Lâm Đồng cần sớm lập bản đồ rủi ro phòng chống sạt lở, ngập lụt

(PLO)-Hoạt động xây dựng, san gạt, đào đất tạo mặt bằng trên các khu vực sườn dốc cũng làm tăng nguy cơ sạt lở và các chuyên gia khuyến cáo Lâm Đồng cần sớm lập bản đồ rủi ro phòng chống sạt lở.

Ngày 22-9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh”.

Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà chuyên môn đến từ Bộ Xây dựng, các trường đại học, các công ty địa chất trong cả nước tham gia hội thảo.

sat-4.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, tình hình ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn ngày càng diễn ra phức tạp. Đặc biệt trong mùa mưa năm 2023, tình trạng này có xu hướng nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Trong đó, chỉ những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 13 đợt mưa lớn gây ngập lụt cục bộ tại thành phố Đà Lạt, TP Bảo Lộc.

sat-2.jpg
Nhiều vụ sạt trượt nghiêm trọng, gây thương vong ở Lâm Đồng

Tình trạng sạt lở cũng diễn ra cực đoan, đặc biệt nghiêm trọng là vụ sạt ở phường 10, thành phố Đà Lạt xảy ra cuối tháng 6/2023 và sạt lở trên đèo Bảo Lộc cuối tháng 7 vừa qua khiến nhiều người thương vong.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn 163 điểm bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất.

Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chính của thực trạng sạt trượt đất là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan kết hợp với địa hình đồi dốc đặc trưng của vùng Tây Nguyên.

Đồng thời hoạt động xây dựng, san gạt, đào đất tạo mặt bằng trên các khu vực sườn dốc càng làm tăng nguy cơ sạt lở. Trong khi đó, tình trạng ngập lụt tại đô thị có nguyên nhân chính là do tình trạng bê tông hóa, đô thị hóa, cộng với việc phát triển nhà lưới, nhà kính trong khi năng lực tiêu thoát nước của hệ thống đô thị đã cũ, chưa đáp ứng được.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng tình trạng sạt lở tại Lâm Đồng hoàn toàn có thể đưa ra cảnh báo sớm dựa trên các kết quả quan trắc, phân tích trên các vùng đất dốc ở Việt Nam.

sat-5.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - PCT UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội thảo

Đặc biệt, tại thành phố Đà Lạt có nhiều nét tương đồng với Hồng Kông những năm 1970 – 1980 nên có thể học hỏi kinh nghiệm ứng phó với trượt lở mái dốc của họ.

Theo đó, việc xây dựng hệ thống quan trắc tích hợp và giám sát thực tế từng khu vực đất dốc; xây dựng, hiệu chỉnh và từng bước hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm tình trạng sạt lở đất.

“Lâm Đồng cần có dự báo và cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở tại các khu vực trọng điểm để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Riêng thành phố Đà Lạt trước mắt cần xác lập các ngưỡng cảnh báo và kịch bản ứng phó cho từng công trình ở các mức nguy cơ khác nhau và về lâu dài cần xây dựng, ban hành hướng dẫn chi tiết các công trình xây dựng trên đất dốc”, Chuyên gia Đỗ Minh Đức cho biết.

Cùng quan điểm về vấn đề sạt trượt ở Lâm Đồng, ông Takami Kano – một chuyên gia của Công ty địa chất Kawasaki, Nhật Bản cho rằng, tại Nhật Bản việc lập bản đồ phân vùng mức độ rủi ro đã được thực hiện từ lâu, trường hợp ở Lâm Đồng nếu được thực hiện thì nên phân vùng theo mức độ rủi ro lũ lụt và lở đất.

Theo ông Takami Kano, ở Việt Nam việc sử dụng ảnh chụp từ máy bay và phương pháp quét laser để lấy dữ liệu địa hình sẽ gặp nhiều bất lợi. Do đó có thể sử dụng hình ảnh từ các ứng dụng trực tuyến, hình ảnh từ vệ tinh miễn phí để đánh giá về hiện tượng nứt, lồi lõm của mặt đất; sự xuất hiện các đặc điểm lở đất, khối sụt trượt… Qua đó sớm hình thành bản đồ phân vùng mức độ rủi ro để cơ quan chức năng và cả người dân có thể sử dụng, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khi có nguy cơ cao về trượt lở đất hay ngập lụt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm