Ngộ độc thức ăn là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn , uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu , có chất bảo quản, phụ gia...
Người bị Ngộ độc thức ăn thường có các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy , chóng mặt, sốt , đau bụng ... Ngộ độc thức ăn không chỉ gây hại cho sức khỏe (có thể dẫn đến tử vong) mà còn khiến tinh thần mệt mỏi.
Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn
Nguyên nhân chính của việc ngộ độc thức ăn là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, độc tố vi nấm...). Thức ăn nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng), khi thời tiết nóng nực nhiệt độ cao thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn đã biến thành chất độc.
Sinh vật truyền nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn khác nhau, vir ut và ký sinh trùng hoặc độc tố, dịch tiết của chúng là nguyên nhân phổ biến nhất của Ngộ độc thức ăn. Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm có thể tồn tại ở khắp mọi nơi trong không khí , đặc biệt khi thời tiết nóng hay giao mùa cũng làm các vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn. Ngoài ra vào các dịp lễ nguy cơ ngộ độc thức ăn cũng thường xuyên xảy ra.
Dùng sai thuốc khiến tình trạng ngộ độc thức ăn càng nặng thêm
Do có những biểu hiện giống nhau nên nhiều người thường nhầm lẫn giữa ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp. ngộ độc thức ăn và tiêu chảy cấp đều có cùng triệu chứng là đi ngoài. Nhiều người thấy hiện tượng đi ngoài liên tục thì ra hiệu thuốc mua thuốc cầm tiêu chảy loperamid về uống. Uống vào bệnh chẳng thấy khỏi mà lại phải đi bệnh viện cấp cứu bởi thuốc cầm tiêu chảy có tác dụng giữ các chất lại trong cơ thể, vô tình giữ luôn cả chất độc vì thế chất độc không được tống ra ngoài khiến tình trạng ngộ độc càng trầm trọng hơn.
Vì vậy khi bị ngộ độc thức ăn bạn cần nghỉ ngơi, người nhà có thể gây nôn cho bệnh nhân bằng cách dùng ngón tay ấn xuống lưỡi bệnh nhân cho đến khi người bệnh nôn được, khi bệnh nhân nôn nên để đầu thấp xuống để tránh chất nôn tràn vào đường thở gây nguy hiểm.
Chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh táo, trường hợp hôn mê mà gây nôn dễ gây tắc thở dẫn đến tử vong. Cho bệnh nhân uống thật nhiều nước để thải độc cho cơ thể.
Ăn các đồ ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Nếu nôn và đi ngoài nhiều cần uống nước oresol để bù chất điện giải. Khi cơ thể tống hết chất độc ra ngoài bằng cách nôn hoặc đi ngoài thì tình trạng ngộ độc thức ăn sẽ đỡ dần, người bệnh sẽ dần hồi phục sức khỏe.
Trường hợp cơ thể không tự thải được các chất độc ra ngoài cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp.
Phòng ngừa
Một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc bạn cần tránh như: thịt gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Cá và hải sản ( sò , trai , nghêu , cua , ghẹ ) tươi sống hay chưa chín kỹ. Các món có trứng gà chưa hoàn toàn được nấu kỹ. Một số loại rau sống. Nước trái cây chưa được diệt khuẩn. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn. Cần ăn chín uống sôi, không ăn những thực phẩm lạ, đã bị ôi thiu.
Theo DS. Quang Huy (Sức khỏe và Đời sống)