Liên quan việc ông Lê Lợi, Chánh án TAND huyện Cư Kuin, Đắk Lắk bị tố làm 13 tài liệu giả của hai vụ án dân sự, Pháp luật TP.HCMđã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Chung, Phó chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.
.PV: Hiện TAND tỉnh Đắk Lắk đã có hướng xử lý thế nào đối với đơn thư tố cáo của người dân liên quan ông Lê Lợi?
+Ông Nguyễn Văn Chung: Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, TAND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ xác minh. Trên cơ sở đó, ban hành kết luận. Hiện lãnh đạo TAND tỉnh đã giao phòng tổ chức và phòng thanh tra để thực hiện kiểm điểm, quán triệt, rút kinh nghiệm trong toàn ngành về sai phạm này.
Trước thời điểm ban hành kết luận, một trong hai vụ án, đương sự đã rút hồ sơ, nên TAND huyện Cư Kuin đã đình chỉ.
.Chúng tôi được biết người rút hồ sơ trong vụ án dân sự này chỉ sau 14 ngày lại tiếp tục khởi kiện lại. Có hay không việc rút hồ sơ lại là mang tính chất đối phó?
+Ông Nguyễn Văn Chung: Việc rút đơn, hay làm đơn khởi kiện tiếp theo đó là quyền của các đương sự, tòa không can thiệp được. Nguyên tắc của tố tụng, tòa chỉ thụ lý dựa trên đơn thư của đương sự.
.Từ trước đến nay, đã có trường hợp nào để trống tài liệu trong hồ sơ của các vụ án, như trường hợp của ông Lê Lợi hay chưa? Quan điểm của TAND tỉnh Đắk Lắk xử lý trường hợp này như thế nào?
+Chưa khi nào xảy ra trường hợp như thế. TAND tỉnh cũng đã ban hành kết luận, qua đó không chỉ chấn chỉnh trường hợp ông Lê Lợi, mà còn rút kinh nghiệm toàn ngành.
Qua xác minh, có 13 tài liệu có chữ ký mà không có nội dung. Thực ra những nội dung này, qua xác minh là biên bản giao nhận, giấy triệu tập… cần tống đạt trực tiếp cho đương sự. Đồng thời, đương sự ký vào đó để khẳng định đã nhận tài liệu này. Hoặc, có lập biên bản ngày hôm nay không làm việc được với các đương sự. Theo quy định, việc làm này (13 tài liệu để trống - PV) là vi phạm tố tụng.
.Trường hợp của ông Lê Lợi có đủ điều kiện để TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thay đổi thẩm phán của hai vụ án đang thụ lý hay không?
+ Đủ điều kiện thay hay không thì tôi không dám khẳng định. Nhưng, ai cũng có quyền đề nghị thay đổi thẩm phán và HĐXX, nếu cho rằng thẩm phán hoặc một trong các thành viên HĐXX không vô tư, khách quan.
Còn thay đổi hay không thì thuộc thẩm quyền quyết định của người có thẩm quyền. Trường hợp chánh án tòa huyện là thẩm phán xử lý các vụ án thì thẩm quyền ra quyết định thay đổi là của Chánh án TAND tỉnh.
Chân thành cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Theo kết luận, ông Lê Lợi là thẩm phán được phân công giải quyết hai vụ án dân sự tranh chấp đường đi chung thụ lý ngày 24-2-2022 và vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất đã nhận chuyển nhượng thụ lý ngày 12-10-2021.
Trong hồ sơ hai vụ án dân sự nêu trên có 13 tài liệu để trống, không ghi nội dung nhưng có chữ ký của ông Lê Lợi và đương sự.
Trong đó, có hai biên bản không làm việc được nhưng có chữ ký của hai đương sự, không có chữ ký phía nguyên đơn và ông Lê Lợi; ba biên bản không làm việc được nhưng có chữ ký của một nguyên đơn và ông Lê Lợi; bốn biên bản giao nhận có chữ ký bên nhận của một đương sự nhưng không có chữ ký bên giao là ông Lê Lợi.
Kết luận của TAND tỉnh Đắk Lắk nêu việc thẩm phán Lê Lợi ký và để đương sự ký biên bản không làm việc được; biên bản giao văn bản tố tụng khi chưa điền đầy đủ các thông tin về thời gian, người giao nhận, tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu chứng cứ là không đúng với các quy định; là thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Do đó, nội dung tố cáo này là đúng.
Vẫn theo kết luận của TAND tỉnh Đắk Lắk, trong hai vụ án nêu trên, có một vụ án đương sự đã rút đơn khởi kiện. Vì vậy, TAND huyện Cư Kuin đình chỉ giải quyết vụ án.
Đối với vụ án còn lại, TAND huyện này đang tiếp tục giải quyết nên chưa gây ra hậu quả bất lợi cho các đương sự.
TAND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thẩm phán Lê Lợi nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay thiếu sót đã nêu trong kết luận đối với các loại vụ việc đang và sẽ giải quyết, xét xử trong thời gian tới.