Lan tỏa ‘tủ sách Đặng Thùy Trâm’ đến với trường học

(PLO)- Chương trình “tủ sách Đặng Thùy Trâm” trao tặng sách cho các trường học và bệnh viện trên toàn quốc trong 3 năm, phấn đấu ít nhất 15 tủ sách được xây dựng.

Ngày 20-11, Hội đồng Họ Đặng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Trái tim người lính; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 tổ chức ra mắt Chương trình “tủ sách Đặng Thùy Trâm”.

Tại chương trình, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức Trái tim người lính cho biết, Chương trình tủ sách Đặng Thùy Trâm trao tặng sách cho các trường học và bệnh viện trên toàn quốc trong 3 năm (2023 - 2025), chương trình phấn đấu sẽ có ít nhất 15 Tủ sách Đặng Thùy Trâm; mỗi tủ sách trị giá từ 100 triệu đến 150 triệu đồng.

Mặc dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm nhưng trong 3 tháng qua, đã có tới 6 Tủ sách Đặng Thùy Trâm được trao tặng tại các địa phương như: Trường THCS Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Trường THCS thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Trường Nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần - TP Thủ Đức; Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Hồ Chí Minh) và Trường THCS Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Toàn cảnh Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm". Ảnh DIỆU THU

Hiện có thêm 2 tủ sách Đặng Thùy Trâm đã được chuẩn bị xong, chuẩn bị được trao tặng tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - nơi nữ Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã hy sinh hơn 50 năm trước, đó là Trường THCS xã Phổ Cường và Trường THCS Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ.

Bà Đặng Kim Trâm – em gái của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho biết, bản thân bà rất cảm động khi Hội đồng họ Đặng Việt Nam và các cơ quan đoàn thể đã làm một việc hết sức ý nghĩa, xây dựng hệ thống tủ sách mang tên chị gái của bà.

Nhiều kỷ vật được gia đình, thân nhân liệt sĩ trao tặng cho chương trình. Ảnh DIỆU THU

“Đã lâu rồi văn hóa đọc sách bị lãng quên, mai một dần, giới trẻ bị đánh mất một thói quen, tình yêu đối với với sách. Với thế hệ của chúng tôi, sách là một món ăn tinh thần không thể thiếu được, nuôi dưỡng tinh thần của thế hệ chúng tôi.

Nếu như làm sống lại tình yêu sách, cũng như thói quen đọc sách sẽ đem lại cho lớp trẻ hiện nay một đời sống tinh thần phong phú hơn, sẽ có chiều sâu hơn so với những thông tin nhanh mà các bạn đọc được ở trên mạng xã hội”- bà Kim Trâm chia sẻ.

Video: Lan tỏa ‘tủ sách Đặng Thùy Trâm’ đến với trường học
Bà Đặng Kim Trâm – em gái của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cho biết đây là chương trình hết sức ý nghĩa. Ảnh DIỆU THU

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức tiếp nhận một số di vật của liệt sĩ và những kỷ vật trong kháng chiến chống Mỹ của 4 gia đình, thân nhân liệt sĩ đến từ huyện Phúc Thọ, quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình, TP Hà Nội trao tặng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đây là những hiện vật quý hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” do Tổ chức Trái tim người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức (giai đoạn 2020-2025).

Những hiện vật này sẽ được bảo tàng trân trọng lưu giữ, bảo quản, phục vụ cho công tác trưng bày trong những dịp lễ lớn của đất nước cũng như là tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.

Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình tri thức ở Huế, lớn lên tại Hà Nội. Tháng 6-1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi) Đặng Thùy Trâm bị lính Mỹ tập kích, hy sinh khi chưa tròn 28 tuổi đời.

Cuối tháng 4-2005, hai cuốn sổ tay là tập nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan Mỹ, lưu giữ sau 35 năm trả lại cho gia đình Bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Sau đó, vào tháng 7-2005, nhật ký của Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm, do NXB Hội Nhà Văn Việt Nam phát hành và trở thành một hiện tượng văn học với hơn 400.000 bản được bán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới