Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM năm 2024 đã chính thức diễn ra vào sáng 18 và kéo dài đến hết 21-7 tại Trung tâm Văn hoá – Thể thao quận Tân Bình TP.HCM.
Nếu như năm 2023, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM cùng Công an tỉnh Quảng Nam hỗ trợ bà con người Quảng xa quê làm căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử thì năm nay, bên cạnh việc hỗ trợ làm căn cước theo Luật Căn cước, hướng dẫn đăng ký mã định danh mức 2, lần đầu tiên sở Giao thông Vận tải tỉnh nhà giúp bà con cấp đổi giấy phép lái xe.
Hoạt động thiết thực cho bà con xa quê
Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP.HCM dù chỉ mới sáng đầu tiên nhưng nhiều bà con đồng hương tỉnh Quảng Nam đã đến làm thủ tục cấp căn cước cũng như cấp đổi giấy phép lái xe…
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, anh Trần Văn Nghi ngụ tại quận Tân Phú TP.HCM hiện đang cho biết anh và vợ từ Quảng Nam và cùng nhau vào TP.HCM sinh sống làm việc đã hơn 10 năm nay.
Theo anh Trần Văn Nghị, hơn 2 năm qua anh và vợ con chưa về quê. Đầu tháng 7 biết được thông tin thay đổi Luật Căn cước, anh đã dự tính đưa vợ con về quê dịp hè để đổi thẻ căn cước, tuy nhiên vì bận rộn công việc gia đình anh vẫn chưa thể về.
Vì vậy, khi biết được thông tin Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM hỗ trợ bà con cấp căn cước, cấp đổi giấy phép lái xe và hướng dẫn đăng ký mã định danh mức 2, anh đã đưa vợ con đến làm căn cước.
"Nhiều bà con xa quê như tôi và bà xã vì nhiều lý do mà chưa thể về quê quê làm giấy tờ. Khi BTC Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM cùng lãnh đạo tỉnh nhà hỗ trợ được người dân như vậy thì rất tuyệt vời.
Không chỉ tiết kiệm được thời gian mà chúng tôi cũng tiết kiệm được một khoản phí khá lớn cho việc di chuyển về quê nhà để đổi căn cước. Việc làm này có lợi cho người dân bà con xa quê rất nhiều" – anh Nghị chia sẻ.
Cũng là người con xứ Quảng, hiện đang ngụ tại Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh TP.HCM, anh Phạm Viết Châu công tác bên lĩnh vực xây dựng, cho biết bản thân vì công việc bận rộn nên chưa có thời gian về quê để làm về giấy tờ tuỳ thân.
Do đó, khi biết được thông tin anh đến để để làm lại căn cước và đổi giấy phép lái xe.
“Nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn, không có thời gian để về như tôi nên có hoạt động hỗ trợ như vậy thực rất thiết thực, bên cạnh đó lễ hội cũng còn nhiều hoạt động thú vị khác. Tôi cũng mong muốn rằng các hoạt động này sẽ duy trì hằng năm để bà con xa quê hương đang sinh sống làm việc tại TP.HCM các vùng lân cận có thể được hỗ trợ như tôi, cảm nhận như được tiếp thêm tình thân nơi quê nhà” – anh Châu bày tỏ.
Luôn vì người bà con người Quảng xa quê
Dù mới buổi sáng đầu tiên của chuỗi hoạt động lễ hội, thế nhưng Thượng tá Nguyễn Văn Ánh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Nam cùng anh em đã tất bật công việc hướng dẫn bà con làm thủ tục để làm căn cước.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Văn Ánh cho biết trước nhu cầu thiết yếu hiện nay, lãnh đạo tỉnh và giám đốc công an đã chỉ đạo, cử tổ công tác cùng các trang thiết bị cần thiết vào TP.HCM để hỗ trợ bà con người Quảng Nam xa quê cấp căn cước và hướng dẫn đăng ký mã định danh mức 2.
"Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 trong đó có điểm mới so với Luật Căn cước công dân trước đây. Qua đợt này với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, vì nhân dân phục vụ trên cơ sở quy định pháp luật cùng với mục tiêu hướng đến phát triển công dân số, xã hội số… thì chúng tôi tạo điều kiện tổ chức thu nhập hồ căn cước, hồ sơ định danh mức 2 cho công dân đối với những trường hợp có nơi cư trú theo quy định tạo điều kiện cho công dân Quảng Nam có được giấy tờ để giải quyết thủ tục hành chính trong quá trình làm việc sinh sống tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam" - Thượng tá Nguyễn Văn Ánh nhấn mạnh.
"Từ một tình cảm thực thụ qua một lần đi họp đồng hương, chúng tôi thấy bà con Quảng Nam vì nhiều hoàn cảnh họ khó có khả năng về quê nhà trong một khoảng thời gian để làm những thủ tục hành chính của mình.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chỉ đạo Công an, Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng vào tận TP.HCM hỗ trợ bà con làm căn cước, hướng dẫn đăng ký mã định danh mức 2 và cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Chúng tôi mong muốn làm sao có thể hỗ trợ thiết thực nhất cho bà con xa quê, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và kết nối tình cảm với quê nhà.
Lần đầu tiên hoạt động cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe do Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam hỗ trợ bà con người Quảng xa quê tại TP.HCM. Ông Châu Ngọc Liệu, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, cho biết dù mới ngày đầu tiên nhưng nhiều bà con đã đến và rất phấn khởi khi hoạt động ý nghĩa này diễn ra.
"Việc cấp đổi giấy phép lái xe thì hiện nay theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải là tất cả công dân ở đâu thì đều được đổi giấy tờ tại sở giao thông vận tải tại tỉnh thành nơi bà con có thường trú. Tuy nhiên, đối với bà con Quảng Nam tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam thì do điều kiện bận rộn không thể về quê để đổi hoặc tới Sở Giao thông Vận tải TP.HCM số lượng người quá đông nên rất nhiều bà con chưa thể đổi.
Do đó qua hoạt động này, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh vào hỗ trợ cho bà con xa quê đổi giấy phép lái xe" – ông Châu Ngọc Liệu cho hay.
Cũng theo ông Liệu, dù là lần đầu tiên hỗ trợ bà con nhưng phía đơn vị không gặp khó khăn gì nhiều. Phương tiện máy móc đều đã được chuẩn bị. Trước đó, sở đã đi tiền trạm yêu cầu trang thiết bị cấp thiết và đều được ban tổ chức Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM hỗ trợ cung cấp.
"Vì việc hỗ trợ diễn ra trong nhiều ngày, chúng tôi làm ở các khung giờ 7h30 đến 10h30, từ chiều 13h đến 17h. Nếu buổi tối bà con vẫn đến làm và đông thì chúng tôi sẵn sàng tăng cường để hỗ trợ" – ông Châu Ngọc Liệu cho biết.
Nhiều hoạt động phong phú tại Lễ hội
Lễ hội đồng hương Quảng nam tại TP.HCM năm 2024 diễn ra vào sáng 18-7 và kéo dài đến hết 21-7 tại Trung tâm Văn hoá – Thể thao quận Tân Bình TP.HCM.
Trong 3 ngày, Lễ hội có nhiều hoạt động như xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, văn hóa, ẩm thực, phát triển khởi nghiệp…
Bên cạnh đó, Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM năm 2024 cũng là cơ hội để giới thiệu văn hóa nghệ thuật dân gian Quảng Nam như dân ca, hô hát bài chòi, lễ hội cồng chiêng; ẩm thực đặc trưng xứ Quảng…
Đồng thời, tại Lễ hội đồng hương Quảng Nam, còn có các sự kiện như: Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam lần thứ 2; Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam” nhằm kết nối các cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong việc tư vấn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo tỉnh và kết nối dự án khởi nghiệp Quảng Nam với các tỉnh, thành phố bạn; tổ chức gặp mặt truyền thống đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM...
Tại lễ hội, có 80 gian hàng OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và khởi nghiệp của tỉnh Quảng Nam và 30 gian hàng doanh nghiệp của bà con đồng hương; giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.