Làm sai, “hạ cánh” cũng không an toàn

Thông tư liên tịch số 04/2014 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ (THCV) có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại làm Nhà nước phải bồi thường vừa được ban hành. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Tố Hằng xoay quanh vấn đề này.

Bảo đảm tính răn đe

. Phóng viên: Thưa bà, đã có những lo ngại về việc làm nhẹ trách nhiệm hoàn trả của người THCV kiểu Nhà nước bồi thường 10, người THCV chỉ hoàn trả một. Thông tư lần này đã giải quyết vấn đề đó ra sao?


 

+ Nguyễn Thị Tố Hằng: Quy định trách nhiệm hoàn trả của người THCV nhằm tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong THCV. Đồng thời răn đe, ngăn ngừa hành vi trái pháp luật xảy ra dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước và bù đắp một phần ngân sách nhà nước chi trả bồi thường.                        

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành còn một số vướng mắc. Nghị định 16/2010 mới chỉ quy định mức hoàn trả tối đa không quá ba tháng lương hiện hưởng nếu có lỗi vô ý, tối đa không quá 36 tháng lương nếu lỗi cố ý nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hoàn trả 100% nếu lỗi cố ý mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc chưa cụ thể hóa được từng mức hoàn trả chi tiết cũng khiến cho việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người THCV chưa sát với trách nhiệm, mức lỗi của họ gây ra, dễ bị lạm dụng. Nhiều vụ việc Nhà nước phải bồi thường số tiền rất lớn nhưng khi xem xét trách nhiệm hoàn trả thì lại “nhẹ tay” cho người THCV. Một số trường hợp thực tế phát sinh: Trường hợp người THCV chết, nghỉ hưu hoặc họ không còn làm việc cho các cơ quan nhà nước… nhưng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định. Vì vậy, việc ban hành thông tư này hết sức cần thiết để có cơ sở pháp lý xem xét trách nhiệm hoàn trả của người THCV một cách đầy đủ, toàn diện, thống nhất trên thực tiễn.

. Có ý kiến cho rằng số tiền người THCV hoàn trả cho ngân sách quá thấp so với số tiền mà Nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại. Vậy mức hoàn trả cụ thể trong thông tư này ra sao và có tương xứng với kinh phí bồi thường để bảo đảm tính răn đe chưa?

+ Về mức hoàn trả tối đa đã được quy định trong luật và Nghị định 16/2010, còn có tương xứng hay không thì thông tư liên tịch không thể “vượt rào” các văn bản pháp lý cao hơn. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng các quy định về trách nhiệm hoàn trả được quy định trong luật và Nghị định 16/2010 còn tồn tại một số bất cập và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số tiền hoàn trả còn thấp. Theo tôi, để khắc phục bất cập này, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ.

Anh Trương Hoàng Hiếu (giữa) bị kết án oan sau hơn hai năm ngồi tù và được TAND huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng xin lỗi và bồi thường gần 170 triệu đồng. Ảnh: LIN CA

Sẽ truy tới cùng

. Với những trường hợp đã nghỉ công tác thì trách nhiệm hoàn trả ra sao?

+ Dù họ đã chuyển công tác sang cơ quan khác hoặc ra ngoài làm cho doanh nghiệp, tổ chức khác, thậm chí nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét trách nhiệm hoàn trả. Người có trách nhiệm hoàn trả phải nộp tiền một lần hay nhiều lần tùy theo nội dung quyết định hoàn trả ban hành. Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, thu nhập thực tế, giảm trừ gia cảnh để xem xét, quyết định phương thức hoàn trả. Nếu đã thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà vẫn cố ý không thực hiện nghĩa vụ thì sẽ thu hồi bằng cách trừ dần vào tiền lương, lương hưu hằng tháng theo mức 10%-30% lương, lương hưu hằng tháng. Nếu họ không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì sẽ phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức nơi họ đang làm việc để trừ lương, thu hồi tiền hoàn trả.

Nếu người có trách nhiệm hoàn trả chết mà đã có quyết định hoàn trả và có tài sản để lại thì những người thừa kế di sản phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật thừa kế. Còn nếu xác minh được họ chết mà không có di sản thì sẽ ra quyết định miễn thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Trường hợp họ chết trước khi có quyết định hoàn trả ban hành thì không xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với họ nữa.

. Quy định truy cứu trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường đối với người THCV đã chết có quá nghiêm khắc không, thưa bà?

+ Trách nhiệm hoàn trả là một nghĩa vụ về tài sản, người thừa kế phải thực hiện trong phạm vi di sản được hưởng theo các quy định pháp luật dân sự về thừa kế. Do đó, quy định về trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người THCV đã chết theo thông tư này là phù hợp với các quy định chung về thừa kế trong Bộ luật Dân sự 2005.

. Xin cảm ơn bà.

BÌNH MINH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới