Một HLV nhẩm tính mỗi tháng CLB chi khoảng 2 tỉ đồng tiền lương cho các thành viên đội bóng, chưa kể những khoản phí khác. Như vậy, đợt nghỉ dài 45 ngày chỉ sau bốn vòng V-League tính chung cho 14 CLB là tổng cộng 42 tỉ đồng. Nguyên do cuộc chơi tạm dừng để VFF tăng cường quân cho U-20 Việt Nam dự vòng chung kết U-23 châu Á, tập trung đội tuyển quốc gia và U-23 làm quen với thầy mới Troussier.
Quãng nghỉ sau bốn vòng đấu được HLV tính ra sẽ tiêu tốn cho 14 CLB 42 tỉ đồng. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Chưa hết, lần nghỉ thứ hai từ ngày 17-4 đến 19-5 sau khi bóng V-League lăn thêm ba vòng, để đội tuyển U-23 Việt Nam tham dự SEA Games 32. Quãng nghỉ tiếp theo từ ngày 7 đến 23-6 như kỳ nghỉ giữa mùa và không biết giai đoạn 2 có tiếp tục nghỉ hay không, vì chưa có lịch thi đấu.
Hầu hết CLB đều bày tỏ ý kiến phản đối các nhà tổ chức VPF vì thời gian nghỉ nhiều là quá lãng phí tiền của, gây ảnh hưởng đến công tác chuyên môn của đội bóng, lịch thi đấu thiếu khoa học dẫn đến chất lượng thi đấu không cao. Cũng có quan điểm ủng hộ thời gian V-League ngưng nghỉ để CLB chấn chỉnh đội hình và đặc biệt là giúp các đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ quốc tế.
Một vấn đề khác mà VPF mong các CLB chia sẻ, đây là thời kỳ chạy đà cho mùa giải sau, khi V-League sẽ chơi theo lịch thi đấu như bóng đá châu Âu cùng thể thức hai lượt đi - về. Vì thế, giai đoạn quá độ này có nhiều thay đổi khiến các thành viên tham gia cuộc chơi không tránh khỏi thiệt thòi.
Một trong những thay đổi mang tính bước ngoặt khác là thời gian V-League nghỉ từ ngày 20-2 đến 6-3, có 18 trọng tài, trợ lý trọng tài sẽ được làm quen với công nghệ VAR trên hệ thống mô phỏng cũng như học hỏi các bước ứng dụng công nghệ VAR - mức độ 1 với tình huống đơn giản, dưới sự hướng dẫn trực tuyến của giảng viên FIFA cùng các giảng viên trọng tài Việt Nam.
Mỗi tháng CLB chi khoảng 2 tỉ đồng tiền lương cho các thành viên đội bóng, chưa kể những khoản phí khác thì đợt nghỉ dài 45 ngày sau bốn vòng V-League tính chung cho 14 CLB là tổng cộng 42 tỉ đồng.
Dự kiến những vòng đấu cuối mùa này, VPF áp dụng công nghệ VAR trong một số trận đấu, sau nhiều mùa bóng các đội bóng than vãn không ngớt về công tác trọng tài. Trưởng Ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ cho biết: “Ban trọng tài đã lựa chọn 18 trọng tài tham dự lớp đào tạo lần này, bao gồm bốn trọng tài FIFA, 12 trọng tài quốc gia và hai trợ lý FIFA.
Trong 14 ngày, các trọng tài, trợ lý sẽ làm quen với thiết bị, phân tích video trong bộ 75 tình huống mà FIFA cung cấp. Các trọng tài sẽ thực hành phân tích dựa trên công nghệ video. Đối với thực tế các trận đấu, ngoài bốn trọng tài trên sân thì trong phòng VAR cần có một trọng tài, một trợ lý VAR và một nhân viên kỹ thuật”.•
Tuyển Việt Nam không đá giao hữu trong dịp FIFA Days
Cuối tháng 2, tân HLV Philippe Troussier mới ra mắt và sau đó tập trung các đội tuyển Việt Nam vào đầu tháng 3. Trong khi các tuyển thủ U-23 quốc gia hội quân cả tháng để ông thầy người Pháp chọn lựa đội hình chuẩn bị SEA Games 32 vào cuối tháng 4 thì đội tuyển Việt Nam chỉ có năm ngày tập trung. Đáng chú ý, các cầu thủ không lên tuyển quốc gia trong những ngày FIFA vào cuối tháng 3 mà ông Troussier chỉ cần có mặt từ ngày 8 đến 12-3. Đây là sự khác biệt của bóng đá Việt Nam trong thời điểm cần có các trận giao hữu để tích lũy điểm trên bảng xếp hạng FIFA như các nước Thái Lan, Malaysia… và những đội tuyển quốc gia khác thì dịp FIFA Days, thầy trò HLV Troussier lại để trôi đi. TT