Lập luận của toà phúc thẩm vụ 'Vợ cũ tái hôn, chồng kiện đòi lại quyền nuôi con'

(PLO)- Tòa sơ thẩm giao quyền nuôi con lại cho người chồng sau khi vợ cũ tái hôn; tuy nhiên cấp phúc thẩm đã tuyên con tiếp tục ở với mẹ, để không làm xáo trộn cuộc sống và tâm sinh lý của trẻ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-1, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ "thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn" giữa nguyên đơn là ông PHĐ (ngụ quận Bình Thạnh) và bị đơn là bà TPPM (ngụ quận Tân Bình).

Tại phiên tòa này, HĐXX đã tuyên chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của VKSND quận Tân Bình. HĐXX giao cho người mẹ được quyền tiếp tục trực tiếp nuôi con, với nhận định rằng tòa sơ thẩm thay đổi người trực tiếp nuôi con là không phù hợp, dễ dẫn đến sự xáo trộn về môi trường sống, về tâm sinh lý của trẻ.

Đòi lại quyền nuôi con khi vợ cũ lập gia đình mới

Cuối năm 2017, ông Đ và bà M thuận tình ly hôn tại TAND quận Bình Thạnh. Do lúc này cháu A (con chung của hai người) chỉ mới 10 tháng tuổi, nên hai bên thống nhất bà M là người trực tiếp nuôi con, ông Đ không phải cấp dưỡng.

Đến năm 2023, ông Đ có đơn yêu cầu được quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu A.

Lý do ông Đ đưa ra là hiện nay bà M đã lập gia đình mới với người nước ngoài, đồng thời đã có con riêng nên điều kiện nuôi dưỡng cháu A đã bị hạn chế, tình cảm bị san sẻ, có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của cháu.

Hiện nay cháu A đang học trường quốc tế sử dụng hoàn toàn tiếng Pháp. Ông Đ cho rằng cháu A đang được nuôi dạy bằng văn hóa nước ngoài, phát triển theo chiều hướng không phù hợp, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Ông Đ muốn con được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ theo văn hóa người Việt Nam. Do đó, ông Đ đề nghị tòa án chuyển quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu A sang cho ông.

Đối với những yêu cầu này, phía bà M có ý kiến không chấp nhận để đảm bảo được sự phát triển ổn định của cháu A. Không nên làm xáo trộn cuộc sống hiện đang tốt đẹp, vui tươi, lành mạnh của cháu.

Vợ cũ lập gia đình mới
Ảnh minh họa.

Bị đơn khẳng định mình không hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc con chung của ông Đ. Ngược lại, chính ông Đ đã lợi dụng quyền và nghĩa vụ của mình gây xáo trộn cuộc sống của cháu A như việc yêu cầu thăm nom khi cháu đang đi học, đi du lịch,…

Bà M cho biết con trai hiện đang được nuôi dạy trong điều kiện tốt và ổn định. Gia đình đầy đủ cha mẹ, anh em, ông bà, mọi người hòa thuận, yêu thương nhau. Trường học của cháu A có chất lượng tốt. Hiện cháu có thể nói 3 ngôn ngữ là Anh, Pháp, Việt

Kết quả kiểm tra sức khỏe của cháu A cũng thể hiện cháu phát triển bình thường, khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa.

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND quận Tân Bình nhận định rằng điều kiện kinh tế nuôi dưỡng con của hai bên là như nhau. Tuy nhiên cháu A là con trai trong giai đoạn trưởng thành cần sự quan tâm, giáo dục, chia sẻ từ người cha.

Hiện bà M đã có gia đình mới nên việc bà M tiếp tục nuôi cháu V là không đảm bảo sự phát triển mọi mặt của trẻ bởi tình thương bị chia sẻ, không tránh khỏi những tổn thương về mặt tình cảm khi không có cha ruột bên cạnh.

Từ đó, HĐXX chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Ông Đ được trực tiếp nuôi dưỡng cháu A.

VKS kháng nghị: Mẹ xây dựng gia đình mới giúp con phát triển tốt hơn

Sau quyết định của tòa án, phía bị đơn đã có đơn kháng cáo. VKSND quận Tân Bình cũng kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

VKSND quận Tân Bình cho rằng, ông Đ đã không nuôi cháu A từ khi cháu chưa tròn 1 tuổi. Hiện tại cháu A đã quen với điều kiện, môi trường sống và được mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất.

Việc thay đổi ngay lập tức về môi trường sống, trường học, bạn bè, thầy cô, phương pháp giáo dục sẽ làm cho cháu gặp nhiều khó khăn trong việc kết bạn, không có cảm giác thân thuộc hay thuộc về. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sự phát triển về thể chất của trẻ.

Đối với việc bà M kết hôn và lập gia đình mới với người nước ngoài, VKS cho rằng không vi phạm điều pháp luật cấm.

Việc bà M xây dựng tổ ấm mới sẽ tạo điều kiện cho cháu A được chăm sóc, quan tâm, nuôi dưỡng trong một gia đình hạnh phúc, đầy đủ tình thân của cha mẹ, anh chị em. Từ đó giúp cháu tránh được những tổn thương do hậu quả của việc cha mẹ ly hôn.

Do đó, việc bà M có gia đình mới không những không ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mà còn tạo điều kiện cho cháu A được phát triển tốt hơn.

Khi nào tòa xem xét ý kiến của người con?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình: "Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên".

Thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án này, cháu A chưa đủ 7 tuổi nên tòa án không đủ điều kiện xem xét ý kiến, nguyện vọng của cháu.

Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử phúc thẩm, cháu A đã đủ 7 tuổi nên tòa án đã lấy ý kiến của cháu và ghi nhận cháu không có nguyện vọng sống cùng cha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm