Lắp camera nhìn nhà hàng xóm, xử sao?

Mới đây, bà L. (đường Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM) phản ánh không hiểu vì sao nhà hàng xóm lại đặt camera thu hình có tia nhìn hướng vào nhà bà. Nhiều lần bà yêu cầu nhà hàng xóm chấm dứt chuyện này nhưng không được khiến bà ức chế tâm lý. Sau đó bà phản ánh với cơ quan chức năng, cho rằng việc lắp camera như vậy là không đúng, sai với quy chuẩn xây dựng, đề nghị tháo dỡ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng (cụ thể là Thanh tra Sở Xây dựng) bảo việc nhà lân cận lắp camera nhìn qua nhà bà chưa có quy định pháp luật điều chỉnh nên không thể xử lý.

Thực tế, những phản ánh như bà L. không phải là hiếm. Mới đây, ông Nguyễn Thành Thi (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng đã gửi đơn lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp vì ông hàng xóm nại rằng đặt camera theo dõi người ra vào nhà mình nhưng lại chĩa thẳng qua nhà ông. Hai bên tranh cãi kịch liệt, không ai chịu ai. Theo ông Thi, mỗi nhà có quyền đặt camera nhưng không vì thế mà có quyền hướng vào nhà người khác. Nếu làm vậy là xâm phạm bí mật không gian nhà bên cạnh, cần phải chấm dứt. Vụ việc hiện nay cũng chưa có kết luận cuối cùng.

 
Cần có quy chuẩn xử lý để mọi người không vi phạm đời tư của nhau khi thực tế có nhiều nhà bên cạnh lắp camera quan sát. Ảnh: HTD

Đánh giá về những việc này, ông Tống Đức Tiến (Phó phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TP) cho biết việc lắp đặt những vật dụng như camera ghi hình trên phần không gian thuộc sở hữu của người khác, camera có tia nhìn vào nhà người này là có vi phạm hay không… thì luật xây dựng không quy định, việc này do pháp luật dân sự điều chỉnh.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng đúng là hiện nay chưa có quy định liên quan để xử lý. Tuy nhiên, trước thực tế có nhiều nhà bên cạnh lắp camera dõi vào nhà người khác để quay phim, ghi hình thì cần phải có quy chuẩn xử lý để mọi người không vi phạm đời tư của nhau.

Luật sư Nguyễn Văn Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề xuất trong quy định về xử phạt hành chính cần bổ sung thêm quy định nếu ai đó đặt camera hướng vào nhà hàng xóm và có chứng cứ cho thấy nó vi phạm về bí mật đời tư, làm nạn nhân thấy bất an thì cơ quan chức năng như UBND phường, xã, cơ quan quản lý về xây dựng có quyền yêu cầu tháo gỡ. Bởi thực tế hiện nay đời sống đô thị phức tạp, nhà này nhà kia đặt camera theo dõi trộm cắp… là phổ biến, tuy nhiên không vì thế mà họ có quyền đặt camera theo dõi sinh hoạt nhà người khác.

H.LAN - C.TÚ

 

Địa phương cần xử lý

Đúng là việc gắn camera chĩa sang nhà hàng xóm hiện chưa có quy định cụ thể nhưng đây là một hành vi không được phép ở khu dân cư. Thực tế thì ai cũng biết rằng chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới có quyền gắn camera để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo tôi, cách xử lý là người dân có thể phản ánh đến chính quyền địa phương yêu cầu tháo gỡ.

Cách thứ hai là khởi kiện ra tòa yêu cầu chủ camera tháo gỡ vì việc làm này có dấu hiệu của hành vi xâm phạm bí mật đời tư người khác. Nếu có thiệt hại về vật chất, tinh thần thì yêu cầu được bồi thường theo quy định. Lúc này câu hỏi mục đích gắn camera làm gì sẽ được tòa làm rõ...

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

THANH TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm