Có dịp đi ngang thôn Trần Xá, khách thập phương không khỏi xuýt xoa khi biết người dân ở vùng quê thuần nông bên dòng sông Nhật Lệ quanh năm làm lúa lại có những thảm hoa đẹp ngút ngàn quanh năm khoe sắc nhờ bàn tay chăm bón của các chị, các mẹ trong thôn.
Nói về những con đường hoa liên xóm thôn, chị Nguyễn Thị Tiệp, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Trần Xá, bộc bạch phong trào trồng hoa do Chị hội khởi xướng từ đầu năm 2017. Ban đầu, chị em thí điểm làm cỏ, xới đất, xuống phân tại các khoảng đất trống ở trục đường chính của thôn để gieo hạt giống. Sau đó, thấy hoa nở rộ, các hộ trong thôn chẳng ai bảo ai cứ thế nhân giống mang về phủ kín thềm bờ tường rào nhà mình.
Đến nay cả thôn trở thành vườn hoa khổng lồ, không nhà nào là không có hoa trước cổng, nhiều nhất là hoa mười giờ và nhiều loại hoa khác để tô điểm cho vườn hoa của thôn thêm đa sắc.
Từ phong trào trồng hoa làm đẹp xóm thôn này, nhiều địa phương lân cận đã đến học hỏi nhân giống làm đẹp làng quê mình.
Pháp Luật TP.HCM giới thiệu khung cảnh đẹp ở làng quê yên bình này.
Những tuyến đường ngang liên xóm thôn được phủ kín hoa mười giờ.
Đúng như tên gọi của loại hoa này, lúc 10 giờ loài hoa này thi nhau nở rộ, tô điểm tô thêm nét đẹp của làng quê mộc mạc nép mình bên dòng Nhật Lệ.
Những khoảng đất trống hai bên đường bê tông liên thôn được người dân tự tay trồng và chăm bón, quanh năm khoe sắc.
Các chị, các mẹ thuộc Chi hội phụ nữ thôn Trần Xá khởi xướng phong trào trồng hoa làm đẹp thôn xóm.
Từ bàn tay chăm bón, làm cỏ, tưới nước thường xuyên của các chị, các mẹ trong thôn những thảm hoa đua nhau khoe sắc.
Thảm hoa khoe sắc không phụ công chăm bón của các chị, các mẹ.
Các chị thường xuyên đi kiểm tra, làm cỏ để thảm hoa của làng thêm rực rỡ.
Chẳng ai bảo ai, hoa được phủ kín các tuyến đường liên xóm, nhà nhà trồng hoa, tự tay làm đẹp bờ tường rào nhà mình.
Làng hoa này án ngữ nơi hợp lưu của ba con sông Kiến Giang, Nhật Lệ và Kiếng Giang nên bình quân mỗi năm hứng 3-5 cơn lũ.
Thế nên để bảo tồn giống, các chị phụ nữ trong thôn thống nhất khi có lũ lớn kéo về hoa ở địa phận nhà nào thì nhà đó tự lo bứng gốc bảo quản để lũ rút đem ra trồng lại.