Thời gian qua, chuyện các ông bầu "đấu" nhau đã tràn lan trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn chỉ là “đấu” mà không có trọng tài, không có cấp trên lắng nghe.
Bao giờ bầu Đức bỏ bóng đá?
Niềm vui trụ hạng của Hòa Phát Hà Nội mùa 2011 và cũng là thời điểm bầu Long xóa sổ đội bóng mình yêu thích sau khi gửi các cầu thủ có nơi có chỗ đàng hoàng rồi ông bỏ bóng đá trong thinh lặng.
Bầu Thắng vừa quyết định không đầu tư bóng đá nữa. Và nạn nhân đầu tiên chính là đội bóng mà ông từng cưu mang, từng gắn bó với tên tuổi ông lẫn mảnh đất Long An gắn với hai chữ Đồng Tâm như máu mủ của ông. Đội bóng đã cùng ông gặt hái hai chức vô địch V-League và cả siêu cúp, gắn với cái tên Calisto đã từng là một phần của bóng đá Việt Nam…
Bầu Đức đang chuẩn bị bỏ bóng đá theo cái cách mà ông nói giống như một kiểu đánh đổi nếu VFF không minh bạch và không giải quyết được bài toán quyền lợi nhóm.
Thời gian qua, cũng có nhiều ý kiến đối lập kiểu như thách thức với ông bầu có niềm đang mê lớn lao với bóng đá như bầu Đức. Đại khái với kiểu thách thức: “Bao giờ thì bầu Đức bỏ bóng đá?”. Hay với kiểu vỗ thẳng mặt của VPF và của bầu Tú: “Chúng tôi đã chuẩn bị phương án nếu có một đội bóng bỏ thì xếp lịch thi đấu lại”…
Tất nhiên với kiểu thách thức hay hăm he nhau như thế thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì một khi ở nóc, ở thượng tầng biết tất tần tật chuyện ngôi nhà bóng đá nhưng cứ mặc kệ không nhúng tay vào vì cũng “mắc kẹt” với kiểu sờ sợ “chúa chết trạng cũng băng hà”.
Chuyện của VPF và VFF giờ giống bộ phim dài nhiều tập mà đạo diễn cứ cố tình kéo dài nhiều tập để càng lâu… càng hóa bùn. Đại hội VFF dự kiến giữa tháng 4 giờ có thể sang đến tận tháng 6, thậm chí là có thể nhắm vào mùa World Cup để nhà nhà bận bịu giải vô địch thế giới mà ít dòm ngó đến nội tình VFF, đến cơ cấu và kể cả những chiếc ghế đã được book sẵn.
Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến một nội dung khác liên quan đến chuyện những ông bầu làm bóng đá. Đó là cách đến và cách đi của các ông bầu không phải đều giống nhau lúc nhập cuộc và cũng không giống nhau ở đoạn kết lúc rời bóng đá.
Bóng đá tử tế và bóng đá đổi dự án
Giọt nước tràn ly là đội bóng của bầu Long bị trọng tài đè ngửa trong trận gặp Hải Phòng. Sau trận này ông quyết định bỏ bóng đá.
Tại sao trong giới bóng đá ai cũng nói bầu Đức và bầu Thắng là những người làm bóng đá tử tế?
Bầu Đức khi nhận đội bóng từ Tỉnh ủy Gia Lai đã sẵn sàng nhận cả những người có biên chế ở Sở TDTT tỉnh Gia Lai và nuôi nấng, tạo việc làm. Ông không đòi hỏi Tỉnh ủy phải cho ông đất vàng hay dự án mà khẳng định: “Tôi là nhà đầu tư chứ không phải nhà tài trợ nên Tỉnh ủy tin tưởng giao đội bóng cho tôi và tôi sẽ làm tử tế!”.
Kết quả là sau khi đội bóng vào tay ông thì nhiều người yêu và biết Gia Lai, biết Pleiku nhiều hơn…
Bầu Thắng từ khi nhận đội Long An thất thường đã biến đội bóng hạng trung bình yếu thành một thế lực của bóng đá Việt Nam với cách làm tử tế. Trước trào lưu các đội, các ông bầu hay chi tiền cho trọng tài thì ông vẫn chọn cách khó là năn nỉ cầu thủ vượt khó, nghĩ đến người hâm mộ bán vé số, đạp xích lô để có tấm vé… Điển hình cầu thủ ở đội của ông luôn rất ngoan hoặc có là tội phạm hay nhận án treo ở xã hội khi về với ông cũng thành cầu thủ tốt.
Cũng có nhiều ông bầu đổ tiền làm bóng đá rất nhiều nhưng không bao giờ được khen. Như bầu Thụy đầu tư Sài Gòn Xuân Thành hay ông bầu ở NaviBank, ở Ninh Bình… thường bị nhìn nhận ở khía cạnh tiêu cực. Bởi họ làm bóng đá theo kiểu nuôi đội bóng để làm công cụ lấy dự án, để đổi đất vàng. Cũng có ông bầu đi tới đâu, ở đội nào là có dự án đậm đến đấy rồi tiền có được từ dự án lại đổ một phần cho bóng đá chứ không phải lấy bóng đá nuôi bóng đá.
Vì sao bầu Long từng được rủ rê làm chủ tịch VFF?
Bầu Bầu Long và ban huấn luyện Hòa Phát Hà Nội.
Nhưng có một ông bầu rất tử tế lại ít được nhắc đến dù ông đã bỏ bóng đá gần bảy năm rồi. Đó là bầu Trần Đình Long của đội Hòa Phát Hà Nội. Ông “vua thép” này say mê bóng đá từ hồi sinh viên khi là một cầu thủ nổi tiếng của đội bóng Trường ĐH Kinh tế quốc dân khóa 22. Ông là ông bầu làm bóng đá vì đam mê. Ông có thể vung tiền để có nhiều cầu thủ giỏi hay để mua lấy sự ưu ái của trọng tài hơn kiểu các ông bầu từng mua để cầu thủ mình dễ đá.
Có thể gặp và trao đổi với Giám đốc điều hành đội bóng của ông một thời là Ngô Quang Tùng (cũng từng là bình luận viên bóng đá nổi tiếng của VTV) sẽ hiểu hơn về tính cách và về cách làm bóng đá tử tế của ông bầu này.
Làm bóng đá, bầu Long chú trọng đến tuyến trẻ. Ông mua đất xây dựng trung tâm đào tạo và ông thích cái từ đó hơn là học viện. Ông là một trong số ít ông bầu làm bóng đá là nghĩ đến việc phát triển tuyến trẻ, mà ở đấy từng là cái nôi đào tạo của bóng đá Hà Nội sau thời gian dài khô cằn.
Thế nhưng hết mùa 2011 thì ông quyết định bỏ bóng đá.
Đến giờ thì cách bỏ bóng đá của ông cũng đáng để nhiều người suy ngẫm và nể trọng. Đó là quá nửa giai đoạn 2 V-League 2011, đội ông liên tục bị trọng tài ép. Đỉnh điểm là trận Hòa Phát Hà Nội bị trọng tài đè ngửa ép trên sân Lạch Tray trong trận gặp Hải Phòng. Ngay sau trận đấu đấy ông đã gặp HLV Nguyễn Thành Vinh và giao chỉ tiêu còn bao nhiêu vòng đấu phải đá tử tế để trụ hạng rồi sau đó ông sẽ bỏ bóng đá.
HLV Nguyễn Thành Vinh nhận lệnh của bầu Long động viên cầu thủ phải đá hết mình dù ông bầu này đã xác định bỏ bóng đá.
Suốt thời gian đó, một mặt ông động viên đội bóng đá tử tế, một mặt ông tìm chỗ phù hợp để “gả” đội bóng, “gả” cầu thủ chứ không để họ bơ vơ. Với trung tâm đào tạo trẻ, ông cũng tìm nơi, tìm chỗ nhượng lại để đảm bảo quyền lợi lẫn tương lai cho các cầu thủ nhí.
Hết giải, Hòa Phát Hà Nội trụ hạng cũng là lúc bầu Long làm xong các nhiệm vụ “gả” và tìm chỗ mới cho cầu thủ, rồi ông nghỉ bóng đá mà gần như không thu lại được đồng vốn nào.
Với tôi, đó là một ông bầu tử tế nhất trong cách làm bóng đá mà cũng là người tử tế nhất khi bỏ bóng đá. Ông không đao to búa lớn, mà đơn giản chỉ là không thích vì môi trường cho đội bóng ông đầu tư chưa tốt và chưa sạch thì bỏ đi cái đam mê của mình. Ông không bỏ ngang và cũng không làm các thành viên của đội bóng bị dao động hay lo lắng mất việc…
Đó cũng là lý do vì sao vừa qua có người đề nghị ông bầu này làm chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII nhưng ông kiên quyết từ chối.
Ở đây cũng cần hiểu rằng nhiều người từ chối tham gia ngôi nhà bóng đá như bầu Long hay chuyên gia Vũ Công Lập… không phải vì họ không đủ năng lực mà vì họ hiểu hơn ai hết cuộc chơi này chưa đủ hoặc chưa đáng để họ ngồi vào.
Lại cũng là một vấn đề rất đáng để suy ngẫm trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam về việc không có người tài.