Rùa tai đỏ đe dọa cụ Rùa hồ Gươm

Rùa tai đỏ đe dọa cụ Rùa hồ Gươm ảnh 1
Rùa tai đỏ đứng trên lưng cụ Rùa - Ảnh: H.H
GS-TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, khẳng định: “Ở nước ta không có loài rùa tai đỏ. Đây là loại sinh vật ngoại lai”. Rùa tai đỏ (tên khoa học là Trachemys Scripta) có xuất xứ từ Bắc Mỹ, được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu, và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Rùa tai đỏ “xâm nhập” di tíchRùa tai đỏ thường được người dân mua để phóng sinh, vì thế mà không chỉ có ở hồ Gươm, rùa tai đỏ còn được phát hiện ở nhiều ao, hồ trong các đình, chùa và nhiều di tích khác. Mấy năm gần đây, báo chí đã phản ánh hiện tượng rùa tai đỏ xuất hiện ở nhiều di tích lớn như khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột...

Rùa tai đỏ là loài động vật ăn tạp, chúng có thể ăn nhiều loài sinh vật khác nhau. Chúng có khả năng thích nghi cao, phát triển trong mọi môi trường tự nhiên, đặc biệt là với điều kiện khí hậu nóng ẩm như nước ta. Rùa tai đỏ có thể phát triển nhanh, cạnh tranh nguồn thức ăn và nơi làm tổ với rùa bản địa. Mặt khác, theo nhiều tài liệu nghiên cứu, loài sinh vật này có thể mang vi khuẩn Salmonella có khả năng gây bệnh cho động vật và con người (như bệnh thương hàn).

TS Hà Đình Đức cho biết, rất khó có thể xác định được lượng rùa tai đỏ có ở hồ Gươm, nhưng những ảnh hưởng mà nó có thể gây hại đến cụ Rùa là rất rõ ràng. Cụ Rùa không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng, quý giá với người dân VN, mà trên thực tế, cụ Rùa (tên khoa học Rafetus swinhoei) thuộc một trong những loại rùa quý hiếm nhất trên thế giới và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ (hiện nay chỉ còn 4 cá thể trên toàn thế giới). Việc rùa tai đỏ xuất hiện ở hồ Gươm khiến các nhà khoa học không khỏi lo lắng cho cuộc sống của cụ Rùa, các loài rùa bản địa khác, cũng như hệ động vật tự nhiên trong hồ.

Cần có biện pháp xử lý sớm

Vấn nạn rùa tai đỏ là bài học lớn của nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia đã ra lệnh cấm nhập khẩu và bán rùa tai đỏ. Từ những năm 1990, ở Pháp và các nước châu Âu khác đã ra lệnh cấm mua bán rùa tai đỏ. Theo GS-TS Đặng Huy Huỳnh, rùa tai đỏ được đưa vào VN với mục đích làm cảnh hơn là vì giá trị dinh dưỡng. Ông cho rằng, một trong những thiếu sót trong công tác quản lý sinh vật ngoại lai là các cơ quan quản lý còn lỏng lẻo trong việc kiểm dịch, ngăn chặn loại sinh vật ngoại lai có hại ngay từ đầu. VN đã nhiều lần phải đối mặt với tình trạng các loại sinh vật ngoại lai có hại phát triển tại nhiều địa phương, chẳng hạn như ốc bươu vàng, cá hổ...
GS-TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng VN đã có luật với sinh vật ngoại lai có hại, tùy theo mức độ nguy hại mà phải tiêu diệt, ngăn ngừa hay kiểm soát. Theo ông, rùa tai đỏ xâm hại quá nhiều tới loài thủy sinh vật, mà không có giá trị nào, vì thế cần phải tiêu diệt. Ông nhấn mạnh: “Nhà nước đã có chính sách bảo vệ loài rùa quý ở hồ Gươm. Việc rùa tai đỏ xuất hiện tại đây là điều không thể chấp nhận, các nhà quản lý cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết”. Theo ông, bên cạnh việc cho tiến hành vớt rùa tai đỏ và tiêu diệt, các nhà quản lý cần xử lý nghiêm khắc trường hợp người dân phóng sinh rùa tai đỏ xuống hồ, cũng như tại các di tích khác. Ngay từ năm 2004, PGS-TS Hà Đình Đức đã lên tiếng về tình trạng rùa tai đỏ xuất hiện tại hồ Gươm nhưng theo ông, từ đó đến nay, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn. Theo PGS-TS Hà Đình Đức, trước hết cơ quan quản lý của thành phố Hà Nội cần phải nhất trí, sau đó có văn bản, chủ trương, rồi tính đến chuyện lập dự án. “Không phải chi tiền để giải quyết vấn đề trước mắt, chúng ta cần phải có những biện pháp lâu dài và thống nhất”, TS Đức bày tỏ.
Theo Minh Ngọc (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm