Chiều 6/9, trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, người đã nhiều năm nghiên cứu Rùa Hồ Gươm và được mệnh danh là “nhà rùa học” than thở: “Để gỡ được lưỡi câu ra khỏi lưng cụ Rùa chỉ có cách là tiếp cận cụ. Mà quả thực là điều này quá khó!”.
Ông Đức kể lại chuyện hồi tháng Giêng năm 1992, sáu thợ lặn đeo bình lặn đã tìm kiếm suốt bốn tiếng đồng hồ trong lòng hồ Gươm mà cũng không gặp được cụ Rùa. Vì vậy, muốn gỡ được lưỡi câu cho cụ Rùa chỉ còn cách là đợi cụ bò lên chân Tháp Rùa phơi nắng.
Nhưng ngay cả khi cụ Rùa bò lên chân Tháp Rùa phơi nắng, thì việc tiếp cận cụ Rùa rồi sau đó nhẹ nhàng gỡ lưỡi câu, xem ra cũng là một " nhiệm vụ bất khả thi", đó là chưa kể việc lùng sục tìm cụ Rùa cũng sẽ là việc "lợi bất cập hại".
Nhận định về mức độ nguy hiểm của lưỡi câu chùm đang mắc trên mai cụ Rùa, ông Đức cho biết, trong lúc cụ Rùa di chuyển, nếu chẳng may lưỡi câu bị vướng vào đâu đó sẽ có thể làm xé tuột mất một mảng mai mềm của cụ Rùa. Tuy nhiên, ông Đức cũng khẳng định đây không phải là nguy cơ lớn.
Theo PGS.TS sinh học Hà Đình Đức, điều đáng lo ngại hơn là chính những thương tích cụ Rùa đang phải mang trên mình, như những vết lõm trên mai cụ Rùa, trong đó có một vết lõm khá sâu ở phần mai bên phải, có thể là vết tích của một cú đánh mạnh.
"Việc chúng ta có thể làm được bây giờ, tôi muốn chính quyền và người dân quan tâm, nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ cụ Rùa”, ông Đức mong mỏi.
Theo NTNN