Lên kế hoạch giám sát tài chính của Vietnam Airlines, ACV

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát trong năm 2021 đối với 19 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Mục đích của nhiệm vụ này là nhằm phát hiện những yếu kém trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan… Đồng thời, đánh giá kịp thời tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp để đưa ra biện pháp khắc phục.

Nội dung giám sát tập trung vào chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…

Vừa qua Ngân Hàng nhà nước cấp 4.000 tỉ đồng cho các ngân hàng thương mại để Vietnam Airlines vay. Ảnh: V.LONG

Riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giám sát gián tiếp nguồn tài chính 6 tháng đầu năm 2021.

Ngoài ra, xem xét việc tổ chức triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn mà Chính phủ giao tại Nghị quyết 24 về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ Vietnam Airlines…

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Ủy ban cũng tiến hành giám sát gián tiếp thông qua báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về nguồn tài chính năm 2020 và 6 tháng cuối năm 2021.

Song song đó là giám sát việc triển khai các nhiệm vụ đã giao cho người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV và các quyết định của Thủ tướng.

Cụ thể như chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên.

Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 doanh nghiệp.

Năm 2020, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước đạt hơn 767.844 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 21.068 tỉ đồng.

17/19 doanh nghiệp nộp ngân sách khoảng 56.387 tỉ đồng. Tổng tài sản công ty mẹ của 15/19 doanh nghiệp tăng 4,59% lên hơn 1,54 triệu tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm