Ban đầu Võ Duy Thành (ngụ thị xã Phước Long, Bình Phước) bị truy tố tội trộm cắp tài sản, sau nhiều phiên tòa thì VKS thay đổi tội danh thành cố ý làm hư hỏng tài sản.
Mọi thứ làm trong cơn say
Theo cáo trạng của VKSND thị xã Phước Long, Bình Phước, khoảng 2 giờ sáng 26-11-2012, sau khi uống rượu, Thành đến Bến xe khách Thành Công chi nhánh thị xã Phước Long, lên một xe ô tô bảy chỗ (dùng để trung chuyển khách) có sẵn chìa khóa trên xe của Công ty TNHH Vận tải Thành Công rồi điều khiển chạy ra cổng. Người quản lý bến xe chạy ra ngăn cản và ra hiệu dừng, Thành vẫn cho xe chạy tiếp. Sau đó, xe Thành lái tông vào một xe ô tô 29 chỗ của HTX Vận tải Phước Long đang đậu trong sân chờ khách, làm móp đầu cả hai xe.
Hậu quả, xe trung chuyển thiệt hại hơn 17 triệu đồng, xe 29 chỗ thiệt hại hơn 1,1 triệu đồng. Ngay sau đó, Thành mở cửa xe bỏ chạy nhưng bị bắt lại. Thành bị tạm giam hai tháng 10 ngày thì được gia đình bảo lĩnh tại ngoại. Đi khám tại bệnh viên tâm thần, Thành được chẩn đoán rối loạn thần kinh cấp và nhất thời…
CQĐT Công an thị xã Phước Long ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Thành. Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương (Phân viện phía Nam, Bộ Y tế) kết luận: “Tại thời điểm gây án đương sự gây án trong trạng thái nhiễm độc rượu cấp với ý thức mù mờ nên không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Bị cáo Võ Duy Thành. Ảnh: PL
Từ trộm cắp sang cố ý làm hư hỏng tài sản
Ban đầu VKS truy tố Thành tội trộm cắp tài sản, cụ thể là trộm cắp xe trung chuyển mà Thành leo lên lái (định giá hơn 300 triệu đồng) theo khoản 3 Điều 138 BLHS. Tòa phải nhiều lần hoãn xử để điều tra bổ sung, đồng thời chỉ ra những vi phạm tố tụng.
Bốn phiên tòa được mở để xử Thành về tội này, trong đó phiên gần nhất (ngày 17-12-2014), VKS đề nghị tòa xử Thành 7-8 năm tù.
Tại các phiên tòa, Thành khai: “Chiều đó, tôi đi dự tiệc thôi nôi. Bàn có 10 người, uống năm thùng bia. Sau đó tôi đi karaoke với ba người bạn, trong đó có người tên Cường, uống thêm hai thùng nữa, rồi lại vào nhà nghỉ uống rượu. Sau nữa thì xỉn quá, không biết gì, không nhớ gì cả. Sáng hôm sau tỉnh dậy cán bộ nói rằng tôi đã trộm xe nên bị bắt...”.
Luật sư bào chữa cho Thành đề nghị tòa tuyên Thành không phạm tội trộm cắp tài sản. Bởi Thành vào bến xe công khai trong trạng thái vô định, ý thức chiếm đoạt không có do bị nhiễm độc rượu cấp (ý thức mù mờ, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi). Suốt quá trình điều tra Thành không nhớ gì nên lời khai tại CQĐT là theo sự định hướng.
VKS bảo lưu quan điểm truy tố Thành tội trộm cắp vì Thành lén lút lên xe bảy chỗ để nơi vắng vẻ, có mục đích chiếm đoạt vì chạy hướng ra cổng, có khả năng nhận thức vì đã thực hiện một chuỗi hành vi phức tạp…
Ngày 19-12-2014, sau khi nghị án kéo dài, tòa lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung và yêu cầu truy tố Thành về tội danh mới: Tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Ngày 10-3, VKSND thị xã Phước Long đã ra cáo trạng mới truy tố Thành về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 143 BLHS (khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm tù). Tòa đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày mai, 8-4.
Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin tiếp bạn đọc kết quả vụ án này.
Say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự Theo các chuyên gia tâm thần học, “say rượu” (say thông thường) khác với “say rượu bệnh lý”. Say rượu bệnh lý là trạng thái ngộ độc rượu cấp, hiếm gặp, có thể xảy ra ở những người uống lượng rượu quá mức chịu đựng của cơ thể. Say rượu bệnh lý còn có tên gọi khác là “say rượu loạn thần” hoặc “say rượu biến chứng” hay “say rượu dạng động kinh”. Trong cuốn Bình luận khoa học BLHS, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế cho rằng luật hình sự nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới không loại trừ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do say rượu hoặc do dùng chất kích thích mạnh khác. Bởi vì họ tự đặt mình vào tình trạng say nên họ có lỗi. Việc buộc người say rượu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra còn là biểu thị thái độ nghiêm khắc của xã hội đối với tệ nạn say rượu. Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 14 BLHS) |