Lập tòa chuyên biệt, đảm bảo chuyên môn hóa công tác tòa án

(PLO)- Thành lập các tòa án chuyên biệt nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của tòa án,từ đó đảm bảo công tác xét xử các vụ án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, thảo luận tại nghị trường Quốc hội (QH), nhiều đại biểu (ĐB) tán thành đề xuất thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Chuyên môn hóa công tác tòa án trong lĩnh vực án đặc thù

Các ý kiến đều cho rằng việc thành lập tòa án chuyên biệt phù hợp với chủ trương, định hướng xây dựng tòa án chuyên nghiệp; chuyên môn hóa công tác tòa án trong lĩnh vực án đặc thù có chuyên môn sâu; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập về tư pháp quốc tế.

Một số ĐB đề nghị quy định rõ trong luật các tòa án chuyên biệt cụ thể (để phù hợp với quy định tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013), trên cơ sở luật này thì luật tố tụng mới quy định được. Ủy ban Thường vụ QH chỉ quy định về việc đặt tòa án chuyên biệt tại địa hạt tư pháp nào, không quy định tòa án sơ thẩm chuyên biệt cụ thể.

thành lập tòa án chuyên biệt
Xây dựng tòa án chuyên biệt và đội ngũ người làm công tác xét xử giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực này thì việc giải quyết tranh chấp mới hiệu quả. Ảnh minh họa: TRẦN LINH

Cũng có ý kiến đề nghị quy định tòa án chuyên biệt trong cơ cấu tổ chức TAND để phù hợp Điều 102 Hiến pháp năm 2013 nhưng chưa quy định tòa án chuyên biệt cụ thể. Việc thành lập tòa án chuyên biệt cụ thể thì cần phải lập đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định…

Tính chính đáng về mặt chính trị và pháp lý

Về mặt chính trị, Nghị quyết 27-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp”. Do đó, để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp thì việc chuyên môn hóa thẩm phán cũng như xây dựng mô hình tòa án chuyên biệt là điều cần thiết.

Về mặt pháp lý, Nghị quyết 755 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 27-3-2023 đặt ra yêu cầu: “Sửa đổi pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ… để đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án phá sản doanh nghiệp, SHTT”.

Do đó, việc tổ chức tòa án chuyên biệt đối với một số loại án khó nêu trên cũng đáp ứng tính chính đáng về mặt chính trị và pháp lý.

Theo Điều 102 Hiến pháp năm 2013, tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tòa án có quyền ban hành phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý từ hành chính, dân sự đến kinh tế, thương mại, lao động… Các tranh chấp này vẫn có thể giải quyết thông qua thủ tục hành chính hay thủ tục trọng tài. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng tại tòa án vẫn là thủ tục có tính pháp lý mạnh mẽ nhất, triệt để nhất. Bằng chứng là tòa án vẫn có quyền xem xét và đưa ra kết luận ngược lại với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc hủy phán quyết trọng tài.

Nhằm tạo ra sự chuyên môn hóa trong lĩnh vực xét xử, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định TAND cấp tỉnh bao gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Điều 38). Tương tự, TAND cấp huyện có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính (Điều 45).

Tòa chuyên biệt đảm bảo hiệu quả xét xử

Theo Sách trắng EuroCham năm 2020 (báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề và khuyến nghị về thương mại và đầu tư của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham) thì tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam là rất đáng báo động.

Tranh chấp quyền SHTT có tính chất đặc thù, đối tượng sở hữu là tài sản vô hình, các loại hình tranh chấp khá phức tạp (đặc biệt là khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng SHTT được bảo hộ).

Do đó, đề xuất thành lập các tòa án chuyên biệt nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của tòa án, từ đó đảm bảo công tác xét xử các vụ án hoàn toàn phù hợp với mô hình tổ chức tòa án ở nhiều quốc gia trên thế giới và có tính hợp lý nhất định.

Đơn cử, tháng 4-2005, Tòa SHTT được thành lập với tư cách là một tòa chuyên biệt thuộc Tòa án cấp cao Tokyo (The Intellectual Property High Court of Japan). Từ những năm 1997, Thái Lan đã thành lập Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế để chuyên giải quyết các tranh chấp về SHTT. Thậm chí, tòa chuyên biệt về SHTT còn được xem là “trụ cột” tạo nên thành công của hệ thống SHTT ở một số quốc gia như Hàn Quốc.

Không chỉ án về SHTT mà án về hành chính, phá sản, đất đai… cũng là các án phức tạp bởi các quy phạm điều chỉnh vừa nhiều, vừa đan xen với nhau. Giải quyết các loại án này không chỉ đòi hỏi sự am hiểu tường tận các quy định pháp luật mà còn phải có những kỹ năng chuyên sâu nhất định. Thực tế đã chứng minh tính chuyên môn hóa càng cao sẽ càng bảo đảm cho hiệu quả xét xử của tòa án bởi “không ai là biết tất cả” và “trăm hay không bằng tay quen”.

Xây dựng bộ máy tòa án chuyên nghiệp

Quá trình từ đề xuất đến triển khai thực hiện tòa án chuyên biệt đòi hỏi chuẩn bị cả về nguồn nhân lực lẫn vật lực. Chỉ khi có tòa án chuyên biệt và đội ngũ người làm công tác xét xử giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực này thì việc giải quyết tranh chấp mới hiệu quả.

Ngoài ra, hiệu quả trong hoạt động của các tòa chuyên biệt cũng cần được bảo đảm thông qua nhiều yếu tố khác như điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất. Tất cả yếu tố này đều phải được tính toán kỹ lưỡng bởi bất cứ sự hỏng hóc của một mắt xích đều dẫn đến khả năng tê liệt của cả một hệ thống.

Hiện nay Luật Tổ chức TAND có quy định về việc thành lập tòa chuyên trách. Tuy nhiên, tòa chuyên biệt vẫn có những điểm khác biệt với tòa chuyên trách: Đó chính là sự tách biệt giữa các tòa chuyên biệt với tòa án chung.

Việc thành lập tòa chuyên biệt cần phải đánh giá kỹ lưỡng dựa trên số lượng án cần giải quyết. Chẳng hạn, hiện các vụ việc liên quan đến phá sản không nhiều, nếu thành lập tòa chuyên biệt về phá sản sẽ gây lãng phí nguồn lực. Trong khi đó các án về đất đai lại nhiều hơn, nên chăng cần thành lập tòa chuyên biệt về đất đai.

Loại án về SHTT phổ biến ở một số TP kinh tế phát triển. Do đó, có thể thành lập tòa chuyên biệt ở một số TP lớn, sẽ bảo đảm tính hiệu quả.

Kinh nghiệm từ nước ngoài rất đáng được xem xét để tiếp thu như năm 2014, Trung Quốc thành lập và cho vận hành hệ thống tòa án chuyên trách về SHTT tại ba trung tâm quan trọng là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Đầu năm 2017, Trung Quốc lại tiếp tục thành lập các HĐXX (thuộc hệ thống tòa án hiện hành) chuyên về SHTT ở bốn TP nữa.

Tòa chuyên biệt muốn hoạt động hiệu quả thì đòi hỏi nhân sự liên quan phải chuyên sâu từng lĩnh vực. Do đó, công tác tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực phải chú trọng yếu tố chuyên môn hóa cao. Việc điều động, luân chuyển cũng phải được thực hiện trong phạm vi các tòa chuyên biệt.

Đề xuất thành lập Tòa án Đất đai

Không chỉ phù hợp với xu thế vận hành hệ thống tòa án của nhiều nước trên thế giới, việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt còn xuất phát từ nhu cầu giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao.

Mô hình tòa án mới này góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc TAND sơ thẩm chuyên biệt được thành lập cũng là tiền đề để Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu xây dựng chế định luật sư chuyên ngành (như mô hình ở CHLB Đức) nhằm nâng cao tố chất, tính chuyên nghiệp và kỹ năng chuyên môn sâu của đội ngũ luật sư Việt Nam.

Do dự thảo đề xuất thẩm quyền quyết định thuộc Ủy ban Thường vụ QH, nên TAND sơ thẩm chuyên biệt cần được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, TP tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc. Chánh án TAND chuyên biệt chịu trách nhiệm báo cáo công tác với TAND Tối cao.

Trước mắt, ngoài việc thành lập Tòa án SHTT, Tòa án Hành chính, Tòa án Phá sản, chúng tôi đề xuất nên thành lập Tòa án Đất đai, có thẩm quyền giải quyết, xét xử các tranh chấp về đất đai (theo hướng sửa đổi thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án trong dự thảo Luật Đất đai đang lấy ý kiến và trình QH ban hành).

Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử ở TAND sơ thẩm chuyên biệt là những chuyên gia, người có chuyên môn về lĩnh vực tương ứng, do HĐND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi TAND sơ thẩm chuyên biệt có trụ sở bầu theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt sau khi thống nhất ý kiến với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị HĐND cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm.

TS-luật sư PHAN TRUNG HOÀI, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm