Ngày 7-8, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết như trên. Hai người này bị tuyên án lần lượt là 10 năm tù và tám năm sáu tháng tù cho hành vi buôn bán trái phép 14 tiêu bản rùa biển.
Ngày 15-10-2018, C. và D. đã bị phát hiện khi đang trên đường vận chuyển 14 tiêu bản rùa biển đi tiêu thụ tại quận Long Biên. Tang vật rùa biển được xác định bao gồm 12 tiêu bản vích (Chelonia mydas) và hai tiêu bản đồi mồi (Eretmochelys imbricate).
Tiêu bản rùa biển được phát hiện tại một cửa hàng ở Kiên Giang. Ảnh minh họa.
Theo ENV, Việt Nam có năm loài rùa biển là vích (Chelonia mydas), đồi mồi (Eretmochelys imbricata), quản đồng (Caretta caretta), rùa da (Dermochelys coriaces) và đồi mồi dứa (Lepichochelys olivacea).
Cả năm loài rùa biển đều được liệt kê trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Theo đó, mọi hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống và sản phẩm của rùa biển tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt lên đến 15 năm đối với cá nhân hoặc 15 tỉ đồng đối với tổ chức theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ trái phép “bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống” của từ 11 cá thể lớp bò sát loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (như rùa biển) đã đáp ứng dấu hiệu định tội và định khung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 10-15 năm tù.
Hiện nay, tiêu bản rùa biển vẫn được nhiều người dân ưa chuộng làm vật trang trí trong nhà. Đây là hành vi tiếp tay cho tội ác mua bán động vật hoang dã. ENV khuyến cáo các cá nhân, tổ chức không tàng trữ, trưng bày tiêu bản rùa biển để tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.