Gần đây, có một loại kính được quảng cáo có khả năng chữa cận, viễn và loạn thị được rao bán đầy trên các trang mạng xã hội. Pháp Luật TP.HCM đã vào cuộc tìm hiểu.
Người bán tâng bốc đeo đâu sáng đó
PV liên hệ với ông Tân qua số điện thoại 090862xxxx (0908625455) để hỏi tác dụng của kính chữa cận thị.
“Kính chữa cận thị làm bằng nhựa cao cấp, có xuất xứ từ các nước châu Âu. Kính được sử dụng rộng rãi tại các nước phát triển do hiệu quả mang lại cao, chi phí thấp, không gây tác dụng phụ. Chẳng những điều trị được cận thị, kính còn ngăn ngừa tái phát” - ông Tân cho biết.
Theo ông Tân, kính chữa cận thị được thiết kế gồm nhiều lỗ nhỏ đan xen nhau. Người cận thị đeo kính này sẽ nhìn rõ những vật ở xa qua lỗ nhỏ và mắt không phải điều tiết nên dần trở về trạng thái bình thường, không bị tăng độ.
“Khi sử dụng kính chữa cận thị, người đeo phải nhìn tập trung qua một lỗ nhỏ của kính để thu được hình ảnh rõ nét nhất, tránh hiện tượng nhìn thấy hai ảnh hay chỉ nhìn được lớp màng kính. Thời gian đầu nên đeo kính khoảng 20 phút. Sau khi mắt đã quen với kính thì có thể sử dụng bất cứ lúc nào” - ông Tân hướng dẫn.
“Giá mỗi chiếc là 250.000 đồng. Chẳng những chữa cận thị, loại kính gồm nhiều lỗ nhỏ này còn chữa cả viễn thị và loạn thị. Kính luôn giúp người sử dụng cảm thấy dễ chịu do mắt được thư giãn” - ông Tân nói tiếp.
Tương tự, một người bán kính khác là bà Hồng cũng tâng bốc “tận trời xanh” tác dụng tuyệt vời của kính chữa cận thị khi chúng tôi hỏi mua. “Bảo đảm anh sẽ quăng cặp kính cận dày cộp đang đeo sau khi sử dụng kính chữa cận trong vòng ba tháng. Trước đây tôi cũng cận nặng như anh, nay tôi nhìn xa thấy mọi vật rất rõ sau khi dùng kính chữa cận thị được ba tháng. Kính chữa cận thị giờ bán chạy lắm, mỗi ngày tôi bán trên dưới 20 chiếc” - bà Hồng khoe.
Kính lỗ được quảng cáo không đúng sự thật là có khả năng trị hết cận thị, viễn thị và loạn thị. Ảnh: TRẦN NGỌC
Người mua càng đeo càng tăng độ
Mới đây, chị NTM (30 tuổi, ở Đồng Nai) vào BV Mắt TP.HCM trong tình trạng cận 4 độ.
“Năm 29 tuổi, tôi có biểu hiện nhìn nhòe mọi vật ở xa. Sau khi khám, bác sĩ (BS) bảo tôi bị cận 2 độ và khuyên nên mang kính cận. Tuy nhiên, do đeo kính gây nhiều bất tiện, lại nghe bạn bè kháo nhau có loại kính chữa cận thị nên tôi tìm mua. Dùng loại kính này trong vòng ba tháng tôi luôn bị nhức mắt do phải tập trung căng thẳng để nhìn mọi vật qua những lỗ nhỏ. Điều đáng nói là càng ngày tôi càng nhìn không rõ các vật ở xa” - chị M. cho biết.
Sau đó chị M. đến BV Mắt TP.HCM khám và tá hỏa khi BS bảo cả hai mắt đều cận 4 độ. “Tôi buộc phải đeo kính cận khi đi đường, làm việc. BS nói nếu tôi không sử dụng kính chữa cận thị thì độ cận của tôi không cao như thế này. Giờ thì đã quá muộn” - chị M. nói.
Đồng hoàn cảnh, anh TML (34 tuổi, ở TP.HCM) cũng phải vào BV Mắt TP.HCM để khám “cửa sổ tâm hồn” sau khi đeo kính lỗ chữa cận thị ròng rã bốn tháng.
“Cách đây nửa năm, tôi có biểu hiện cận thị khi nhìn các vật xa bị nhòe, đọc những con chữ không rõ. Vào các trang mạng, tôi thấy quảng cáo kính chữa cận thị nên tìm mua. Người bán nói nên đeo kính khi làm việc trên máy tính, xem truyền hình… trong vòng ba tháng thì mắt sẽ hết cận. Tôi làm theo y chang thế nhưng sau ba tháng mắt vẫn không cải thiện. Đến tháng thứ tư thì tình hình ngày càng có chiều hướng xấu. BS khám và nói mắt trái tôi cận gần 4 độ, mắt phải cận hơn 4 độ” - anh L. cho hay.
Kính lỗ càng đeo càng hại Càng tin vào khả năng chữa cận thị, viễn thị, loạn thị của kính lỗ càng khiến độ cận, viễn tăng lên. Do vậy, khi có biểu hiện nhìn xa hoặc gần thấy mờ thì bạn nên đến BS chuyên khoa. |
Bác sĩ: Chớ lấy kính đo làm thành kính đeo!
“Tôi chưa thấy kính lỗ chữa được cận thị, cũng không khẳng định hiệu quả mang lại vì chưa từng sử dụng. Tuy nhiên, không ít người vì tin vào lời quảng cáo quá mức đã mua dùng khiến độ cận thị tăng lên” - BS Phạm Nguyên Huân, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp, BV Mắt TP.HCM, nói.
Theo BS Huân, người bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) khi nhìn xa, ảnh của vật trên võng mạc là một vùng mờ. Tuy nhiên, khi nhìn qua một lỗ ở trung tâm, vùng mờ đó bị thu hẹp lại và làm cho người có tật khúc xạ thấy rõ hơn.
“Bình thường tia sáng từ a và d đến mắt sẽ cho một vùng mờ ở võng mạc. Thế nhưng khi có một lỗ nhỏ ở trung tâm thì chỉ có tia b, c vào mắt, làm cho vùng mờ nhỏ lại giúp người bị tật khúc xạ nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, kính lỗ chỉ được dùng trong đo khúc xạ để phát hiện có bị cận thị, viễn thị, loạn thị hay không. Kính lỗ hoàn toàn không có tác dụng điều trị các tật khúc xạ. Đeo kính lỗ đi đường sẽ làm giảm độ rộng của tầm nhìn, dễ gây tai nạn giao thông. Chưa hết, mang kính lỗ còn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, rất dễ vấp ngã” - BS Huân nói.
Nhiều cách trị tật khúc xạ Điều trị tật khúc xạ thì cách đơn giản, hiệu quả nhất đầu tiên là đeo kính gọng. Ngoài ra, có thể sử dụng kính tiếp xúc (contact lens), kính tiếp xúc cứng để chỉnh thị (Ortho-K). Tuy nhiên, các loại kính tiếp xúc không có tác dụng điều trị vĩnh viễn. Điều này đồng nghĩa nếu ngưng đeo kính thì tật khúc xạ sẽ quay lại. Cuối cùng, bệnh nhân có thể điều trị tật khúc xạ bằng laser nếu có chỉ định. BS PHẠM NGUYÊN HUÂN, BV Mắt TP.HCM |