Thỏa thuận được ký kết hôm 12-7 (giờ địa phương) tại Cuba nêu rõ các bên quyết tâm nhanh chóng tiến tới ký kết hiệp định hòa bình và ngừng bắn hoàn toàn.
Hai nhà ngoại giao Na Uy Dag Nylander và Cuba Rodolfo Benitez (bốn nước tham gia tiến trình đàm phán gồm Na Uy, Cuba, Chile và Venezuela) thông báo chính phủ Colombia sẽ xuống thang hoạt động quân sự từ ngày 20-7. Các nhà thương lượng đã đề nghị tổng thư ký LHQ và chủ tịch Liên minh Các nước Nam Mỹ giữ vai trò giám sát và xác nhận quá trình xuống thang xung đột ở Colombia. Chính phủ và FARC cũng nhất trí sẽ đánh giá tình hình trong bốn tháng.
Phát biểu với toàn dân tối 12-7, Tổng thống Juan Manuel Santos khen ngợi đây là một bước quan trọng tiến tới hòa bình. Trưởng đoàn đàm phán của FARC Ivan Marquez (ảnh) thông báo trước báo chí đây là đà phát triển vững mạnh đầy hứa hẹn và đầy hy vọng cho tiến trình hòa bình.
Đây là lần đầu tiên quân đội Colombia ngừng bắn, một giải pháp mà trước đây Tổng thống Juan Manuel Santos luôn bác bỏ vì lo ngại FARC lợi dụng tình hình để củng cố lực lượng.
FARC (gần 8.000 tay súng) đã tuyên bố ngừng bắn từ tháng 12-2014 đến tháng 5 vừa qua, sau đó hoạt động quân sự trở lại do quân đội tấn công hàng loạt. Tuần trước, FARC thông báo đơn phương ngừng bắn trong 30 ngày từ ngày 20-7.
Theo báo Le Monde (Pháp), đến nay chính phủ và FARC mới đạt được các vấn đề về kế hoạch rà phá bom mìn, thành lập Ủy ban Sự thật, nhất trí một phần về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân và chưa nhất trí hai vấn đề then chốt gồm giải giáp và thể thức ký kết hiệp định hòa bình.
Trả lời báo El Tiempo, Tổng công tố Eduardo Montealegre cho biết cơ quan công tố sẽ bắt đầu xem xét tội ác chiến tranh đối với các nhà lãnh đạo FARC vì đã gài mìn trên đất thổ dân và tuyển mộ người chưa thành niên. FARC luôn bác bỏ khả năng ký kết hiệp định hòa bình nếu các nhà lãnh đạo FARC có nguy cơ bị tù tội.
Xung đột ở Colombia là xung đột lâu đời nhất ở Mỹ La tinh. Xung đột đã kéo dài nửa thế kỷ với 220.000 người chết và 6 triệu người tản cư.