|
ĐBQH - Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị đưa thông tin nhóm máu vào thẻ căn cước công dân.(Ảnh: Nguyễn Dũng) |
Đưa nhóm máu vào thẻ căn cước?
Theo quy định trên căn cước công dân sẽ có khoảng 20 thông tin của cá nhân. Tuy nhiên ĐBQH Đỗ Kim Tuyến còn băn khoăn về đặc điểm nhận dạng và giới tính. Vì trong điều kiện xã hội hiện nay, giới tính, nhân dạng thay đổi nhanh, nhìn ảnh và người thật không nhận ra được. Bên cạnh đó, ĐB cũng không hiểu Dự thảo ban đầu định đưa nhóm máu vào nhưng không biết vì lý do gì mà lại rút ra sau đó.
Từ nhu cầu thực tiễn, ĐBQH Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị phải đưa thông tin về nhóm máu của mỗi công dân vào thẻ căn cước. Vì nhiều trường hợp tai nạn cấp cứu nhanh, trên xe có phương tiện giám định, nếu biết được nhóm máu của người bị thương từ thẻ căn cước thì sẽ cho truyền máu ngay được. Thế giới đã làm việc này rồi. Theo ĐB Chung, cho nhóm máu vào sẽ phục vụ cho muc đích xã hội, nhân đạo và cho chính người đó.
Có cùng nhận định, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị bổ sung thông tin nhóm máu của cá nhân vào thẻ căn cước, điều này sẽ phục vụ rất hiệu quả khi tai nạn xảy ra. Thậm chí ĐB Khánh còn đề nghị bổ sung cả giờ sinh nữa, vì nhiều DN, cơ quan cũng quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó cũng cần tận dụng sự phát triển của y học nên cần cập nhật cả tế bào gốc vào.
Đề nghị cần tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để cập nhật những thông tin cần thiết nhất trong thẻ căn cước, đối với thông tin về nhóm máu, ĐB Bùi Thị An đề nghị “dứt khoát phải đưa vào”. Vì xã hội hiện đại có thể thay đổi được ngoại hình, chiều cao, nhưng không thể thay đổi được nhóm máu.
Khó cho mình, khó cho dân
Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, nếu triển khai luật này thì tới đây sẽ có 3 loại thẻ: CMND 9 số, CMND 12 số đang thực hiện thí điểm và thẻ căn cước công dân.
Qua thực tế đang triển khai thí điểm cấp CMND 12 số, ĐB Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, nếu triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước sẽ vô cùng tốn kém. Chỉ đơn cử như việc thực hiện đề án 896 phải mua phôi thép rất đắt, tổng chi phí do đề án này lên đến 3.500 tỷ đồng.
ĐB Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn đưa ra nhận định, luật căn cước sau này sẽ có những cái không làm được, việc triển khai sẽ vô cùng khó khăn. Ông dẫn dụ khi Hà Nội làm dự án quản lý dân cư của 5 quận, thuê phía Nhật Bản viết chương trình phần mềm, nhưng làm xong không sử dụng được, không kết nối được. Hay một chương trình do Bungary viện trợ, dù đã làm xong lâu rồi nhưng đến nay mới chỉ nhập được 300 nghìn trường hợp.
Cho rằng ban soạn thảo chưa nắm được tác dụng của tin học và chưa có sự ứng ụng tối đa, ĐB Chung cho biết, nếu triển khai thì thủ tục sau này sẽ rất rườm rà, nhiều quy định còn phiền hà hơn bây giờ.
“Cấp CMND 9 số, rồi thí điệm lên 12 số thôi đã rất rắc rối. Giờ lại còn có cả thẻ căn cước công dân, cùng hai loại CMND sẽ vô cùng rắc rối. Cần nghiên cứu tác động của luật này để việc triển khai có hiệu quả nhất” - ông Chung nói.
Ông Chung cũng đồng tình với việc sẽ cấp thẻ căn cước ngay từ khi sinh ra, nhập các dữ liệu trong máy và đến khi đủ 14 tuổi mới in ra. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho quản lý. Ông Chung dẫn ví dụ ở một phường của Hà Nội, chỉ cần vài chục giây gõ vào máy tính, sẽ biết ngay phường đó có bao nhiêu người 17 tuổi trong diện đi bộ đội, bao nhiêu cháu trong diện tiêm chủng mở rộng, bao nhiêu cụ già trên 100 tuổi…
Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, chủ trương làm căn cước công dân thay cho CMND về lâu dài là đúng và cần thiết nhưng cần có lộ trình, thời gian phù hợp.
Từ việc triển khai thí điểm cấp CMND 12 số, Bí thư Hà Nội khuyến cáo, khi triển khai cấp thẻ căn cước thay cả CMND cũ và mới gây chồng chéo, lãng phí lớn đã đành, với quy định này “chính mình lại tự làm khó mình và làm khó cho người dân”.
"Mọi thứ giấy tờ như hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, số tiết kiệm…đều liên quan mật thiết đến CMND. Nếu làm thay nhau sẽ kéo theo cả hệ thống phải thay thế. Chúng ta đang đơn giản hóa thủ tục hành chính, vậy làm cái này có đơn giản được không? Không thể nói cái này đơn giản hóa thủ tục hành chính” – Bí thư Hà Nội nói và đề nghị phải tính toán cho kỹ, làm có lộ trình và nếu chưa tính toán hết được thì chưa nên làm ngay.
|
ĐBQH Đào Trọng Thi (Ảnh: Xuân Hải) |
ĐBQH Đào Trọng Thi đưa ra nhận định, triển khai chủ trương này chỉ phục vụ cho một nhóm người và là “bới việc ra để tiêu tiền”. Từ kinh nghiệm của các nhà mạng, nâng 9 số lên 12 số họ quản lý rất hiệu quả, ĐB Thi cho rằng ban soạn thảo chưa nắm được vấn đề CNTT. Nếu ứng dụng và làm hiệu quả thì có thể tiết kiệm được 2/3 số tiền như dự kiến hiện nay.
Theo Thành Nam/Infonet