Vào dịp cuối năm, mọi người tổng kết, bày biện lễ vật để tạ ơn trời Phật, tổ tiên, Thần Tài, Thổ Địa… đã phù hộ, độ trì công việc hanh thông, buôn bán phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn.
Tuy nhiên, mỗi gia đình đều cúng theo ý riêng hoặc bài cúng tự soạn. Nhằm giúp quý vị hiểu rõ về lễ vật và bài cúng tất niên, chúng tôi xin giới thiệu bài cúng do thầy phong thủy Trần Văn Phúc (huyện Hóc Môn, TP.HCM) biên soạn:
"Theo quan niệm dân gian của người Việt Nam, sau một năm làm ăn buôn bán, cuối năm làm một mâm cỗ để trả ơn chư Phật, Thổ Địa.
Một mâm chay cúng Phật gồm đĩa ngũ quả, bánh. Bàn cúng Phật nên để quay ra ngoài đường. Có thể lấy một tờ giấy quý nhơn dán trước bàn. Một lư hương, cặp đèn cầy, ba chung rượu, ba chung trà. Bình bông để bên tay phải, đĩa ngũ quả để chính giữa.
Một mâm cúng Thổ Địa gồm một đĩa trái cây ngũ quả, thịt heo quay, vịt quay. Tốt nhất có đãi tam sên (tôm, cua, trứng gà).
Tất cả đồ cúng Thổ Địa để quay vào trong. Năm chung rượu, năm chung trà. Bình bông để bên tay phải ông Địa. Heo quay, vịt quay để chính giữa. Xung quanh để bánh trái. Tốt nhất có bộ áo giấy cúng Thổ Địa, Thần Tài".
Cũng theo thầy Trần Văn Phúc, lễ cúng tất niên diễn ra từ mùng 2 tháng Chạp và được kéo dài đến 30 Tết.
Còn trong dân gian, bày mâm lễ cúng tất niên gồm mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm. Trong đó, nếu cúng mặn không thể thiếu con gà trống.
Một số hình ảnh về mâm cỗ cúng tất niên:
Giấy quý nhân cúng bàn Phật.
Mâm ngũ quả.
Mâm cúng Thổ Địa, Thần Tài.
Gia chủ cùng thầy Trần Văn Phúc đang cúng tất niên.