Khu vực quanh cống số 6 được cho là bị ô nhiễm do các nhà máy chế biến hải sản tại đây xả thải, là một phần nguyên nhân dẫn tới cá nuôi lồng bè của người dân ở khu vực sông Chà Và chết thời gian qua.
Theo ông Cường, Sở đề xuất xây dựng hệ thống cống quay để quản lý, điều tiết việc xả thải chứ không xả tự động như hiện nay. Ngoài ra, Sở cũng đề xuất xây một tuyến đê dài khoảng 1,2 km, rộng 6 m, cao 3-4 m bao trọn quanh cống, không cho xả trực tiếp ra ngoài. Kinh phí làm đê ước khoảng 6,6 tỉ đồng.
Cũng theo ông Cường, hiện nay có sáu nhà máy, cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải được phép hoạt động trở lại nên người dân nuôi cá lo ngại. Tuy nhiên, tỉnh đã nắm rõ và kiểm soát về việc cung cấp điện, nước và di dời, không để xả thải như trước. Qua tuần tỉnh sẽ tổ chức khảo sát địa điểm nuôi mới đảm bảo an toàn cho người nuôi cá ở nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ô nhiễm.
Như Pháp Luật TP.HCM đưa tin, hơn 154 tấn cá chủ yếu là cá chim, cá bớp của người nuôi cá lồng bè tại Long Sơn bị chết, gây thiệt hại 29 tỉ đồng. Theo UBND tỉnh, do đầu tháng 10-2016 ở khu vực và tỉnh có nhiều trận mưa lớn dẫn tới hiện tượng nước mưa tích tụ nhiều ngày ở vùng trũng. Sau đó, mưa lớn làm nước tràn xuống tác động gây ra hiện tượng thiếu ôxy nước ở dưới sông, trong đó có khu vực sông Chà Và nơi người dân đang nuôi cá lồng bè. Thêm nữa, khu vực người dân nuôi cá bị chết đợt này mật độ nuôi khá dày.