều hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để tổ chức thành tuyến phố đi bộ” - ông Tuấn nói.

Về hình thức hoạt động thì các tuyến đường này sẽ dành ưu tiên đi bộ cho những ngày trong tuần. Riêng hai ngày cuối tuần thì đóng cửa toàn tuyến, chỉ để phục vụ cho việc đi bộ.

Bài toán về giao thông, bãi đỗ xe

Đa phần đại biểu đều đồng tình cao việc hình thành tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, băn khoăn nhiều nhất vẫn là vấn đề tổ chức giao thông và bãi đỗ xe.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tuấn cho biết khu vực hiện hữu hiện có hơn 6.000 ô đỗ xe máy và gần 3.000 ô đỗ ô tô. “Sau khi sắp xếp giao thông thì có thể bổ sung được gần 1.800 ô đỗ xe máy và gần 1.200 ô đỗ ô tô” - ông Tuấn nói.

TS Lê Thị Trúc Anh, Học viện Cán bộ TP, cho rằng lâu nay TP quy hoạch nhiều bãi đỗ xe nhưng qua một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, đơn vị tư vấn cần tính toán lại việc đưa ra gần 3.000 chỗ để xe máy và ô tô, trong khi giá trị đất đai tại khu trung tâm là đất vàng.

Đồng tình, ông Nguyễn Đức Thắng, Phòng Quản lý đô thị quận 1, cũng đề nghị đơn vị tư vấn xem xét tính khả thi của hơn 3.000 ô đỗ xe nêu trên. Ông Thắng cho biết phố đi bộ sẽ có ba đối tượng: Nhân viên làm việc tại các tòa nhà, người dân trong khu vực và người dân, du khách từ nơi khác đến.

“TP quy hoạch nhiều bãi xe nhưng chưa làm được, vì vậy các bãi xe nhà tư vấn đưa ra là rất khó thực hiện” - ông Thắng nói. Vị này cũng cho rằng hiện nay việc tận dụng bãi xe từ các tòa nhà ở khu vực trung tâm thời gian qua cũng chưa hiệu quả. Việc sắp xếp bãi xe theo đề án cũng cần phải tính toán hợp lý để có tính khả thi cao hơn.

Góp ý cho đề án, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cũng lưu ý khi tổ chức phố đi bộ thì việc di chuyển của người dân địa phương và các cá nhân, tổ chức vào các cơ quan, đơn vị làm việc cũng cần phải tính toán hợp lý. Bằng kinh nghiệm trong các đợt cấm xe phục vụ công tác diễn tập, ông Minh cho rằng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người dân.

Về bãi đỗ xe, ông Minh đánh giá: Với giá đất cao như khu vực trung tâm TP sẽ là trở ngại trong việc xây dựng các bãi đỗ xe. “Cần phải tổ chức bãi xe ở bên ngoài khu vực tuyến phố đi bộ. Đây là bài toán rất lớn nhưng vẫn có thể giải được” - ông Minh nói.

Liên quan đến vấn đề giao thông và chỗ đậu xe, đơn vị tư vấn giải trình thêm, các tuyến đường chỉ ưu tiên cho đi bộ và chỉ cấm xe vào hai ngày cuối tuần. Vì vậy, những ngày bình thường, xe cộ vẫn lưu thông bình thường. Trong những ngày cấm xe thì các trục đường ngang vuông góc với tuyến đường đi bộ sẽ được sử dụng làm chỗ đậu xe, kể cả xe của du khách lẫn xe của cư dân sinh sống tại đó. Các cư dân sẽ được phát thẻ để được giữ xe miễn phí.

Về việc bổ sung gần 3.000 chỗ đậu xe, đơn vị tư vấn cho biết đây là kết quả của việc sắp xếp lại giao thông, vô hình trung “dôi dư” ra không gian để bố trí được số lượng để xe nêu trên chứ không phải xây dựng thêm các bãi xe mới. “Tuy nhiên, chúng tôi xin ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề án trong thời gian tới” - ông Vũ Anh Tuấn nói.

Theo khảo sát năm 2019 của đơn vị tư vấn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, vào ngày thường thu hút khoảng 3.300 người với mức tiêu khoảng 2,3 tỉ đồng. Ngày cuối tuần thu hút khoảng 6.600 người, mức tiêu khoảng 11,8 tỉ đồng. Thu nhập của các hộ kinh doanh tăng 50%-70% so với trước đó.

Kết quả khảo sát năm 2019 tại phố đi bộ Bùi Viện, vào ngày thường thu hút khoảng 5.300 người với mức thu khoảng 2,8 tỉ đồng. Ngày cuối tuần thu hút khoảng 7.100 người, mức thu khoảng 8 tỉ đồng. Doanh thu của các hộ kinh doanh tăng 30%-50% so với trước đó.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của hai tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện để rút ra bài học cho các tuyến phố đi bộ mới. 

Tổng hợp 5 phố đi bộ hiện có và sắp tới của TP.HCM
Tổng hợp 5 phố đi bộ hiện có và sắp tới của TP.HCM
(PLO)- Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên sáng 26-11, ông Phạm Thành Kiên, Bí thư quận 3 đưa ra ý kiến đề án chỉnh trang và tổ chức phố đi bộ Hồ Con Rùa và phố đi bộ tuyến Nguyễn Thượng Hiền. Nếu đề án trên được thông qua, TP.HCM sẽ có tổng cộng 5 phố đi bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm