Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng?

Chiều 15-10, Ban chỉ đạo phát triển du lịch TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng”. Ngoài việc sơ kết bốn năm thực hiện đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng, các đại biểu đã dành nhiều ý kiến, quan điểm để giữ gìn, bảo tồn chợ nổi.

PGS-TS Lưu Thanh Đức Hải, Phó Trưởng Khoa kinh tế, ĐH Cần Thơ, cho rằng lãnh đạo địa phương phải tâm huyết, tự hào về báu vật chợ nổi Cái Răng thì mới khuyến khích được người dân tham gia.

Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Di sản tức là “quý và hiếm” nhưng nếu chỉ quý và hiếm mà ta không biến nó thành độc và lạ thì không hấp dẫn với du khách.

Do vậy, ông Hải cho rằng cần tạo cơ chế mời gọi đầu tư để duy trì bảo tồn di sản này. Tuy nhiên, việc đầu tư phải mang tính liên kết theo chuỗi với nhau chứ mạnh ai nấy làm kiểu cục bộ thì không giải quyết được…

Còn ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN, thì cho rằng “đừng làm gì hết trơn, cứ để nó (chợ nổi - PV) phát triển tự nhiên”. Ông Tín cho biết qua khảo sát trước đây, các thương hồ nói không muốn cơ quan nhà nước làm gì hết mà chỉ làm những việc như sắp xếp ghe có trật tự, vớt rác trên sông… “Hướng bảo tồn chợ nổi chỉ có thế thôi chứ đừng chạm vào trái tim của họ, họ nói vậy” - ông Tín cho hay.

Ông Tín đề xuất nên quảng bá chợ nổi nhiều hơn nữa.

Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Ảnh: NHẪN NAM

Đặc biệt, về dự án bờ kè sông Cần Thơ đoạn qua chợ nổi Cái Răng, ông Tín cho rằng “nếu làm bê tông một cái là chợ nổi này chìm luôn”. Ông đề xuất lãnh đạo TP nghiên cứu thêm làm sàn gỗ bờ Cái Răng để dành cho khách du lịch dạo bộ, ngắm cảnh… níu chân khách du lịch ở chợ nổi.

Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng chợ nổi sinh ra là để mua bán chứ không phải phục vụ du lịch. Vì vậy, mục tiêu tối cao là bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi.

Từ đó, ông Hùng đề xuất công trình tuyến kè sông Cần Thơ đoạn qua chợ nổi Cái Răng phải thiết kế đặc thù, thuận tiện cho việc giao thương, giữ được không gian trên bến dưới thuyền. “Điều quan trọng là làm sao quá trình thi công không làm gián đoạn hoạt động của chợ, vì nếu gặp trở ngại thì thương hồ sẽ bỏ chợ, lui ghe” - ông Hùng tâm tư.

Cạnh đó, ông Hùng cũng đề xuất nhiều giải pháp như nên nghiên cứu cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp, đờn ca tài tử… đúng chất gốc chợ xưa hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay.

Ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng RiceField Logde, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng các hình ảnh về chợ nổi mà nhà nghiên cứu Nhâm Hùng nêu ra rất hấp dẫn như ghe cắt tóc, may đồ… rất thú vị nhưng giờ không còn thì nên tái tạo. Vì đó là điểm khác lạ, tạo sự thu hút du khách.

Ông Martin cho rằng không nên làm tour quá ngắn, chỉ đi vòng vòng khoảng 20 phút trong chợ nổi Cái Răng mà nên thiết kế các tour dài hơn nửa ngày, làm sao để cho hoạt động du lịch của du khách thu hút, hấp dẫn hoặc mạo hiểm hơn…

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho rằng TP sẽ quan tâm đến việc xây bờ kè để giảm bớt tác động đến chợ nổi như một số đại biểu nêu ý kiến…

70% du khách đến Cần Thơ đều tham quan chợ nổi

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, thống kê có trên 70% khách du lịch đến Cần Thơ đều tham quan chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi Cái Răng giữ vai trò rất quan trọng là điểm phải đến đối với du khách khi chưa từng đến Cần Thơ.

Chợ nổi Cái Răng là một trong ít chợ nổi còn duy trì các hoạt động mua bán tương đối nhộn nhịp. Nơi đây không chỉ mua bán hàng hóa nông sản mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ. Hiện nay, có trên 200 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản trên chợ nổi, khoảng 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới