Lấy phiếu tín nhiệm: Cơ hội để cán bộ 'tự soi, tự sửa'

hôm nay khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Lấy phiếu tín nhiệm: Cơ hội để cán bộ 'tự soi, tự sửa'

(PLO)- 44/49 chức danh cho Quốc hội bầu, phê chuẩn sẽ được bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu.

Hôm nay (23-10), kỳ họp thứ sáu Quốc hội (QH) khóa XV khai mạc. Trong chương trình nghị sự, QH sẽ dành thời lượng 1,5 ngày làm việc để lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Đại biểu (ĐB) QH Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác ĐB (thuộc Ủy ban Thường vụ QH), đã có cuộc trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM xoay quanh công tác chuẩn bị cho hoạt động quan trọng này của QH.

Lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh

. Phóng viên: Thưa bà, cử tri đang rất quan tâm đến công tác lấy phiếu tín nhiệm của QH tại kỳ họp đối với các chức danh được QH bầu và phê chuẩn, vậy công tác này đến nay đã được chuẩn bị như thế nào?

P2-3-TaThiYen.jpeg

+ ĐBQH Tạ Thị Yên: Đây là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm và mong muốn việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, công tâm, khách quan.

Theo quy định tại Nghị quyết 96/2023 của QH, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được đầy đủ các báo cáo về lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ sáu. Các thông tin liên quan cũng đã được gửi tới từng ĐBQH để nghiên cứu, xem xét.

Có thể nói công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm, đúng quy trình, quy định. Điều này giúp các ĐBQH có đầy đủ dữ liệu, có góc nhìn vừa toàn diện vừa chi tiết, để có thể đánh giá khách quan, chuẩn xác với từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

. QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm bao nhiêu chức danh, thưa bà?

+ QH khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, cũng theo quy định tại Nghị quyết 96 thì những người có thông báo chờ nghỉ hưu và chức danh được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu do chưa đủ một năm giữ chức vụ.

Qua rà soát các chức danh và điều kiện tiêu chuẩn cụ thể, dự kiến sẽ có 44 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu, QH khóa XV. Tại kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH quyết định danh sách chính thức những người được lấy phiếu tín nhiệm.

P2.3-chuyende-hinhP3.jpg
Căn cứ lấy phiếu tín nhiệm của các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn dựa vào cả quá trình công tác của cán bộ. Ảnh: TP

Đánh giá cán bộ là cả quá trình

. Dự kiến việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện sau khi kỳ họp thứ sáu khai mạc. Có ý kiến đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn để ĐB có thêm góc nhìn, cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm. Bà thấy sao về quan điểm này?

+ Tôi cho rằng việc đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm phải dựa trên cả quá trình công tác của họ, chứ không chỉ là lát cắt tại một phiên chất vấn.

Nghị quyết 96 nêu rõ căn cứ đánh giá tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Những điều này giúp ĐBQH có một cái nhìn khách quan, toàn diện, đồng thời khá chi tiết khi đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Mặt khác, tại mỗi kỳ họp QH, thông thường chỉ có tối đa bốn lĩnh vực được lựa chọn để các ĐBQH thực hiện chất vấn và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, chứ không thể bao quát, toàn diện được hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp QH hay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của ĐBQH.

. Là ĐBQH, đến thời điểm này bà đã được cung cấp thông tin gì để làm căn cứ đánh giá với những người được lấy phiếu tín nhiệm?

+ Theo Nghị quyết 96, người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và nhân dân có ý kiến hoặc ĐBQH yêu cầu (nếu có).

Đến nay, các báo cáo trên đã được gửi tới Ủy ban Thường vụ QH. Các thông tin liên quan khác cũng đã được gửi đến từng ĐBQH, cá nhân tôi cũng đã nhận được. Qua nghiên cứu, đánh giá ban đầu tôi nhận thấy các thông tin về các quá trình công tác, thực thi nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm đã được cung cấp khá đầy đủ, toàn diện. Đây là cơ sở quan trọng để ĐBQH đánh giá khách quan, công tâm với từng chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Cá nhân tôi cũng tham khảo thêm các kênh thông tin khác, trong đó có kênh thông tin từ báo chí, báo cáo ngành, lĩnh vực mà người được lấy phiếu tín nhiệm đang công tác. Qua đó, để có cái nhìn thấu đáo hơn khi đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ.

Sẽ miễn nhiệm ngay tại kỳ họp nếu tín nhiệm thấp vượt 2/3

. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ sáu này có điểm đổi mới gì nổi bật so với nhiệm kỳ trước không?

+ Đây là kỳ họp đầu tiên QH thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96 có sửa đổi so với Nghị quyết 85 trước đây. Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 96 là sử dụng kết quả đánh giá tín nhiệm với những biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn hơn.

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Với người có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để QH bầu, phê chuẩn sẽ có trách nhiệm trình QH miễn nhiệm tại ngay kỳ họp đó hoặc sang kỳ họp gần nhất. Điều này giúp thôi thúc mạnh mẽ hơn và khiến người được lấy phiếu tín nhiệm phải “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai như thế nào để cử tri và nhân dân giám sát? Cá nhân bà kỳ vọng gì ở lần lấy phiếu tín nhiệm này?

+ Theo quy định của Nghị quyết 96, toàn bộ thông tin về kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là ba ngày kể từ ngày nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thông qua để cử tri và nhân dân biết.

Các chức danh sẽ được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu

Theo quy định tại Nghị quyết 96, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, tổng thư ký QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị quyết 96, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, tổng thư ký QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ, phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quy định này nhằm tác dụng phát huy tính tích cực, hiệu quả trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm để cử tri, nhân dân cả nước cùng tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại QH, giám sát chất lượng thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao đối với những người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn.

Bản thân tôi mong muốn qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm cũng tự nhìn nhận lại mình để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu.

Cụ thể là đã làm tốt công tác rồi sẽ cố gắng làm tốt công tác hơn; đã trong sạch, gương mẫu rồi càng trong sạch, gương mẫu hơn. Từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của cả bộ máy cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Mục tiêu chung là vì đất nước phát triển nhanh và bền vững, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân không ngừng được nâng cao.

. Xin cám ơn bà.•

...................

Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH BÙI VĂN CƯỜNG:

Lấy phiếu tín nhiệm là dịp để bản thân tự xét lại mình

Lấy phiếu tín nhiệm: Cơ hội để cán bộ 'tự soi, tự sửa' ảnh 3

Theo quy định tại Nghị quyết 96, những người giữ các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm sẽ phải có báo cáo, kê khai tài sản gửi ĐBQH, có những giải trình nếu ĐB yêu cầu. Trên cơ sở đó các ĐB sẽ xem xét, đánh giá tín nhiệm đối với từng chức danh. Có thể nói đây là một đợt đánh giá của cử tri, nhân dân cả nước đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thông qua lá phiếu của các ĐBQH, ĐB HĐND.

Là một trong những người giữ chức danh được QH lấy phiếu tín nhiệm lần này, bản thân tôi nhận thấy đây là một dịp để bản thân tự xét lại mình từ đó hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành tốt nhất công việc, nhiệm vụ được giao. Cá nhân tôi rất tin tưởng vào sự đánh giá công tâm, khách quan, trách nhiệm của các ĐBQH. Đồng thời mong muốn đợt sinh hoạt chính trị này sẽ tác động lan tỏa tích cực để mỗi cán bộ, mỗi một ĐB dân cử, nhất là khi được bầu các chức vụ ở trung ương hay địa phương đều phải cố gắng thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, xứng đáng với sự tín nhiệm từ các ĐBQH, ĐB HĐND và cử tri, nhân dân cả nước.

.................

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):

ĐBQH cần khách quan, độc lập, công tâm trong đánh giá tín nhiệm

Lấy phiếu tín nhiệm: Cơ hội để cán bộ 'tự soi, tự sửa' ảnh 4

Tôi rất kỳ vọng đợt lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu lần này sẽ thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của từng ĐBQH trong đánh giá tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh mình đã bỏ phiếu bầu và phê chuẩn. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi và được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Hiện nay, các ĐBQH đã nhận được báo cáo của những người sẽ được QH lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này. Bản thân tôi đã nghiên cứu kỹ từng báo cáo để mình nắm được những thông tin về mặt được, chưa được của từng trường hợp mà mình sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Qua đó, việc đánh giá tín nhiệm đối với từng trường hợp được thực hiện một cách thận trọng, chu đáo, công tâm, khách quan.

Cùng với đó là kết hợp với quá trình giám sát các hoạt động của các thành viên mình đã bầu, nhất là công tác chất vấn để mình có sự đánh giá toàn diện hơn đối với quá trình công tác của từng trường hợp được lấy phiếu tín nhiệm trong đợt này.

Tôi cho rằng mỗi ĐBQH cần giữ một vị thế khách quan, độc lập, công tâm trong đánh giá tín nhiệm không vì một thế lực nào đó, vì một lý do nào đó, một áp lực nào đó mà mình bỏ phiếu thiên lệch.

Đọc thêm